Sắp xếp lại VinaPhone và MobiFone: VNPT khó được hưởng miễn trừ

Theo Báo Đầu tư

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) khó có khả năng được hưởng miễn trừ theo quy định của Luật Cạnh tranh khi tiến hành sắp xếp lại VinaPhone và MobiFone.

Sắp xếp lại VinaPhone và MobiFone: VNPT khó được hưởng miễn trừ
Tại thời điểm này, Đề án Tái cơ cấu hoạt động của VNPT, trong đó có sắp xếp lại hoạt động của VinaPhone và MobiFone theo quy định của Luật Viễn thông vẫn đang được Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu.

Câu hỏi đặt ra là, VinaPhone và MobiFone có thuộc diện miễn trừ nếu tiến hành sáp nhập theo đề xuất của VNPT? Theo quy định của Luật Cạnh tranh, việc cấm tập trung kinh tế có thể được xem xét miễn trừ trong hai trường hợp.

Một là, nếu một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể, hoặc lâm vào tình trạng phá sản.

Hai là, việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu, hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội tiến bộ kỹ thuật công nghệ.

Trường hợp miễn trừ thứ nhất, chắc chắn không được tính đến, vì cả VinaPhone và MobiFone đều đang trong tình trạng sống khỏe. Theo bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2012 vừa được công bố, MobiFone đứng thứ 2, trong khi VNPT đứng thứ 9.

Ở trường hợp miễn trừ thứ hai, VNPT cũng không dễ vượt qua. Vì nếu sắp xếp lại VinaPhone và MobiFone, thị trường chỉ còn lại 2 doanh nghiệp viễn thông lớn chiếm tới 90% thị phần. Trong khi đó, theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), theo quy hoạch, thị trường viễn thông mục tiêu phải duy trì ít nhất 3 doanh nghiệp có quy mô tương đương, để cùng cạnh tranh trên một thị trường dịch vụ.

Bà Đào Thị Thiên Hương, Phó giám đốc Bộ phận Tư vấn (Công ty Kiểm toán PwC) nhận xét: “Sáp nhập một số đơn vị thành viên hoạt động trong cùng một lĩnh vực là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên nói riêng và tập đoàn nói chung. Tuy nhiên, các tập đoàn cũng có thể đạt được mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua các giải pháp khác. Ví dụ, vẫn giữ các đơn vị độc lập, nhưng tạo ra một hệ thống các hoạt động được dùng chung giữa các đơn vị này, chứ không nhất thiết phải thực hiện các cuộc sáp nhập như vậy”.

Cũng theo bà Hương, việc sáp nhập các đơn vị thường dẫn đến nhiều xáo trộn cho hệ thống và hoạt động của các đơn vị. Vì thế, nếu không cân nhắc và thực hiện cẩn thận, thì nhiều khi mất nhiều hơn là được.

Mặc dù vậy, tại thời điểm này, nhiều nguồn thông tin cho rằng, VNPT đang tìm cách thoát khỏi trường hợp cấm tập trung kinh tế bằng hình thức giảm thị phần sau khi sáp nhập hai mạng xuống còn dưới 50%. Theo thống kê mới nhất từ Cục Viễn thông, tính đến giữa năm 2012, thị phần tính theo số lượng thuê bao của VinaPhone đạt gần 31%, MobiFone đạt 18,45%. Trong khi đó, năm 2011, thị phần của MobiFone đạt 29,11%, trong khi VinaPhone đạt 28,71%.

Trong khi đó, theo bình luận của đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), việc xem xét thị phần của các doanh nghiệp khi tiến hành tập trung kinh tế sẽ được tính dựa trên doanh thu, trong khi thị phần hiện nay của VinaPhone, MobiFone lại tính trên số lượng thuê bao.

Bên cạnh đó, dường như con số thống kê trên có phần khá mập mờ, khi chính bà Trần Nhật Lệ, Phó trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch viễn thông (Cục Viễn thông) nhận định, trong nửa đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng của 3 doanh nghiệp viễn thông lớn không được như năm 2011, phần trăm thị phần của các doanh nghiệp này chỉ tăng trưởng dưới 1%.