Quy mô vốn, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh

PV.

Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017. Cùng với những chỉ tiêu tăng trưởng tích cực trong nền kinh tế, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có sự tăng mạnh trên nhiều khía cạnh. Điều này, phần nào phản ảnh môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng thông thoáng...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm 2016 của doanh nghiệp đã có sự cải thiện mạnh mẽ so với những năm trước đây.

Với việc, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được triển khai mạnh mẽ, số DNNN giảm là nhưng số vốn/DN lại tăng. Cụ thể, số lượng  DNNN chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn với 0,5% tổng số DN, nhưng nguồn vốn chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn. Vốn bình quân trên một DN năm 2016 đạt 51,6 tỷ đồng/DN, tăng 5,8 tỷ đồng/DN so với năm 2011. 

Doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 17.858 nghìn tỷ đồng, tăng 71,6% (7.450 tỷ đồng) so với năm 2011, doanh thu thuần bình quân năm giai đoạn 2011-2016 tăng 11,4% (tương đương 1.400 nghìn tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực DN ngoài nhà nước cũng chuyển biện mẽ.
Cụ thể: Khu vực DN FDI có doanh thu thuần tăng mạnh nhất với 134,5% so với năm 2011, chiếm 27,4% tổng doanh thu thuần, doanh thu thuần bình quân năm đạt 560,7 nghìn tỷ đồng (tăng 18,6%); Khu vực DN ngoài nhà nước có doanh thu thuần tăng 78,8% (tương đương 4.402 nghìn tỷ đồng) so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng cao nhất với 55,9% tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN. Doanh thu thuần bình quân năm giai đoạn 2011-2016 khu vực này đạt cao nhất với 880,5 nghìn tỷ đồng (tăng 12,3%).

So sánh giữa các khu vực DN, kết quả điều tra cho thấy, tỷ trọng doanh thu thuần thấp nhất là khu vực DNNN chỉ chiếm 16,7%, doanh thu thuần của khu vực DN này tăng thấp nhất với 244 nghìn tỷ đồng (tăng 8,9%), doanh thu thuần bình quân năm tăng 1,7% (tương đương 48,8 nghìn tỷ đồng).

Hiệu suất sinh lời trên tài sản (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản) năm 2016 đạt 2,7% (cao hơn mức 2,5% của năm 2011). Khu vực doanh nghiệp FDI có hiệu suất sinh lời trên tài sản năm 2016 đạt cao nhất và vượt trội so với các loại hình doanh nghiệp khác với 6,9% (cao hơn so mức 4,8% của năm 2011), tiếp đến là khu vực DNNN đạt 2,6% (thấp hơn mức 3,2% của năm 2011) và thấp nhất là khu vực DN ngoài nhà nước 1,4% (năm 2011 là 1,2%).

Tổng cục Thống kê cho biết, xét theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng có hiệu suất sinh lời trên tài sản cao vượt trội so với hai khu vực còn lại với 4,8% (cao hơn mức 3,8% của năm 2011), hai khu vực còn lại là nông, lâm nghiệp và thủy sản và dịch vụ hiệu suất sinh lời trên tài sản đạt tương ứng là 2,0% và và 1,6%.

Hiệu suất sinh lời trên doanh thu (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 4% (cao hơn mức 3,2% của năm 2011).

Xét tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu năm 2016, thì DN FDI và DNNN là hai loại hình doanh nghiệp đạt khá cao, với 6,7% và 6,6% (năm 2011 là 5,2% và 5,1%), các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ suất sinh lời trên doanh thu đạt thấp nhất với 1,9% (năm 2011 là 1,5%).

Các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng được ghi nhận có hiệu suất sinh lời trên doanh thu đạt cao nhất với 5,3%, thấp hơn nhiều so với năm 2011 (20,0%) do trong năm 2011 sản phẩm mủ cao su có giá trị và lợi nhuận cao vượt trội; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4,9% (cao hơn mức 3,8% của năm 2011); thấp nhất là khu vực dịch vụ với 3,0% (cao hơn mức 2,5% của năm 2011).

Trong năm 2016, mặc dù số lượng DNNN ít nhưng thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân một DN của khu vực DNNN đạt cao nhất với 104 tỷ đồng/DN cao hơn rất nhiều so với DN FDI là 18 tỷ đồng/DN và DN ngoài nhà nước là 1 tỷ đồng/DN.

Kết quả điều tra cho thấy, mức thuế và các khoản đã nộp ngân sách của các DN lớn chiếm tới 67,5%, các doanh nghiệp nhỏ chiếm 19,4% còn lại là các DN vừa và DN siêu nhỏ.

Như vậy, xét theo quy mô DN thì mức thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân trên một DN ở các DN lớn đạt 57,8 tỷ đồng/DN, DN vừa là 8 tỷ đồng/DN và DN siêu nhỏ đóng góp ít nhất với 122 triệu đồng/DN.