Quỹ đầu tư lẳng lặng rót vốn

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Các quỹ đầu tư đang len lỏi trên thị trường vốn để vào các dự án tốt. Một số quỹ đầu tư lớn đang chọn cách rót tiền trực tiếp vào doanh nghiệp (DN) thay vì đầu tư tài chính như trước đây. Những quỹ đầu tư quy mô nhỏ vẫn tiếp tục tìm kiếm DN để cho vay trực tiếp hoặc hợp vốn với các dự án...

Quỹ đầu tư lẳng lặng rót vốn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Lớn rót vốn trực tiếp

Khác hẳn với những nghi ngờ trước đó, về việc nhiều quỹ đầu tư đã tuyên bố phá sản hoặc ngưng hoạt động tại Việt Nam. Thông tin xấu này xuất phát từ những khó khăn của nền kinh tế trong vài năm trở lại đây, nhất là khi Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các thách thức về phát triển, ảnh hưởng đến hoạt động trực tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thế nhưng, suốt trong một thời gian dài, các quỹ đầu tư vẫn đang hoạt động rất tốt, có điều hình thức đang chuyển hướng hoạt động cấp vốn cho DN. Trong một báo cáo tổng hợp các quỹ đầu tư vào những thị trường mới nổi của Rothschild mới đây cho thấy, thời điểm khó khăn nhất là năm 2012, nhưng quỹ vẫn “ăn nên làm ra”.

Rất nhiều quỹ đầu tư đại chúng trên thị trường Việt Nam đã có mức tăng trưởng giá trị ròng cao. Các quỹ đại chúng có mức tăng trưởng giá trị tài sản thuần (NAV) lớn là quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1) với mức tăng 32,7%, Vietnam Emerging Equity Fund tăng 30,1%, Quỹ đầu tư chứng khoán Việt nam (VFMVF1) tăng 29,1%...

Đối với nhóm quỹ đầu tư đại chúng nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, mức tăng trưởng NAV dao động chủ yếu từ 20-30%. Hai quỹ đầu tư vào sản phẩm có thu nhập cố định của Dragon Capital là Dragon Capital Vietnam Debt “A” class và “B” class cũng có mức tăng trưởng lần lượt là 8,2% và 9,5%...

Dựa vào tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong báo cáo tài chính của một số DN trong nước trong nửa đầu năm nay, có thể dễ nhận thấy lượng tiền mới các quỹ rót vào thị trường Việt Nam vẫn tăng đều, thậm chí là cao. Đại diện Nutifood vừa xác nhận thông tin Quỹ đầu tư Nhật Bản có tên Dream Incubator Inc. (DI) và ORIX Corporation thông báo rằng, họ đã tiến hành mua lại khoảng 25% số cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood). Việc mua lại được thực hiện thông qua quỹ DI Asian Industrial Fund L.P. (DIAIF) – một liên doanh của 2 công ty và đây là khoản đầu tư đầu tiên của quỹ này.

Trước đó, có khá nhiều trường hợp các DN Nhật Bản mua cổ phần của các công ty Việt Nam như Kirin Holding mua lại toàn bộ cổ phần công ty mẹ của IFS; 2 DN Nhật Bản mua 38% cổ phần của Giấy Sài Gòn. Hay trong báo cáo tài chính của công ty Năm Bảy Bảy (NBB) luôn có sự hiện diện của cổ đông lớn là quỹ thuộc Deutsche Bank như Deutsche Asset Managament (Asia) Limited, Deutsche Bank AG London, Deutsche Bank Aktiengesellschaf…

Nhỏ hoạt động như… ngân hàng

Bên cạnh việc rót vốn đầu tư trực tiếp vào DN của quỹ đầu tư có vốn lớn, thì những quỹ đầu tư quy mô nhỏ lại tập trung đầu tư cho các công ty có doanh thu từ 10 triệu USD trở lên. Các quỹ này ra đời vì phần lớn các Quỹ đầu tư có mặt tại Việt Nam đều là những công ty quản lý quỹ 1 USD. Trong lúc những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa khẳng định được tên tuổi và khả năng tài chính, không nằm trong danh mục đầu tư mà các quỹ đầu tư hướng đến. Vài năm nay, các quỹ có quy mô vốn nhỏ ra đời đã lấp đầy khoảng trống vốn của thị trường - một lĩnh vực mà trước nay ngân hàng “bao sân”.

Theo bà Nguyễn Việt Quyên, đại diện Quỹ đầu tư Seaf, đối với các DN trẻ khi khởi nghiệp, bắt buộc phải tự huy động vốn từ bạn bè, gia đình. Sau khi các công ty đã đi vào ổn định, đến một giai đoạn phát triển mới, DN có thể tìm đến quỹ nhỏ như Seaf để vay vốn. “Quỹ Seaf đầu tư từ 100.000 USD đến 2 triệu USD cho các DN đang trong giai đoạn mở rộng. Theo đó, đối với những khoản vay dưới 1 triệu USD, Seaf sẵn sàng cho vay có lấy lãi suất mà không hỗ trợ thêm bất cứ hình thức nào. Mức vay từ 1-3 triệu USD, Seaf lấy lãi suất cao hơn ngân hàng một chút, nhưng sẽ đồng hành cùng DN, giúp DN về mặt quản trị, đầu tư công nghệ thông tin…”, bà Quyên nói.

Thực tế, thị trường đang diễn ra rất nhiều trường hợp Quỹ đầu tư thành công ở các DNNVV. Chẳng hạn, Quỹ IDG Ventures Vietnam đầu tư công ty nhỏ tiềm năng gồm Giải pháp phần mềm Hòa bình, Phần mềm Isphere, VinaGame, Navigos Group, Dịch vụ giải pháp không dây… VinaCapital đã giải ngân đầu tư vào Yến Việt, Cà phê Thái Hòa, Bảo vệ thực vật An Giang, Mekong Capital đầu tư vào Thegioididong…

Sự gia tăng hoạt động này chắc chắn sẽ không dừng lại, bởi theo ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Mekong Capital, các quỹ luôn chờ cơ hội để đầu tư, vì lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực rất cao. Đơn cử, khả năng trở thành thành viên của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc so với Philippines và Indonesia, thường có một nhóm nhỏ các tập đoàn gia đình chi phối phần lớn nền kinh tế, trong khi ở Việt Nam thì thị trường chia cắt hơn...

Dù rằng các quỹ đầu tư hiện hoạt động không còn ồn ào như những năm trước, nhưng rõ ràng các định chế tài chính này vẫn đang hoạt động rất tốt trên thị trường vốn. Quỹ có mặt ở hầu hết các lĩnh vực được đánh giá là tiềm năng, dù DN lớn hay nhỏ. Nói như bà Quyên, khi còn nhỏ, DN tiếp cận nguồn vốn vay từ các Quỹ như Seaf. Đến giai đoạn định hình được tên tuổi, lúc có thể phát triển, không lý nào lại không lọt vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư lớn khác.

Nhận định về hoạt động Quỹ, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital chia sẻ: “Dù các quỹ đầu tư vẫn cần thêm thời gian để xem tình hình kinh tế Việt Nam có tốt hơn không, lạm phát có quay trở lại không, nhưng điều đó không có nghĩa là cơ hội tại Việt Nam mất đi. Sẽ không có chuyện Quỹ không rót vốn, mà họ chỉ đang chờ thời điểm tốt nhất để giải ngân”, ông Andy nói.