Sắp gỡ tắc cho thoái vốn ngoài ngành

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tưởng như rơi vào ngõ cụt, do quy định không được bán vốn lỗ, thì tới đây, tình trạng này sẽ được tháo gỡ bằng cơ chế mới.

 Sắp gỡ tắc cho thoái vốn ngoài ngành
Còn một lượng vốn đầu tư ngoài ngành rất lớn đang nằm tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nguồn: internet

Cản trở chính

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương bàn giải pháp triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, ngày 24/12, khi thay mặt Chính phủ đánh giá về việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, quá trình tái cơ cấu DNNN trong năm qua tuy đạt được một số kết quả, nhưng chủ yếu là trên phương diện hoàn thiện cơ chế, chính sách, còn kết quả triển khai đang diễn ra chậm so với yêu cầu đề ra.

Tuy đến thời điểm này, hầu hết đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt, trong đó đối với các tập đoàn, chỉ còn một trường hợp có đề án đang trong quá trình xem xét, nhưng quá trình triển khai diễn ra chậm.

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do các DN khi thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước. Nói cách khác là thoái vốn không được lỗ. Với bối cảnh thị trường hiện tại, yêu cầu này là không thực tế, nên đang đẩy quá trình tái cơ cấu của nhiều DNNN rơi vào bế tắc, do không thể thực hiện được yêu cầu thoái vốn không bị lỗ.

Điều này khiến cho việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của các DNNN phải hoàn thành trước năm 2015, như chỉ đạo của Chính phủ, khó được hiện thực hóa, nếu những bế tắc hiện tại không sớm được tháo gỡ.

Sắp có cơ chế cho thoái vốn lỗ

Để giải tỏa nút thắt trên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung nguyên tắc thoái vốn, để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính tại các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty.

Trong đó, có một cơ chế mới mang tính đột phá, là đối với các khoản đầu tư ngoài ngành đang lỗ, nhưng càng kéo dài quá trình thoái vốn càng lỗ, làm mất vốn lớn, thì cho phép bán nhanh, bán dưới giá trị đầu tư ban đầu để thu hồi vốn. Dự thảo Nghị quyết về vấn đề này đang được khẩn trương hoàn thiện, để sớm trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý I/2014.

Thực ra, cơ chế thoái vốn lỗ đã được Chính phủ cho phép Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) áp dụng theo quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC, vừa có hiệu lực từ ngày 20/12. Theo đó, đối với các DN sản xuất - kinh doanh thua lỗ và đã thực hiện đấu giá công khai, nhưng không có người mua cao hơn hoặc bằng mệnh giá, thì SCIC được hạ giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá để đấu giá, nhằm thu hồi tối đa phần vốn nhà nước đã đầu tư tại DN…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chỉ cho phép SCIC thực hiện thoái vốn lỗ là chưa đủ tạo ra cú hích trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Bởi còn một lượng vốn đầu tư ngoài ngành lớn đang nằm tại các tập đoàn, tổng công ty.

Do đó, việc Chính phủ sắp cho phép áp dụng cơ chế thoái vốn lỗ trên diện rộng hơn, được kỳ vọng sẽ sớm gỡ tắc cho thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đây là một trong những giải pháp được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá, nhằm đảm bảo trước năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chỉ đạo của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết thêm, để tạo sự đồng bộ trong thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, trong năm 2014, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp và các bộ ngành liên quan, các địa phương kiến nghị, đề xuất giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương bổ sung, hoàn thiện chính sách về quản lý hoạt động của DNNN, cơ chế chính sách để thúc đẩy tái cơ cấu DNNN; cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước nhằm thực hiện tốt chức năng giám sát, cảnh báo...

“Sắp tới, sẽ có cơ chế buộc các DNNN phải định kỳ công khai thông tin về hoạt động trên các trang thông tin điện tử, để người dân, các cơ quan quản lý có thông tin giám sát tốt hơn...”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cho rằng, đây là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm nâng cao tính minh bạch, cũng như hiệu quả hoạt động của DNNN.