Quý IV, tiền nợ thuế của doanh nghiệp lên tới 150.474 triệu đồng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Trong 9 tháng đầu năm 2016, Cục thuế Hà Nội đã đăng công khai 9 đợt với 1.268 doanh nghiệp và dự án nợ tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất với số nợ thuế tương ứng là 2.250.186 triệu đồng.

Nợ nần lại gõ cửa doanh nghiệp bất động sản.
Nợ nần lại gõ cửa doanh nghiệp bất động sản.

Kết quả sau công khai, đã có 629/1.268 doanh nghiệp nộp số tiền thuế nợ là 332.793 triệu đồng vào ngân sách. Đầu quý IV, Thuế Hà Nội công khai đợt 10 danh sách 145 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số tiền nợ lên tới 150.474 triệu đồng. 

Rất quen thuộc trong các lần công khai của cơ quan thuế, nhiều đơn vị có hoạt động ở lĩnh vực xây dựng tiếp tục xuất hiện ở danh sách nợ thuế phí mới được Thuế Hà Nội bêu tên (tính đến ngày 31/8/2016).

Những “con nợ” ngành xây dựng

Vị trí “quán quân” thuộc về công ty cổ phần TSQ Techno (trụ sở khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông) với mức nợ thuế, phí cán mốc 20 tỷ 116 triệu đồng. Là một đơn vị thành viên của TSQ Việt Nam, doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu về xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, các công trình giao thông, thủy lợi, công trình ngầm.

Được biết, TSQ Techno mới đây đảm nhiệm trọng trách nhà thầu tại một số công trình dự án khá “hot” như CT7 Dương Nội (H, J, K), Hateco Hoàng Mai, HPC Landmark 105 Hà Đông.

Đáng chú ý, thời điểm đầu 2016, tên tuổi TSQ Techno tỏ ra thành công tại các dự án nêu trên qua các sự kiện được chủ đầu tư tuyên dương vì tiến độ đảm bảo. Tuy nhiên, với “cú phốt” nợ thuế – phí hơn 20 tỷ đồng ở thời điểm sắp kết thúc năm tài chính 2016, nhà thầu này sẽ gây “giật mình” cho không ít đối tác cũng như chính công ty mẹ TSQ Việt Nam.

Cũng thuộc hàng “khủng” về quy mô nợ, công ty cổ phần bất động sản Thăng Long tính tới 31/8 vẫn chưa hoàn thành 9 tỷ 410 triệu đồng tiền thuế phí với cơ quan chức năng.

Ở mức nợ hơn 5,1 tỷ đồng, xuất hiện trường hợp công ty cổ phần tư vấn dự án quốc tế Kpf. Ra đời từ 2009, Kpf đến nay nổi lên với hoạt động đầu tư vào các dự án cung ứng vật liệu xây dựng và hạ tầng, đầu tư nông nghiệp, bước đầu thông qua việc đầu tư vào vùng nguyên liệu cát tại tỉnh Hà Nam (từ 2012).

Tới đầu 2015, cùng việc tăng vốn điều lệ lên 156 tỷ đồng, Kpf mở rộng lĩnh vực hoạt động vào thiết kế công trình xây dựng, thi công, tư vấn lập đầu tư dự án… Nổi bật, “ông vua” ngành khai thác cát kiêm san lấp hạ tầng chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX từ đầu tháng 3/2016 vừa qua.

Danh sách công khai đợt 10 của cơ quan thuế còn nhắc tới một loạt các đơn vị từng “nhẵn mặt” trong giới hành nghề xây dựng ở các mức nợ thuế – phí khác nhau.

Liệt kê một số trường hợp điển hình như: Chi nhánh công ty cổ phần Sông Đà – Thăng Long – xí nghiệp xây lắp số 2 (5 tỷ 439 triệu đồng); công ty cổ phần Kad Việt Nam (ngành nghề khai thác khoáng sản, đầu tư xây dựng bất động sản, kinh doanh vật liệu xây dựng… nợ 8 tỷ 972 triệu đồng); công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Bắc Thăng Long Hà Nội (3 tỷ 267 triệu đồng)…

Mê Linh “nóng” tiền thuê đất

Tổng số nợ tính đến cuối tháng 8 đạt 17 tỷ 157 triệu đồng với 9 đơn vị với địa điểm đất thuê cụ thể. Trong số này, riêng địa bàn huyện Mê Linh nổi lên với số lượng “chúa Chổm” tiền thuê đất nhiều nhất cũng như mức nợ chiếm tỷ trọng lớn.

Điểm mặt nhanh: công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại Tiến Thanh nợ 3 tỷ 851 triệu đồng tiền thuê đất (lớn nhất trong danh sách 9 đơn vị) tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh; công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Năm Sao (1 tỷ 472 triệu đồng thuê đất tại xã Tiền Phong, Mê Linh); công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đồng (1 tỷ 224 triệu đồng; xã Tiền Phong); công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển Cơ, Điện tin CDT (403 triệu đồng).

Đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách này là công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Đạt Hòa Bình với số nợ cũng hơn 3,8 tỷ đồng, địa điểm đất thuê tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội.

Một số đơn vị khác như công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh Nhà (thuê đất tại Yên Phụ, quận Tây Hồ) hay công ty cổ phần Giấy Trúc Bạch Hà Nội (thuê đất tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) đều có số nợ tiền thuê đất lần lượt là hơn 2,5 và hơn 2,4 tỷ đồng.

Đơn vị có số nợ thấp nhất trong danh sách này là doanh nghiệp tư nhân Đức Tài, với số nợ 280 triệu đồng, địa điểm đất thuê tại thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, với những hỗ trợ từ phía cơ quan thuế, đại đa số người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật dẫn đến nợ thuế kéo dài.

Với sự nỗ lực của cơ quan thuế và sự phục hồi của nền kinh tế, Thuế Hà Nội mong muốn các chủ Dự án, Doanh nghiệp sớm thu xếp được nguồn tài chính để nộp các khoản tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.