Phí “bủa vây” người dùng thẻ tín dụng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Thẻ tín dụng (TTD) đem lại nhiều lợi ích, và ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng (NTD) Việt Nam. TTD cũng là xu hướng tiêu dùng chung của cả thế giới. Tuy nhiên, trong điều kiện an ninh chưa bảo đảm, các khoản phí chưa minh bạch, NTD Việt đang phải đối diện nhiều nguy cơ tiền bị “bay hơi”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

TTD vay tiêu trước trả sau là hình thức thanh toán hiện đại, tiện ích, văn minh. Nhưng liên tiếp trong thời gian qua, hàng loạt khách hàng của dịch vụ này đã phải “khóc hận” vì các khoản phí, lãi suất, phí phát sinh, lãi phạt quá cao. Tình hình an ninh, bảo mật của người dùng thẻ cũng đang ẩn chứa nhiều nguy cơ.

Đủ kiểu… mất tiền

Lãi phạt là cơn “ác mộng” đáng sợ nhất với người dùng thẻ hiện nay. Trong bối cảnh lãi suất vay thông thường đã giảm sâu phổ biến ở mức 8 - 10%/năm, thì lãi suất TTD nếu trả chậm có thể bị phạt lên tới 20 - 32%/năm. Mức lãi suất này cao hơn gấp 3 - 5 lần lãi suất huy động tại các ngân hàng.

Anh Nguyễn Trần Hoàng (Ba Đình, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi có thói quen dùng thẻ để thanh toán từ giữa 2015. Phải mất gần nửa năm tôi mới thích ứng được với kiểu “biến hóa” của các ngân hàng. Lãi suất tại mỗi ngân hàng đưa ra khác nhau, có lần tôi bị phạt lãi suất cao không thua gì “chợ đen”, lên tới gần 30%/năm”.

Không chỉ lãi suất phạt gây “sốc”, nhiều ngân hàng còn bị khách hàng “tố” dùng chiêu trò để “móc túi” NTD. Bằng cách “treo” tài khoản (chỉ ghi nhận tiền thanh toán nhưng không cắt nợ) của khách hàng, với lý do “thanh toán nhưng không gọi báo tổng đài”, nhiều ngân hàng đang khiến khách hàng choáng váng vì bị phạt oan.

Các khoản “phí chồng phí” cũng đang trở thành gánh nặng của người dùng thẻ. Có quá nhiều khoản phí trên một đầu thẻ, như: phí rút tiền mặt 4 - 5%/số tiền giao dịch, phí sử dụng vượt hạn mức phổ biến mức 15 - 25%/số tiền giao dịch, tin nhắn thông báo, thông báo thay đổi số dư...

Ông Huỳnh Minh Trung - chuyên gia TTD, cho biết: “TTD là dịch vụ, vì vậy phải phát sinh phí. Nhưng thực tế phản ánh người dùng thẻ đang phải chịu mức lãi suất quá cao và quá nhiều các khoản phí. Việc các ngân hàng thiếu minh bạch trong việc tính các khoản phí, phí phạt đang khiến người dùng thẻ phải chịu thiệt”.

Bên cạnh “hàng tá” các khoản chi phí phát sinh, người dùng thẻ còn đối diện với nguy cơ bị kẻ gian “móc túi”. Hiện tượng tiền “bay hơi” dù không sử dụng do tin tặc, hoặc kẻ gian lấy trộm thông tin thẻ ngày càng phổ biến. Một điều khiến khách hàng bức xúc không kém là chất lượng phục vụ và ứng xử của ngân hàng khi có sự cố xảy ra rất kém.

Người dùng tự “đeo khiên”

Số lượng người dùng TTD đang gia tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Tính đến tháng 7/2016 đã có gần 3 triệu TTD quốc tế. Nhưng những phát sinh gây bất lợi cho khách hàng hiện tại đòi hỏi các ngân hàng cần phải thay đổi để không đánh mất niềm tin của NTD. Trước hết là tính toán giảm chi phí, lãi suất và nâng cao chế độ bảo mật, an toàn cho TTD.

Ts. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế, cho hay: “Muốn phát triển lâu dài, các ngân hàng cần đầu tư nâng cao chất lượng, tính tiện lợi của dịch vụ, tăng cường an ninh, bảo mật bảo vệ khách hàng, thay vì chạy theo lợi nhuận như hiện nay. Nếu không thay đổi, các ngân hàng sẽ đánh mất niềm tin và bị khách hàng tẩy chay”.

Trách nhiệm trước hết thuộc về các ngân hàng, nhưng ngược lại, bản thân người dùng thẻ cũng cần thay đổi. Bởi thực tế cho thấy, TTD là dịch vụ cho vay tiêu trước trả sau, chỉ sau 45 ngày nếu khách hàng vi phạm mới bị tính lãi. Vì vậy, nếu trả đúng hạn, nắm rõ các quy định để tránh vi phạm, khách hàng sẽ không bị phạt.

Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng TTD thực chất là hình thức vay tín chấp, rủi ro cao nên lãi suất cao. Vì vậy, khách hàng cần tìm hiểu kỹ các mức lãi suất tại các ngân hàng, đồng thời cân nhắc kỹ khả năng trả nợ, chi tiêu hợp lý để tránh nợ xấu và bị phạt.

Về an ninh bảo mật, chị Lê Thanh Huyền - Chuyên viên ngân hàng, khuyến cáo: “Khách hàng nên thận trọng trong việc bảo vệ thông tin thẻ (trên 2 mặt của thẻ), đặc biệt là mã số CVV (mã số xác nhận nằm trên mặt sau của thẻ).

Tuyệt đối thận trọng khi mua sắm qua mạng, cẩn trọng các trang web giả mạo. Khi thanh toán tại cửa hàng, cần chú ý để không bị lấy cắp thông tin trên 2 mặt thẻ…”.

Đồng thời, người dùng thẻ cũng cần nâng cao các kỹ năng bảo mật, tránh rủi ro như không làm thẻ kết nối trực tiếp với tài khoản ngân hàng, đăng ký hạn mức thấp cho các thẻ chuyên dùng mua sắm online, đăng ký nhận thông báo qua SMS, thông báo kịp thời đến tổng đài ngân hàng để khóa thẻ khi có dấu hiệu bất thường…

Rõ ràng, trong bối cảnh luật còn nhiều “kẽ hở”, ngân hàng làm ăn chụp giật, bất chấp lợi ích khách hàng, thì bản thân người dùng cần cẩn trọng, trạng bị kiến thức để tự bảo vệ mình. Sử dụng dịch vụ thông minh và tiêu dùng có kế hoạch là cách tốt nhất để tránh bị thiệt trong bối cảnh hiện nay.