Sản xuất, kinh doanh ôtô: Sẽ là ngành nghề có điều kiện?

Theo baocongthuong.com.vn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đề nghị bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Kiến nghị này đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Bộ KH&ĐT, hiện Việt Nam có 46 nhà nhập khẩu ủy quyền chính hãng ôtô với nhiều thương hiệu khác nhau như Audi, BMW, Renault, Ford, Mercedes, Toyota, Honda, Mazda, Kia, Hyundai...

Trong số đó, có một số nhà nhập khẩu thuần túy chỉ hoạt động nhập khẩu, ví dụ như Audi, BMW, Renault..., số còn lại lấy hoạt động sản xuất trong nước làm chủ đạo, kết hợp hoạt động nhập khẩu để gia tăng sự lựa chọn sản phẩm cho khách hàng.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, năm 2015, ngành công nghiệp ôtô Thái Lan đóng góp 12% vào GDP nước này, sử dụng hơn 1 triệu lao động và giá trị xuất khẩu đạt 28 tỷ USD. Trong khi đó, tại Việt Nam, ngành công nghiệp ôtô mới đóng góp 2% GDP. Dự kiến đến năm 2030, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đóng góp khoảng 5% GDP, tương đương 30 tỷ USD.

Giải thích về đề xuất đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, Bộ KH&ĐT cho rằng: Ôtô là sản phẩm công nghệ phức tạp, đòi hỏi sự an toàn cao vì liên quan đến tính mạng của nhiều người tham gia giao thông.

Thời gian qua, rất nhiều người lựa chọn mua xe không qua hệ thống phân phối, tiêu thụ chính hãng, nên sau một thời gian sử dụng đã xảy ra sự cố mà không được bảo hành, bảo trì, gây tổn thất cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của một số doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng cho rằng: Việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, mà còn cho cả quốc gia.

Cụ thể, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ, yên tâm về chất lượng xe và dịch vụ bảo hành, góp phần an toàn cho chủ xe và người tham gia giao thông. Ở góc độ doanh nghiệp, quy định sẽ minh bạch hóa điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Ở đây không hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, không ai cấm người dân kinh doanh, mà ra điều kiện, ai đáp ứng điều kiện thì được kinh doanh, chứ không phải hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp” - Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Bộ KH&ĐT khẳng định, việc đưa ôtô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô tại Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 và Quyết định 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035.

Ngoài ra, việc có những chính sách dài hạn, nhất quán của Chính phủ đối với ngành ôtô sẽ là động lực để doanh nghiệp trong nước yên tâm đầu tư lớn như nhà xưởng, thiết bị, máy móc, mở rộng hợp tác liên doanh để nhận chuyển giao công nghệ, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Với những tác động tích cực, kiến nghị của Bộ KH&ĐT đã nhận được sự tán thành của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, một chuyên gia kinh tế vẫn bày tỏ lo ngại việc đưa ôtô trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể làm giảm khả năng tham gia thị trường của một số doanh nghiệp kinh doanh ôtô, tạo nên sự độc quyền và gây khó cho người tiêu dùng tiếp cận với ôtô nhập khẩu giá rẻ.

Việc đặt ra điều kiện đầu tư kinh doanh không vi phạm cam kết mở cửa thị trường, đặc biệt với khu vực mậu dịch tự do theo khu vực thương mại tự do ASEAN.