Quản lý nhà nước đối với dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Vũ Đình Giang

(Tài chính) Trong nền kinh tế thị trường, dịch vụ ngân hàng bán lẻ ngày càng phát triển và là hình thức hoạt động chủ yếu của các ngân hàng thương mại (NHTM). Để dịch vụ ngân hàng bán lẻ hoạt động và phát triển, bên cạnh yếu tố kỹ thuật, yêu cầu không thể thiếu là quản lý nhà nước thông qua luật pháp, chính sách chế độ, tạo môi trường pháp lý cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ hình thành, phát triển và hạn chế rủi ro đối với hoạt động của các NHTM.

Quản lý nhà nước đối với dịch vụ ngân hàng bán lẻ
Dịch vụ ngân hàng bán lẻ ngày càng phát triển và là hình thức hoạt động chủ yếu của các NHTM. Nguồn: internet

Với vai trò là chủ thể quản lý, Nhà nước ban hành hệ thống văn bản pháp luật tạo lập môi trường pháp lý cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ hình thành, vận động phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý khi có tranh chấp, có rủi ro trong hoạt động dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Căn cứ vào hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước, các chủ thể tham gia dịch vụ ngân hàng bán lẻ (bao gồm các NHTM và khách hàng) triển khai dịch vụ ngân hàng bán lẻ một cách phù hợp theo phương thức cạnh tranh lành mạnh.

Mục tiêu cơ bản của quản lý nhà nước đối với dịch vụ ngân hàng bán lẻ của các NHTM bao gồm:

(i) Nhà nước định hướng phát triển cho hoạt động của NHTM nói chung và dịch vụ ngân hàng bán lẻ nói riêng, góp phần thực hiện tốt chính sách tiền tệ quốc gia mà trực tiếp là chính sách phát triển hệ thống NHTM;

(ii) Xây dựng khung pháp lý để phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ;

(iii) Bảo đảm sự quản lý kịp thời của Nhà nước đối với dịch vụ ngân hàng bán lẻ, chủ động ngăn chặn và nhanh chóng phát hiện các vi phạm trong hoạt động dịch vụ ngân hàng bán lẻ;

(iv) Thông qua các chính sách của Nhà nước về dịch vụ ngân hàng bán lẻ, mọi tổ chức và cá nhân hiểu biết đầy đủ về tiện ích của loại hình dịch vụ này, qua đó tích cực tham gia vào hoạt động dịch vụ ngân hàng bán lẻ của NHTM;

(v) Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng tiêu cực trong dịch vụ ngân hàng bán lẻ, góp phần lành mạnh hóa hoạt động dịch vụ ngân hàng bán lẻ và thu hút sự tham gia của các tổ chức và cá nhân vào dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Cùng với tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia, các cơ chế chính sách quản lý nhà nước phải đảm bảo đồng bộ về điều kiện liên quan đến dịch vụ ngân hàng bán lẻ, cụ thể:

(i) Chính sách cần cụ thể, chi tiết. Các chủ thể tham gia vào hoạt động dịch vụ ngân hàng bán lẻ căn cứ vào chính sách và thực hiện theo quy định của chính sách, hạn chế tình trạng vận dụng một cách tùy tiện theo ý chí chủ quan;

(ii) Công khai: Tính công khai đòi hỏi các chính sách được phổ biến rộng rãi cho mọi người đều biết thông qua hệ thống các thông tin đại chúng, góp phần tạo dựng niềm tin cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ ngân hàng bán lẻ;

(iii) Bình đẳng: Tính bình đẳng đòi hỏi chính sách của Nhà nước phải đảm bảo bình đẳng về quyền lợi cho các bên tham gia vào dịch vụ ngân hàng bán lẻ, và bảo đảm sự bình đẳng trong cạnh tranh giữa các NHTM;

(iv) Bảo mật: Cơ chế chính sách của Nhà nước cần có quy định rõ ràng về bảo đảm bí mật cho các chủ thể tham gia dịch vụ ngân hàng bán lẻ, nhất là những bí mật liên quan đến lợi ích của đơn vị.

Về phương thức và công cụ quản lý, quản lý nhà nước về dịch vụ ngân hàng bán lẻ có thể được tiến hành theo 3 phương thức. Phương thức hành chính trực tiếp. Theo phương thức này, Nhà nước trực tiếp ban hành hệ thống văn bản pháp luật, quy định các điều kiện, yếu tố, thủ tục,… cho việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Các NHTM có đầy đủ các điều kiện, yếu tố đó mới được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép để thực hiện các dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Phương thức gián tiếp qua thị trường: Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật cơ chế, chính sách tác động vào các việc hình thành và vận động của thị trường, đảm bảo sự bình đẳng cho tất cả các loại hình NHTM. Trong môi trường đó, các NHTM triển khai dịch vụ ngân hàng bán lẻ theo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, khách hàng tự lựa chọn NHTM tin cậy.

Phương thức thanh tra, kiểm tra: Nhà nước thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra thông qua hệ thống cơ quan thanh tra của NHNN. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể phát động các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc kiểm tra nhằm chống gian lận, tiêu cực trong dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Để thực hiện các phương thức quản lý trên đây, hệ thống công cụ chủ yếu được áp dụng bao gồm: Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động NHTM và dịch vụ ngân hàng bán lẻ; các chính sách tài chính, tiền tệ liên quan đến dịch vụ ngân hàng bán lẻ; thanh tra và kiểm tra, trọng tài và tòa án kinh tế... Trường hợp có sự gian lận, lừa đảo, vi phạm nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, lợi ích NHTM hay công dân tham gia dịch vụ ngân hàng bán lẻ, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.