Quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết: đã có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam không dám cho ngân hàng phá sản vì sợ bất ổn. Quan điểm này không đúng, vấn đề là thời điểm. Đúng là ngân hàng phá sản thì sẽ gây bất ổn, cho nên cần phải có đầy đủ các cơ chế để xử lý các vấn đề của ngân hàng bị phá sản, trong đó có quyền lợi của người gửi tiền.

Quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng
Lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ được đẩy mạnh. Nguồn: internet
"Thực tế, đã có những ngân hàng biến mất bằng cách hợp nhất, sáp nhập. Đây không phải là cách phá sản theo luật, nhưng cách làm này đã có sức răn đe đến giới kinh doanh ngân hàng. Trước đây, nhiều người nghĩ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không dám cho ngân hàng phá sản nên sẵn sàng làm nhiều chuyện, khiến rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng trở nên bức bối thời gian gần đây. Nay NHNN đã mạnh tay, sẵn sàng xóa tên nếu làm sai, đã cho thấy một biện pháp răn đe", ông Thành bình luận.

Mạnh tay với ngân hàng yếu kém

Tuy không cho phá sản, nhưng qua việc tái cơ cấu, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) giảm đi 7 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể; thu hồi giấy phép 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được chuyển đổi hình thức; Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác xã…

Nay, với việc Luật Phá sản được Quốc hội thông qua, dự kiến sau khi được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, sẽ có ngân hàng bị phá sản theo luật nếu cố tình làm sai và rơi vào tình trạng yếu kém không thể phục hồi được.

Theo giới chuyên gia, thực tế, thời gian qua, hệ thống ngân hàng cực kỳ khốn khó, tuy nhiên, thời điểm ấy, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố không cho ngân hàng phá sản và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo cách "đập chuột không làm vỡ bình" là bởi khung pháp luật chưa có.

Hơn nữa, thời điểm đó hệ thống ngân hàng đang trong thời kỳ cực kỳ khốn khó, nếu cho phá sản có thể xảy ra hiện tượng domino, do vậy, việc cần làm lúc đó là ổn định lại hệ thống ngân hàng.

Theo ông Thành, thời gian qua, NHNN đã làm được việc "khiêng" hệ thống ngân hàng từ phòng cấp cứu sang phòng điều trị. Giờ đây, công việc hiện tại của NHNN là làm cho hệ thống ngân hàng khỏe trở lại và được "xuất viện" để được ra ngoài "hít hà" khí trời.

Tuy nhiên, công việc thanh lọc những ngân hàng yếu kém hiện vẫn chưa dừng lại, trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội về quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định NHNN đang tiếp tục đánh giá, phân loại và nhận diện nhóm các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

"NHNN sẽ chỉ đạo tiếp tục thực hiện cơ cấu lại tài chính của TCTD, tăng quy mô, chất lượng vốn tự có của TCTD. Tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính và loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh rủi ro, kém hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng. Kiểm soát quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực quản trị và tài chính của TCTD. Xây dựng thể chế hỗ trợ cơ cấu lại, xử lý nợ xấu và hoàn thiện các thiết chế an toàn hoạt động ngân hàng…", Thống đốc nói.

Sẽ có những "chú chim đầu đàn"

Theo ông Thành, vấn đề hiện nay của NHNN là làm lành mạnh hệ thống ngân hàng. Bởi vậy, với những việc đang làm như xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, áp dụng các tiêu chí theo tiêu chuẩn quốc tế như Thông tư 02, Thông tư 09… của NHNN cho thấy ý chí của cơ quan này về một hệ thống ngân hàng lành mạnh là rất cao.

Tuy nhiên, điều ông Thành băn khoăn, đó là vấn đề xử lý nợ xấu. Hiện việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang phụ thuộc vào VAMC. Để giải quyết được khối nợ xấu khổng lồ này, VAMC phải đủ quyền, năng lực.

"Hiện nay, NHNN đã làm các văn bản pháp lý để làm tăng quyền hạn của VAMC, đó mới chỉ là bước đầu tiên. Bước thứ 2, quan trọng hơn rất nhiều, nhưng mới được hơn 1/2 chặng đường, đó là thiết lập, hình thành thị trường mua bán nợ, phải có pháp lý từ vấn đề sở hữu, giao dịch, tài sản... Khi đó, VAMC mới có tiền tươi thóc thật để tiếp tục làm", ông Thành phân tích.

Ngoài ra, để xử lý nợ xấu nhanh hơn, NHNN hi vọng nền kinh tế phục hồi, thị trường bất động sản ấm lên, vì VAMC cơ bản là xử lý tài sản bảo đảm trên thị trường bất động sản. "Để tăng nhu cầu thì có 2 kỳ vọng lớn nhất: Hy vọng Quốc hội thông qua 2 luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản. Trong đó kỳ vọng nhất là mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, cho nhà đầu tư nước ngoài "chơi" trên thị trường bất động sản", ông Thành bình luận.

Dù vậy, Thống đốc vẫn nhấn mạnh về lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ được đẩy mạnh và về đích theo đúng mục tiêu, lộ trình đã đề ra. NHNN sẽ kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai để hỗ trợ TCTD cơ cấu lại; chỉ đạo các TCTD triển khai cơ cấu lại theo đúng mục tiêu, lộ trình đã đề ra; kiên quyết áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để triển khai thành công Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015.

Như vậy, có thể khẳng định, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Sẽ có những cái tên ngân hàng không còn trên thị trường, nhưng Việt Nam cũng sẽ có những "chú chim đầu đàn" trong hệ thống ngân hàng với sự lớn mạnh cả về quy mô và trình độ quản trị điều hành.