Rà soát diện tích trồng rau, tránh tình trạng ế thừa

Theo Tiến Dũng/tapchithue.com.vn

Trước hiện tượng giá một số mặt hàng rau, củ tươi trên thị trường các tỉnh phía Bắc đang sụt giảm mạnh khiến nông dân bị thua lỗ, ngày 20/3, Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức có văn bản giải trình và đề xuất các giải pháp nhằm định hướng tổ chức lại sản xuất cho nông dân, tránh tình trạng dư thừa và giải cứu.

Đối với vùng trồng củ cải ở Tráng Việt, tại đây có 90 ha trồng chuyên canh củ cải, năm nay nông dân đã thu hoạch thắng lợi 3 lứa với lãi rất cao. Nguồn: Internet
Đối với vùng trồng củ cải ở Tráng Việt, tại đây có 90 ha trồng chuyên canh củ cải, năm nay nông dân đã thu hoạch thắng lợi 3 lứa với lãi rất cao. Nguồn: Internet

Khùng hoảng thừa là do khách quan?

Báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết, đến thời điểm này, các địa phương phía Bắc đã thu hoạch xong rau vụ Đông và đã trồng được khoảng 55 – 80% rau vụ Xuân hè theo kế hoạch. Do thời tiết nắng ấm, các loại rau đều sinh trưởng, phát triển rất nhanh, một số loại rau vụ Xuân hè đã bắt đầu thu hoạch như rau muống, cải ăn lá ngắn ngày, năng suất đạt khá cao.

Cụ thể như tại tỉnh Hải Dương, diện tích đạt 4.890 ha/6.000ha, đạt 81,5% kế hoạch, trong đó diện tích su hào 145 ha với năng suất ước đạt 240 tạ/ha, cao hơn 11,4 tạ/ha  so cùng kỳ năm trước; diện tích cải bắp 350 ha, tăng 9 ha, năng suất 315 tạ/ha, tăng 8,2 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Trồng trọt, vào tuần đầu tháng 3, giá rau bắt đầu giảm và đến tuần thứ 2 thì giảm sâu, do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, theo quy luật đến cuối vụ Đông, đầu vụ Xuân, khi chuẩn bị kết thúc thời vụ cấy lúa Xuân nông dân đều tận thu toàn bộ rau trên các vùng không chuyên canh (trồng 2 vụ lúa - 1 vụ rau đông) để giải phóng ruộng, chuyển sang cấy lúa Xuân nên lượng rau đến kỳ thu hoạch cung cấp ra thị trường là rất lớn, vượt quá nhu cầu của thị trường.

Do đó, vào dịp này, giá rau hàng năm đều bị giảm. Riêng năm nay, giá rau tại các chợ giá bán khá thấp thậm chí rất rẻ: su hào: 500-1.000 đồng/củ, củ cải từ 1.000-1.500đ/kg, cải bắp 2.000-2.500đ/cây…

Thứ hai, do giá rau cao liên tục trong suốt cả 3 lứa rau của vụ Đông, thời vụ để chuyển sang trồng một số loại cây rau màu khác như dưa hấu, dưa lê…còn chưa đến, một số hộ dân tranh thủ trồng 1 vụ rau ưa lạnh vào vụ xuân sớm với hy vọng giá tiếp tục đạt cao đặc biệt vào thời điểm gối vụ. Do thời tiết ấm, cây sinh trưởng nhanh, thời điểm thu hoạch trùng lúc thu vét của rau vụ Đông lứa cuối nên dẫn đến hiện tượng dồn ứ về sản lượng.

Thứ ba, thời tiết những tháng giáp tết thuận lợi, nửa cuối tháng 2 và đầu tháng 3 trời ấm nên tiến độ gieo trồng một số rau ăn lá nhiệt đới trong vụ xuân hè như rau dền, rau muống, mùng tơi,... phát triển rất nhanh; đến đầu tháng 3 nguồn cung khá dối dào, đã bán ra thị trường khá nhiều.

Sau một thời gian dài tiêu thụ các loại rau ôn đới, người tiêu dùng muốn thay đổi chủng loại rau nên tập trung tiêu thụ nhiều rau nhiệt đới, giá bán các loại rau này đều đang ở mức trên 10.000đ/kg, phổ biến là 15.000đ/ kg. Cùng với đó, do những tháng đầu năm một số nhà máy, trường học chưa làm việc đều, các bếp ăn chưa hoạt động trở lại thường xuyên nên lượng rau tiêu thụ cũng giảm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của một số Sở NN-PTNT trồng rau chính, diện tích lứa cuối rau vụ Đông và lứa đầu rau vụ Xuân còn không đáng kể; nhiều nhất tại Hà Nội là nơi tiêu thụ rau rất lớn chỉ còn khoảng 1.150 ha, các địa phương khác chỉ còn khoảng 10-15 ha. Như vậy, lượng tồn rất thấp và có thể khẳng định, sản lượng gây ế thừa nghiêm trọng phải chặt bỏ là rất ít.

Sản xuất phải cân đối nhu cầu thị trường 

Lí giải thêm về hiện tượng ế thừa rau phải chặt bỏ xảy ra ở vùng trồng su hào Tứ Kỳ (Hải Dương) và vùng trồng củ cải ở Tráng Việt, Mê Linh (Hà Nội), Cục Trồng trọt cho biết, đối với vùng trồng củ cải ở Tráng Việt, tại đây có 90 ha trồng chuyên canh củ cải, năm nay nông dân đã thu hoạch thắng lợi 3 lứa với lãi rất cao. Lứa rau đang cho thu hoạch là lứa 4, phần lớn sản lượng rau đã được tiêu thụ hết.

Lượng rau tồn có diện tích xấp xỉ 10 ha, phần lớn diện tích này đã được nông dân ký hợp đồng bao tiêu với thương lái với giá 35 triệu đồng/sào (tương đương 850 triệu đồng/ha). Một số diện tích chưa ký hợp đồng bao tiêu với thương lái phần lớn được bán cho các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp.

Sau tết khi giá rau giảm, nhiều thương lái muốn kéo dài thời gian thu hoạch để chờ giá cao hơn vào thời điểm gối vụ rau nhưng do thời tiết ấm nên củ cải đã nở hoa, củ nhanh bị già và xốp, chất lượng giảm nên không bán được, thương lái không quay lại thu sản phẩm, nên nông dân buộc phải nhổ bỏ để giải phóng đất, tiếp tục trồng các loại rau khác.

Đối với vùng trồng su hào ở Tứ Kỳ, giá bán su hào trung bình trong vụ Đông xấp xỉ 3.500đ/củ, tương đương với 7 triệu đ/sào/lứa hay 190 triệu đồng/ha/lứa. Trong khi chi phí vật tư như giống, phân bón, thuốc BVTV là 1 triệu đồng/ sào. Như vậy lãi chưa tính công lao động của nông dân xấp xỉ 6 triệu đồng/ sào/lứa (160 triệu đồng/ha).

Đến hết vụ đông, nông dân đã trồng 3 lứa, như vậy lãi chưa trừ công lao động xấp xỉ 500 triệu/ha. Sau khi trừ công lao động, nông dân còn lãi xấp xỉ 250 triệu – 300 triệu đồng/ ha trong 3 lứa rau. Phần diện tích bị chặt bỏ là diện tích trồng vào lứa 1 của vụ xuân.

“Trong tổng diện tích 140 ha su hào vụ Xuân chỉ có 10 ha trồng sớm, cho thu hoạch trùng đúng vào thời điểm tận thu rau vụ đông nên giá bị giảm sâu. Ngay trước tết giá bán chỉ còn 1.500 đ/củ, sau tết chỉ còn 1000 đ và từ 10/3 dương lịch chỉ còn 500 đ/củ. Do giá thấp, nông dân có tâm lý chờ giá cao trở lại nên kéo dài thời gian thu hoạch, củ bị giảm chất lượng, xơ hoá khi gặp thời tiết ấm” – báo cáo của Cục Trồng trọt nêu rõ.

Hiện tại, diện tích su hào còn lại đang trong thời kỳ phát triển củ, nông dân tiếp tục chăm sóc để thu hoạch. Từ 15/3, giá bán su hào, cải bắp đang tăng lên, su hào bán 1.000-1.200 đồng/củ, cải bắp 2.500-3.000 đồng/kg (Loại cải bắp trên 2 kg đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Công ty Hưng Việt thu mua 3.500 đồng/kg). Với giá bán này, nông dân hoàn toàn không bị lỗ.

Dự báo trong thời gian tới giá rau sẽ tăng lên do lượng cung bị giảm, lượng rau cung cấp ra thị trường chủ yếu là trên đất chuyên trồng rau. Do đó, Cục Trồng trọt cho rằng, cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền vận động nông dân trồng rải vụ, lách vụ, giảm diện tích trồng các loại rau khó tiêu thụ trong vụ Xuân sớm giáp vụ đông.

Đồng thời tăng cường các mô hình liên kết có bao tiêu sản phẩm trên cơ sở xây dựng các Đề án phát triển sản xuất hàng hoá tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh.

Trước tình hình tiêu thụ rau khó khăn trong vụ Xuân 2018, Cục Trồng trọt khuyến nghị các địa phương cần tăng cường thông tin về sản xuất rau, kêu gọi các DN tiêu thụ sản phẩm rau để giảm bớt thiệt hại cho nông dân. Mặt khác tăng cường chuyển giao các công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch để nông dân có thể kéo dài thời gian thu hoạch, chế biến sản phẩm khi nguồn cung vượt cầu.

Trước mắt, Cục Trồng trọt sẽ có công văn chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát diện tích, sản lượng, đánh giá việc thực hiện liên kết và bao tiêu sản phẩm, cân đối cung cầu, xác định thị trường tiêu thụ để có giải pháp chỉ đạo chặt chẽ, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất và tiêu thụ chặt chẽ hơn, tiếp tục phát triển sản xuất rau vụ xuân theo khả năng và nhu cầu của thị trường.