Phát triển thị trường truyền hình di động trả tiền trên thị trường viễn thông

TS. Vũ Trọng Phong - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2017, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền ước đạt 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 380 tỷ đồng, tăng 19,95% so với năm 2016. Với sự phát triển nhanh và tiến bộ của công nghệ, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang tích cực tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền để tăng doanh thu, duy trì thị phần, đồng thời, cung cấp thêm nhiều tiện ích cho thuê bao ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống. Bài viết trao đổi về thực trạng phát triển thị trường truyền hình di động trả tiền của Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển thị trường này trên thị trường viễn thông trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam

Tại Việt Nam, dịch vụ truyền hình trả tiền với 5 loại hình dịch vụ gồm: truyền hình cáp (Analog, Truyền hình số, IPTV), truyền hình mặt đất kỹ thuật số, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, truyền hình di động (Mobile Tv) và truyền hình qua mạng Internet.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho thấy, năm 2017, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) ước đạt 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 300 tỷ đồng tăng so với năm 2016 là 21,16%, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 380 tỷ đồng, tăng so với năm 2016 là 19,95%.

Cả nước hiện có 67 đài phát thanh truyền hình, trong đó có 2 đài trung ương, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, 63 đài địa phương. Cả nước có 78 kênh chương trình phát thanh trong nước, 104 kênh truyền hình. Số kênh truyền hình trên hệ thống truyền hình cáp trả tiền, Intenet, vệ tinh là 91 kênh, số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập, biên dịch là 55 kênh.

Tổng doanh thu thuê bao của thị trường THTT năm 2017 ước đạt 7.500 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với năm 2016. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, hiện có tổng số 32 DN truyền hình, trong đó 2 DN truyền hình quảng bá, 30 DN THTT, với tổng số lao động là 9.800 người. Tính đến hết năm 2016, số thuê bao THTT đạt 12,5 triệu thuê bao.

Doanh thu THTT năm 2016 đạt 12.000 tỷ đồng. Trong tổng số 12.000 tỷ đồng doanh thu của THTT năm 2016, riêng Truyền hình cáp SCTV ước đạt doanh thu hơn 3.420 tỷ đồng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia truyền hình, sau một thời gian dài cạnh tranh về giá, giá dịch vụ THTT ở Việt Nam đã rơi xuống ở mức khó có thể thấp hơn.

Theo số liệu Sách Trắng CNTT-VT Việt Nam năm 2017, năm 2016 cả nước có 74 DN cung cấp dịch vụ viễn thông cố định mặt đất và 5 DN cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2016 đạt 136.499 tỷ đồng (tương đương 6,16 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm 2015). Tổng số thuê bao điện thoại di động đạt trên 128 triệu thuê bao, trong đó có gần 36,2 triệu thuê bao băng rộng di động, đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân.

Tổng số thuê bao truy nhập băng thông rộng cố định đạt hơn 9 triệu thuê bao. Đặc biệt, sau thời gian thử nghiệm, từ tháng 10/2016, 3 nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, VinaPhone, MobiFone đã chính thức được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông 4G LTE.

Năm 2017, doanh thu của 3 doanh nghiệp viễn thông (DNVT) chủ đạo trên thị trường đạt 437.734 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2016 (365.500 tỷ đồng). Trong đó, Tập đoàn VNPT đạt trên 144.000 tỷ (tăng 7%); Tập đoàn Viettel đạt 249.500 tỷ (lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn đạt 43.936 tỷ, nộp ngân sách nhà nước 41.142 tỷ đồng); Tổng công ty Mobifone đạt 44.234 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.589 tỷ đồng.

Đánh giá về dịch vụ truyền hình trả tiền qua internet và thiết bị di động

Cuộc chiến dịch vụ truyền hình qua Internet (truyền hình OTT) đã thực sự bùng nổ khi mà từ năm 2016, các DN truyền hình như: SCTV, VTVcab, K+, VTC, VNPT, Clip TV… đã nhập cuộc và năm 2017 đã chứng kiến sự bùng nổ của dịch vụ truyền hình qua Internet (truyền hình OTT) tại Việt Nam. Sự phát triển bùng nổ các dịch vụ OTT đã đe dọa đến các dịch vụ truyền hình truyền thống, giống như các dịch vụ GTGT (VAS), Over the Top (OTT) trong lĩnh vực viễn thông di động khiến các nhà mạng sụt giảm doanh thu. Do đó, các DN truyền hình buộc phải nhập cuộc chơi OTT có thu phí như “chiếc phao cứu cánh” để gia tăng doanh thu.

Truyền hình OTT nói chung và truyền hình di động (MobileTV do các DNVT như: Viettel, VNPT-VinaPhone, Mobifone cung cấp) nói riêng không chỉ là xu hướng công nghệ của riêng Việt Nam mà xảy ra ở cả các thị trường khác trên thế giới. Tính riêng tại thị trường Việt Nam, các DN truyền hình như SCTV, VTVcab, K+, VTC, VNPT đã lần lượt ra mắt dịch vụ truyền hình OTT ngay từ năm 2016.

Chẳng hạn, K+ ra mắt dịch vụ truyền hình OTT MyK+Now; VTVcab cũng có ứng dụng OTT là VTVcab ON… Sự xuất hiện của dịch vụ truyền hình qua Internet (truyền hình OTT) và truyền hình di dộng (Mobile Tv) đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình khá “chật vật” trong việc duy trì thuê bao và doanh thu trong năm 2017. Do vậy, các DN của 5 loại truyền hình trả tiền nói trên, cần có chiến lược marketing riêng biệt, phù hợp khi tham gia vào thị trường này nhằm dành thị phần, chia sẻ miếng bánh lợi nhuận, tối đa hóa nguồn lực đầu tư…

Trong khi đó, với truyền hình qua thiết bị di động (Mobile TV), về mặt bản chất, đây là dịch vụ giúp người dùng có thể xem các chương trình truyền hình (các kênh truyền hình yêu thích, phim, video, các chương trình dành riêng cho nhóm đối tượng người xem, gameshows…) trên di động.

Thay vì phải ngồi trước màn hình tivi ở nhà đúng giờ, hay giành giật để xem được kênh truyền hình mà mình yêu thích thìkhách hàng chỉ cần đăng ký dịch vụ Mobile TV của các nhà mạng và vô tư xem các chương trình đó ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào khách hàng có nhu cầu trên chiếc điện thoại của mình.

Sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của công nghệ cũng như khả năng bắt kịp với xu hướng công nghệ trên thế giới (3G, 4G) khiến cho các DNVT Việt Nam cũng tích cực nhập cuộc chơi Mobile TV. Dự đoán, tiếp theo những bước đột phá năm 2017 với sự triển khai đồng loạt dịch vụ 4G, năm 2018 và các năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự bùng nổ của Mobile TV của các DNVT Việt Nam với các gói cước tích hợp cực kỳ cạnh tranh, chất lượng dịch vụ và nội dung ngày càng hoàn thiện, cạnh tranh mạnh với truyền hình OTT và các dịch vụ THTT khác…

Ngoài việc phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để dành thị phần, thuê bao; THTT tại Việt Nam đang phải cạnh tranh với những dịch vụ THTT trên nền dịch vụ Internet mà Netflix là một đối thủ đánh gờm nhất. Bên cạnh Netflix, các ứng dụng xem THTT qua website, ứng dụng Android/iOS, TV Internet… khác như: iflix (Malaysia), Danet (Việt Nam), Fim+ (Việt Nam), Clip Tv (Việt Nam) với những lợi thế về nội dung cung cấp, Việt hóa, cập nhật nội dung… cũng khiến cho cuộc chiến cạnh tranh dành thị phần, thuê bao, doanh thu… trên thị trường THTT của Việt Nam thêm phần khó khăn cho các DNVT cung cấp dịch vụ Mobile TV.

Kinh nghiệm triển khai Mobile TV trên thị trường viễn thông quốc tế cho thấy, tính chất cạnh tranh quyết liệt giữa các DNVT và DN kinh doanh THTT. Tại Australia, Telstra- hãng viễn thông lớn nhất nước này đã xây dựng riêng một gói Mobile TV (Foxtel Now) cho thuê bao của mình tích hợp luôn vào gói cước dựa trên nhu cầu sử dụng và khả năng chi trả của khách hãng. Làm được điều này vì Telstra nắm tới 50% sở hữu tại Foxtel (hãng THTT lớn nhất Australia).

Dù Foxtel vẫn có các gói cước dành riêng cho thuê bao cáp quang sử dụng trên mọi mạng viễn thông của các DNVT Australia; tuy nhiên Foxtel Now thiết kế cho khách hàng của Telstra được cá biệt hóa trên thiết bị smartphone/MTB nhấn mạnh yếu tố xem mọi lúc, mọi nơi, trực tiếp và tiện dụng vốn là ưu thế chỉ riêng DNVT mới có. Tương tự, tại Mỹ, AT&T- hãng viễn thông lớn nhất Mỹ về mặt doanh thu (2016-2017) theo xếp hạng của Forbes cũng mua lại toàn bộ DIRECTV- hãng THTT với giá 67,1 tỷ USD vào năm 2015 để lấn sân sang mảng THTT cung cấp cho khách hàng tại Mỹ, các nước Mỹ La tinh và vùng Carribe.

AT&T cũng thiết kế riêng gói Mobile Tv dành cho thuê bao của mình (DIRECTV, DIRECTV NOW) với các kênh truyền hình, xem theo yêu cầu VoD (Videos on Demand), truyền hình trực tiếp (live)… tích hợp vào luôn gói cước viễn thông cho các thuê bao theo nhu cầu sử dụng và khả năng chi trả nhấn mạnh lợi thế riêng có của DNVT cung cấp: mọi lúc, mọi nơi, trực tiếp, tiện dụng (xem trên mọi thiết bị smartphone, MTB…); Phân chia theo giới và thể loại (kịch, phim truyện, dành cho trẻ em…); Địa phương hóa các kênh theo địa giới hành chính nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách tốt nhất.

Một số giải pháp

Nếu như các DN kinh doanh dịch vụ THTT phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để dành thuê bao, duy trì thị phần, phụ thuộc nền tảng công nghệ và hạ tầng kỹ thuật triển khai, chất lượng mạng Internet cung cấp (ADSL, Fiber, Cable…) thì THDĐ trả tiền (Mobile TV) là lợi thế dành riêng cho các DNVT.

Với sự phát triển nhanh và tiến bộ của công nghệ (3G, 4G thậm chí là 5G), thiết bị đầu cuối (smartphone, MTB); DNVT Việt Nam đang tích cực tham gia vào thị trường THTT để tăng doanh thu, duy trì thị phần hoặc đơn giản là cung cấp thêm nhiều tiện ích cho thuê bao ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống.

Việc triển khai Mobile TV của các DNVT Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của các DNVT trên thế giới trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Để triển khai được dịch vụ Mobile TV, tận dụng tối đa các lợi thế của hạ tầng mạng, công nghệ, tiện ích, trong thời gian tới các DNVT Việt Nam tập trung triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tận dụng tối đa ưu thế của hạ tầng mạng (truyền dẫn, số liệu…), công nghệ (4G, 5G; cáp quang…) nhằm giảm giá thành với các gói cước cung cấp cho khách hàng/thuê bao của mình.

Các DNVT phải xây dựng và tích hợp gói cước thuê bao Mobile TV vào trong gói cước thuê bao tháng với giá cả hợp lý (như cách mà các DNVT thế giớ như TELSTRA- Australia, AT&T- Mỹ… đã triển khai); Phù hợp nhu cầu và thu nhập của người sử dụng; Có tính cạnh tranh với các gói cước của các đối thủ cạnh tranh hiện có trên thị trường. Làm được điều này, DNVT phải xây dựng được đội ngũ làm Marketing chuyên nghiệp, bài bản, cập nhật thông tin thị trường…

Thứ hai, việc cả 3 DNVT chủ đạo (Viettel, VNPT-Vinaphone, Mobifone) đều có dịch vụ THTT đang triển khai cho thấy các DNVT Việt Nam đã tích cực và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia vào thị trường THTT. Tuy nhiên, ngoài lợi thế công nghệ sẵn có của hạ tầng mạng và kỹ thuật, DNVT Việt Nam lại không mạnh về nội dung cung cấp hoặc không đủ tiềm lực và kinh nghiệm để xây dựng các dịch vụ nội dung cung cấp đến khách hàng.

Kinh nghiệm từ Mỹ, Australia cho thấy, để khắc phục nhược điểm này, DNVT cần xây dựng các gói cước đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng thuê bao muốn xem Mobile TV mọi lúc, mọi nơi, cập nhật, theo nhu cầu trên các thiết bị smartphone, MTB. Việc đặt tên các gói cước này cũng phải bảo đảm yếu tố đơn giản, dễ hiểu, hiệu quả; không gây nhầm lẫn với các gói cước THTT hiện có trên thị trường.

Thứ ba, khi triển khai dịch vụ THTT Mobile TV, các DNVT cũng phải học hỏi các bước đi, triển khai từ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, nhất là những đối thủ hiện đang nắm giữ thị phần chính (VTV Cab On, Kplus Now…); đang có lợi thế về mặt nội dung cung cấp (Netflix, iflix…) để xây dựng các dịch vụ nội dung của mình một cách cập nhật nhất, cạnh tranh nhất, nhấn mạnh lợi thế cung cấp dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và nền tảng công nghệ hỗ trợ tốt hơn của DNVT.

Thứ tư, phải xây dựng chiến lược hợp tác với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường THTT để có được những hợp tác tốt nhất về mặt nội dung cung cấp (điểm yếu của các DNVT) cũng như giúp cho các đối thủ có thể tiếp cận và khai thác được các nền tảng công nghệ, hạ tầng của mình. Có thể thấy, DNVT cần các dịch vụ nội dung của các DN THTT, nhưng các DN THTT cũng phải cần có hạ tầng mạng, công nghệ của các DNVT mới cung cấp được nội dung đến các thuê bao và cả hai phải cùng nhau hợp tác phát triển trên cơ sở các lợi thế và ưu thế của mình.       

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2017), Báo cáo tổng kết công tác 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018;

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2017), Sách Trắng Công nghệ thông tin, viễn thông năm 2017;

3. Số liệu tổng hợp trên các báo: Lao Động; Thanh Niên; Tuổi trẻ; VietnamNET.vn; itcnews.vn; genk.vn…;

4. Một số website như: www.viettel.vn; www.vnpt.com.vn; vinaphone.com.vn; mobifone.com.vn; www.kplus.vn; www.vtvcab.vn, www.telstra.com.au; www.att.com; www.foxtel.com.au; www.directv.com; www.netflix.com...