SCIC sẽ bán vốn Nhà nước của Vinamilk trong năm 2016

PV.

Thông tin trên vừa được ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết tại buổi họp báo ngày 14/9.

Thương hiệu Vinamilk đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: Internet
Thương hiệu Vinamilk đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: Internet

Theo ông Tiến, cơ quan chức năng sẽ thực hiện bán vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ngay trong năm nay và 9 doanh nghiệp lớn khác vào đầu năm 2017.

Sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang xây dựng phương án bán vốn cụ thể tại Vinamilk để báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ thêm về phương án bán vốn tại Vinamilk ông Tiến cho rằng, quy mô của Vinamilk rất lớn với giá trị niêm yết của riêng phần vốn Nhà nước lên tới gần 100.000 tỷ đồng. Bởi vậy, việc bán ra thị trường có thể không chỉ thực hiện một lần mà phải nhiều lần. 

“Có thể bán một phần hoặc bán hết cổ phần tại Vinamilk tùy vào tình hình. Với doanh nghiệp lớn như Vinamilk thì cần lựa chọn bán trình tự làm sao để lợi ích Nhà nước đạt cao nhất”, ông Tiến nói.

Hiện tại, vốn hóa của Vinamilk trên thị trường chứng khoán đạt mức trên 209.000 tỷ đồng, Vinamilk cũng là một trong những doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Trước đó, cuối năm 2015, Chính phủ đã yêu cầu phía SCIC “chọn thời gian thích hợp” để thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp là: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tông Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Viễn thông FPT. Đây được coi là “những con gà đẻ trứng vàng” được các nhà đầu tư nước ngoài chờ đón trên thị trường chứng khoán.

Liên quan đến việc cổ phần hoá Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) và Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) ông Đặng Quyết Tiến cho biết, hiện hai Tổng công ty này vẫn đang thuộc diện quản lý của Bộ Công Thương chưa bàn giao về SCIC.

Vì vậy, vai trò của Bộ Tài chính trong tiến trình cổ phần hoá của hai doanh nghiệp này chủ yếu là giám sát và đưa ra ý kiến nếu Bộ Công Thương cần.