Rút chân khỏi đa ngành

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Sau nhiều năm theo đuổi chiến lược đầu tư đa ngành, nhiều doanh nghiệp (DN) đang phải làm những cuộc "đại phẫu thuật", quay lại lĩnh vực kinh doanh lõi trước đây.

 Rút chân khỏi đa ngành
Hoàng Anh Gia Lai đã rút dần khỏi các dự án đa ngành. Nguồn: internet
Cách đây nhiều năm, Bitas rất tâm huyết với dự án cảng nước sâu Kê Gà và đã lập kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên, sau khi tính toán mức đầu tư tính đến thời điểm này phải mất gần 3.800 tỷ đồng và phải đến 30 năm mới thu hồi được vốn, Bitas đã quyết định buông dự án.

Mặc dù cho rằng Bitas đã biết dừng đúng lúc, nhưng ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Bitas, cũng thừa nhận "khi chấp nhận rút lui, Bitas đã tiêu hao rất lớn về công sức, tiền bạc khi đã bỏ ra chi phí để lập dự án, tổ chức hậu cần cho giai đoạn 1".

Trong khi đó, từng là thương hiệu lớn và dẫn đầu thị trường taxi trong nhiều năm, nhưng đến khi chuyển sang đầu tư đa ngành, ôm đến 72 ngành nghề kinh doanh ở 50 tỉnh, thành khắp cả nước thì Mai Linh đã trở thành một con nợ khổng lồ. Ngày 28/6/2013 tại đại hội cổ đông, Mai Linh đã công bố kết quả kinh doanh năm 2012 lỗ 33 tỷ đồng, còn từ năm 2007 - 2012 đã lỗ 380 tỷ đồng.

Trong tình cảnh này, con đường duy nhất để Mai Linh tìm lại chính mình là phải làm một cuộc "đại phẫu" toàn diện, chỉ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là taxi, Theo đó, Mai Linh phải giải thể hàng loạt công ty trực thuộc như Trạm dừng chân Cái Bè, Công ty cổ phần Năng lượng Mai Linh, các công ty rải khắp Phú Quốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu... thì chuyển sang nhượng quyền hay khoán kinh doanh để giảm chi phí, tập trung phát triển vào thị trường trọng điểm là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Nha Trang.

Cũng như Mai Linh, Sacomreal cũng là một con nợ lớn và đang bị liệt vào danh sách là một trong những công ty có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cần cải thiện gấp. Vì vậy, năm 2013, Sacomreal đã thanh lý hợp đồng nhận chuyển nhượng từ Công ty An Phát Gia, bán lại Công ty Tân Thắng, giải thể Công ty Huỳnh Gia...

Mới đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng gây xôn xao khi làm cuộc "đại phẫu thuật" nhằm chuyển vốn từ các dự án ít hoặc không sinh lợi sang dự án sinh lợi cao hơn. Trước đó, vào tháng 6/2013, HAGL đã bán 6 dự án thủy điện.

Tuy nhiên, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL Group, cho biết: "Việc bán các dự án thủy điện không phải để cứu vãn tình thế khát vốn của HAGL mà để tập trung vào hạng mục kinh doanh khác của HAGL có lời hơn".

Bởi vì, khi đầu tư vào 17 dự án thủy điện, tính toán của vị chủ tịch này là đầu tư dài hạn, lúc đó việc huy động vốn cũng khá dễ dàng do tình hình tài chính tốt cùng nguồn lợi nhuận lớn do bất động sản mang lại.

Song, với tình hình hiện nay, việc huy động thêm vốn khá khó khăn, các nguồn thu khác cũng eo hẹp, chi phí đàu tư vốn vay, vận hành thủy điện lớn nên đầu tư thêm cho thủy điện không khác gì là "chôn vốn" và làm ảnh hưởng đến các dự án dài hơi khác của Tập đoàn, nên HAGL quyết định "buông" một số dự án thủy điện để dành nguồn vốn, tiếp tục tập trung vào các dự án trọng điểm là cao su, mía đường, cọ dầu và tập trung vào các dự án bất động sản Hoang Anh Center Myanmar, hai dự án khu phúc hợp văn phòng và trung tâm thương mại tại TP.HCM, một dự án ở Đà Nẵng và một dự án tại Bangkok (Thái Lan).

Thực tế, sau khi "đại phẫu thuật", các DN đã có thể lạc quan. Mai Linh đang kỳ vọng một chỉ tiêu khiêm tốn là năm 2013 sẽ có doanh thu hợp nhất là 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống là 22 tỷ đồng.

Còn Sacomreal cũng cho biết, việc chuyển nhượng 15% cổ phiếu của Công ty Tân Thắng, dự kiến giúp lợi nhuận của Công ty trong quý II đạt khoảng 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sacomreal cũng chuyển hướng kinh doanh sang phân khúc biệt thự trung cấp.

Còn theo tính toán của ông Đoàn Nguyên Đức, bán các dự án thủy điện bao gồm cả các dự án hoạt động và đang trong giai đoạn đầu tư, HAGL sẽ có tiền ngay để tập trung cho các lĩnh vực khác, bởi đầu tư ra nước ngoài hiện nay là cách đầu tư bền vững của HAGL, nếu không linh hoạt xoay trở, cơ hội đầu tư sẽ mất và "quả ngọt ngàn tỷ” sẽ không dành cho những người đến sau.

Riêng các dự án bất động sản tại Việt Nam không sinh lợi nhuận nhiều, chậm, hoặc tỷ suất lợi nhuận không cao nên việc HAGL quyết định tách ra khỏi Tập đoàn.

Cụ thể là Công ty An Phú (công ty con của Công ty Phát Triển Nhà Hoàng Anh) sẽ đóng vai trò là công ty mua bán nợ để xây dựng những dự án để bán và bán cả dự án... (khoảng 13 dự án). Theo kế hoạch từ đây cho đến hết năm 2015, An Phú sẽ thu về khoảng 9.000 tỷ đồng.

Ngành khoáng sản cũng sẽ được tách ra khỏi hệ thống, hoặc bán. Vì mảng này rủi ro cao do không tính toán được chính xác trữ lượng, chi phí đầu tư, giá thành... Công ty gỗ, đá sẽ tiến hành cổ phần bán cho 1.000 lao động, công ty mẹ giữ lại 20%.

Thực tế, sau khi bán 6 dự án thủy điện, HAGL đã thu được 2.099 tỷ đồng và giảm được số dư nợ vay 1.876 tỷ đồng, cuối tháng 8 này, số tiền thu về từ bán các khoản đầu tư là 2.100 tỷ đồng, nợ sẽ giảm xuống 10.000 tỷ đồng/13.000 tỷ đồng vốn sở hữu vào cuối năm nay.