Sản xuất để… tồn kho?

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Một số chuyên gia cho rằng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3%, trong khi tồn kho tăng 9% cho thấy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN) đang rất khó khăn.

Sản xuất để… tồn kho?
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3%, trong khi tồn kho tăng 9%. Nguồn: internet
Sản xuất đình trệ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung 8 tháng (theo năm gốc so sánh năm 2010) ước tính tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,5%. Tuy nhiên, một số ngành giảm hoặc tăng thấp gồm khai thác than cứng và than non giảm 3,4%; sản xuất kim loại giảm 1,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học giảm 0,5%...

Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 chỉ tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản xuất linh kiện điện tử giảm 19,6%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện giảm 3,6%...

Song điều đáng lo hơn là chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/8/2013 tăng 9% so với cùng thời điểm năm 2012 (tăng 0,2 điểm % so với cùng thời điểm tháng trước), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 25,7%; sản xuất đồ uống tăng 59,6%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 20,3%; sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác tăng 32,1%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 81,6%...

Một số chuyên gia cho rằng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3%, trong khi tồn kho tăng 9% cho thấy hoạt động sản xuất của các DN đang rất khó khăn.

Bức tranh sản xuất trong nước dường như không có gì sáng hơn khi nhìn sang hoạt động một số ngành chủ chốt. So với tháng 8/2012, sản lượng khai thác dầu thô tháng 8 ước đạt 1,32 triệu tấn, giảm 9,1%. Tính chung 8 tháng so với cùng kỳ, sản lượng khai thác dầu thô ước đạt 11 triệu tấn, chỉ tăng 0,1%.

Ngành Than và Khoáng sản, tháng 8 giảm sản lượng khai thác và sản xuất do ảnh hưởng mưa, bão liên tiếp ngay từ đầu tháng. Sản lượng than sạch ước đạt trên 2,7 triệu tấn, tăng 3,8% so với thực hiện tháng trước nhưng giảm 1,2% so với tháng 8/2012. Tính chung 8 tháng, sản lượng than sạch ước đạt gần 27 triệu tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ. Hoạt động tiêu thụ than chưa được cải thiện do các hộ sản xuất cầm chừng, ước giảm 25,5% so với tháng 7 và giảm 25,3% so với tháng 8/2012; tính chung 8 tháng giảm 40,2% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, ngành Thép cũng không lấy gì sáng sủa hơn khi sức mua hiện nay quá yếu do vào tháng 7 âm lịch và mưa bão nên nhu cầu xây dựng xuống thấp. Vì vậy, sản lượng sắt, thép thô tháng 8/2013 ước đạt 246,3 nghìn tấn, giảm 2,6% so với tháng 8/2012. Tính chung 8 tháng so với cùng kỳ, sản lượng sắt, thép thô ước đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 12,1%; thép cán ước đạt hơn 1,87 triệu tấn, tăng 27,4%; thép thanh, thép góc ước đạt 2,2 triệu tấn, tăng 7,8%.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết, thông thường vào thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh đua nhau trữ hàng để chờ đến mùa xây dựng bung hàng ra bán với giá cao. Nhưng năm nay thì ngược lại, doanh nghiệp không dám trữ hàng mà chỉ tiêu thụ đến đâu lấy hàng đến đó. Hiện một số doanh nghiệp chạy vượt công suất thiết kế, nhưng có nhiều doanh nghiệp chỉ chạy 30% công suất thiết kế. “Khó khăn nhất vẫn là thị trường tiêu thụ, Bộ Công Thương và Nhà nước cần có chính sách đẩy mạnh đầu ra”.

Phân tích sâu hơn ở các mặt hàng khác như sản xuất dây cáp điện và điện tử, chỉ số sản xuất giảm 7,6% nhưng tồn kho vẫn tăng 32,1%; hay sản xuất mô tô xe máy tăng 26% nhưng tồn kho tăng tới 81,6%... Tương quan nói trên cho thấy, hàng tồn kho chỉ giảm khi DN giảm năng lực sản xuất và sản xuất để… tồn kho. Tuy nhiên, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9, khi phóng viên đề nghị bình luận về hiệu quả các giải pháp của Bộ Công Thương trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN về tồn kho, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã “quên” trả lời.

Xuất khẩu tiếp tục khó khăn

Theo Bộ Công Thương, tháng 8/2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 11,5 tỷ USD, giảm 0,9% so với tháng 7 nhưng tăng 11,4% so với tháng 8/2012. Trong đó, xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6,95 tỷ USD, giảm 0,4% so với tháng 7 và tăng 18,6% so với tháng 8/2012.

Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 84,82 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 51,25 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ. Như vậy, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là lực lượng đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng qua. Trong 10,9 tỷ USD kim ngạch tăng thêm thì khu vực FDI (không kể dầu thô) đóng góp 10,6 tỷ USD (trên 97% kim ngạch tăng thêm).

Điều đáng lưu ý khác là kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản - ngành hàng một thời được xem là nhóm xuất khẩu chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam, 8 tháng qua kim ngạch cũng chỉ đạt gần 13,2 tỷ USD, giảm 6,8% và chiếm tỷ trọng 15,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Chỉ một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như rau quả tăng 33,8%; nhân điều tăng 12,1%; hạt tiêu tăng 17,9%... Còn lại, một số sản phẩm khác có kim ngạch giảm như cà phê giảm 21,8%; gạo giảm 14,2%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 23,8%; cao su giảm 14,3%. Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm là do giá bình quân của hầu hết mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: nhân điều giảm 6,7%; giá hạt tiêu giảm 3,6%; gạo giảm 3,2%; cao su giảm 17,9%.

Đáng chú ý từ đầu năm đến nay, thông qua nhiều hợp đồng khác nhau, các DN Việt Nam đã bị hủy 938 nghìn tấn gạo xuất khẩu. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, số hợp đồng bị hủy chủ yếu từ các đối tác Trung Quốc vì nhiều nguyên nhân như do hết thời hạn giao hàng, khách hàng không thanh toán, không mở LC…

Một nguyên nhân khác do có nhiều đối tác cung cấp nên cầu nhập khẩu với gạo Việt Nam chững lại. Hơn nữa, những hợp đồng bị hủy chủ yếu thông qua đường tiểu ngạch vì chính sách với nhập khẩu qua đường này của Trung Quốc thay đổi.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối hàng hóa, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN.