Doanh nghiệp nhỏ và vừa trước thềm hội nhập:

Quan tâm đến thị trường trong nước

Theo daibieunhandandan.vn

Sức nóng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay TPP đang phả vào nước ta, vì vậy, nếu đội ngũ doanh nghiệp (DN) trong nước không thực sự sẵn sàng về năng lực hội nhập thì khó có thể kiếm lợi nhờ hội nhập.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong sân chơi của thị trường chung, sự cạnh tranh không có ngoại lệ. Bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta lúc này là cần củng cố năng lực và có những chiến lược kinh doanh hợp lý.

Nhiều điểm “nghẽn” cần tháo gỡ

Nghị quyết 19 của Chính phủ gần đây về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang tác động tích cực đến các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Thực tế mới đây, Ngân hàng Thế giới đã nâng xếp hạng môi trường kinh doanh của nước ta tăng 3 bậc, từ 93 lên 90 trên thế giới. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước ta ở vị trí thứ 56, tăng 12 bậc so năm ngoái.

Đóng góp vào những tiến bộ đó, nhiều chỉ số có cải thiện rõ rệt được ghi nhận như: kinh tế vĩ mô ổn định, cơ sở hạ tầng cải thiện; tiếp cận điện năng tốt hơn; số giờ nộp thuế có cải thiện; chi phí “bôi trơn” để thực hiện các thủ tục hành chính về thuế có giảm đáng kể…

Những cải thiện này là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nước ta trong bước khởi đầu giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn và cạnh tranh khốc liệt hơn. Vì thế, bản thân các doanh nghiệp phải được nâng cao năng lực cạnh tranh. Muốn thế, doanh nghiệp cần dày công củng cố năng lực, chủ động tự vươn lên.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, mấu chốt của việc nâng cao năng lực cạnh tranh ở nước ta là cải cách thể chế mạnh mẽ để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, để nâng cao được năng lực cạnh tranh, ngoài việc cải thiện môi trường kinh doanh chung, đội ngũ này cần những hỗ trợ, ưu đãi nhất định cho họ, đặc biệt hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

TS. Lưu Bích Hồ cũng cho biết, nhiều khảo sát gần đây cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa khá bế tắc trong tiếp cận nguồn tín dụng, nhiều thủ tục cồng kềnh, chậm chạp. Thực tế, theo thông tin từ Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả nước hiện có khoảng gần 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng mới chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có số vốn khoảng trên 6 triệu tỷ đồng, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp. Song số doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 29,6% và 65,7% là siêu nhỏ.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng lớn, nhưng quy mô thì rất nhỏ, lao động chủ yếu là phổ thông, công nghệ lạc hậu, vốn mỏng, thị trường manh mún; năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp, dẫn đến năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh doanh thấp. Bên cạnh đó, tính liên kết, liên doanh hợp tác, hỗ trợ bảo vệ nhau của các doanh nghiệp cũng rất yếu.

Vì thế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta phải biết lượng sức mình, không thể cứ nói nâng cao năng lực, có điều kiện ngoại lực hỗ trợ sẽ nâng được. Các doanh nghiệp đó nên “can đảm” tìm các doanh nghiệp mạnh hơn để kết nối thành đối tác, cùng liên kết sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng “vươn ra biển lớn” mà không bị nhấn chìm.

Theo TS. Phạm Chi Lan, khi hội nhập, doanh nghiệp nước ta không thể cứ giữ đặc thù riêng. Mọi doanh nghiệp phải chấp nhận chơi chung sân. Khi đó, cả công nghệ, hệ thống quản trị của doanh nghiệp cũng phải được nâng tầm theo những tiêu chuẩn quốc tế để có thể tham gia cạnh tranh trên sân chơi chung.

Bởi tham gia hội nhập, nếu doanh nghiệp nào không chơi theo luật chơi, cách chơi chung, thì sẽ bị gạt ra khỏi cuộc chơi. Cùng với đó, từng doanh nghiệp, từng ngành, nghề cần thoát khỏi trạng thái ỷ lại, trông chờ trợ giúp mà phải chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh mới; đào tạo nhân lực, chủ động tiếp cận thị trường…

Đừng choáng ngợp “sân chơi mới”

Tới thời điểm này, xét về năng lực cạnh tranh của các nước tham gia FTA, TPP thì năng lực cạnh tranh của nước ta được đánh giá là yếu hơn. Do vậy, trong cái yếu chung đó, để vươn lên, đòi hỏi các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sự thay đổi tư duy và chiến lược kinh doanh cụ thể, để có thể trụ vững và phát triển mạnh khi hội nhập.

Vì các FTA, TPP chỉ là cơ hội, nếu các doanh nghiệp chủ động gia tăng năng lực cho mình với chiến lược kinh doanh phù hợp (biết phát huy thế mạnh, khắc phục nhược điểm) thì có thể làm chủ thị trường “sân nhà” và có thể hưởng lợi từ “sân khách”.

Như thế nghĩa là doanh nghiệp cần bứt phá, biến thách thức trước mắt thành những cơ hội cạnh tranh. Do vậy, buộc mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa phải xây dựng chiến lược, chiến thuật kinh doanh trên cơ sở xuất phát từ nghiên cứu nhu cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh trong các nước tham gia FTA, TPP.

Đồng thời, cần nâng cao được năng lực quản trị, con người (nhà quản trị và nhân lực tham gia lao động). Có một điểm mà nhiều chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp nhỏ và vừa là không nên bị động, không bị choáng ngợp trước hội nhập. Cần trang bị hành trang đầy đủ, phù hợp, để doanh nghiệp có “sức khỏe” “chiến đấu” khi đối mặt thách thức.

TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, dù gì thì sức ép cạnh tranh đã đến cửa, không thể chần chừ, nếu chần chừ sẽ bị “chìm”. Quan trọng nhất là ngay từ bây giờ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng giành thị phần ở thị trường trong nước, trước khi nghĩ đến xuất khẩu. Thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân của nước ta rất nhiều tiềm năng, nhưng lâu nay dường như bị chính doanh nghiệp nội địa bỏ ngỏ.

Còn Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, phát biểu trước báo giới trong cuộc họp gần đây đã nói rằng, chúng ta không cần phải quá lo lắng về các hiệp định.

Vì nước ta hướng đến nền kinh tế hiệu quả, năng suất cao. TPP và FTA hướng đến xóa bỏ các rào cản để vốn, hàng hóa, dịch vụ lưu chuyển tự do. Từ đó, tất cả các quốc gia thành viên có điều kiện phát triển theo đúng lợi thế so sánh của mình.

Thực tế, bản chất của môi trường kinh doanh là cạnh tranh. Cạnh tranh chính là yếu tố sống còn của một doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không cạnh tranh nổi thì phá sản.

Do vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, là việc làm bức thiết, không thể chần chừ. Nhà nước và doanh nghiệp cần đồng hành và hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển.