Quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Theo Đại biểu Nhân dân

Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013, kênh đối thoại chính thức giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam vừa được tổ chức mới đây, cộng đồng doanh nghiệp đã gửi nhiều kiến nghị đến Chính phủ với mong muốn có được một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, một thể chế kinh doanh minh bạch và công bằng, với các thủ tục hành chính thuận lợi và thân thiện. Cộng đồng doanh nghiệp khẳng định gửi trọn niềm tin và sát cánh cùng Chính phủ trên con đường cải cách kinh tế.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những năm qua, các kiến nghị của doanh nghiệp đã được Chính phủ lắng nghe, triển khai thực hiện, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, trợ giúp cho doanh nghiệp trụ vững trước khó khăn. 5 tháng đầu năm 2013, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu cải thiện, song các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc giải thể vẫn tăng lên. Nguyên nhân chính của những khó khăn này, theo nhận định của chính cộng đồng doanh nghiệp, là do năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu. Mặt khác, các biện pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn chậm phát huy tác dụng và chưa đủ mạnh; chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước diễn ra rất chậm. 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, tỉnh táo trước những sức ép về tăng trưởng nhanh trước mắt song không bền vững. Đồng thời, Chính phủ cần ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế chứ không bị cuốn vào các giải pháp ngắn hạn. Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tăng tính minh bạch và áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại vào các doanh nghiệp nhà nước. Các chính sách pháp luật cần bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân.

Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp đề nghị đưa thuế thu nhập về mức thống nhất 20%, bỏ "trần" khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp hoặc tối thiểu cần nâng mức "trần" lên 15 - 20% của doanh thu chứ không phải của chi phí. Cần có các biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích thị trường. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tích cực đàm phán, triển khai ký kết và thực hiện sớm các hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực như Hiệp định tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và các hiệp định thương mại tự do khác nhằm tạo không gian và thị trường phát triển cho doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư.

Trao đổi về mong muốn của cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Preben Hjortlund đề nghị Chính phủ cần tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian sớm nhất có thể để tạo ra một môi trường kinh tế mang tính cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, để các nhà đầu tư có thể yên tâm chuyển giao công nghệ vào Việt Nam.

Đồng thời, EuroCham mong muốn việc cấp phép đầu tư cần thực hiện thẩm định theo cơ chế “một cửa” với việc minh bạch các thông tin cần thiết; các chính sách pháp luật về thuế, đặc biệt là các văn bản dưới luật cần bảo đảm đầy đủ, rõ ràng và minh bạch, dễ hiểu và mang tính bao hàm cao; cần phạt nặng các doanh nghiệp vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao ý thức chấp hành quy định.

Là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, Nhật Bản hiện có trên 1.100 doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại nước ta. Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) Motonobu Sato đề xuất, Chính phủ cần tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phần cứng và phần mềm. Tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của cơ sở hạ tầng giao thông như đường sá, bến cảng, sân bay, cũng như cơ sở hạ tầng công nghiệp như điện, khí đốt và của ngành công nghiệp hỗ trợ. Hệ thống luật pháp cần bảo đảm sự ổn định, thống nhất giữa các văn bản luật, giữa luật và các văn bản dưới luật. JBAV cho rằng, chính sách miễn thị thực cho các du khách ngắn hạn đã có đóng góp không nhỏ trong việc thu hút luồng vốn FDI mới vào Việt Nam và mong muốn tiếp tục duy trì chính sách này.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam bày tỏ mong muốn được giải quyết các tồn tại về chính sách ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp xuất khẩu, về rút ngắn thời hạn phê duyệt dự án, về nâng cao trình độ tay nghề của lao động. Cộng đồng doanh nghiệp Bắc Âu kiến nghị Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, thể chế cũng như tăng cường các cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo, lĩnh vực mà các doanh nghiệp Bắc Âu đã và đang xúc tiến đầu tư. Hiệp hội các nhà đầu tư Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam thúc đẩy hơn nữa việc đàm phán để sớm gia nhập Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP. 

Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cần phải hành động trong thực tế, quyết liệt trong thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như năng lực tổ chức, hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước hữu quan; tạo lập một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, một thể chế kinh doanh minh bạch và công bằng, với các thủ tục hành chính thuận lợi và thân thiện.