SCIC thoái vốn tại nhiều mã bluechip

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Ngày 2/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2344/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn đến năm 2015. Theo đó, SCIC sẽ nắm giữ cổ phần chi phối tại 24 doanh nghiệp, nắm giữ dài hạn tại 4 doanh nghiệp khác và dự kiến thoái vốn tại 376 doanh nghiệp còn lại đến năm 2015.

SCIC thoái vốn tại nhiều mã bluechip
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2344/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu SCIC. Nguồn: internet

Quyết định nêu rõ, tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nhằm đưa Tổng công ty thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, độc quyền tự nhiên, cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Ngành, nghề kinh doanh chính của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước là đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, bán phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.

Quy mô vốn điều lệ của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến năm 2015 là 50.000 tỷ đồng.

Về phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp hiện có giai đoạn đến năm 2015, Quyết định nêu rõ, duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC; Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang; Công ty TNHH MTV Đầu tư và Kinh doanh khoáng sản Vinaconex.

4 doanh nghiệp SCIC nắm giữ dài hạn gồm có: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FTC), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) và Công ty cổ phần Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR).

Trong báo cáo phân tích thị trường, nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá rằng, đây là 4 “con gà đẻ trứng vàng” cho SCIC khi tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các công ty này ở mức ổn định và rất cao so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề cũng như các doanh nghiệp có cùng quy mô trên thị trường hiện nay.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình trong 4 năm (2009-2012) của VNM đạt 49,3%, DHG đạt 52,45%, FTC đạt 56,72% và VNR đạt 18,4% trong khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình trong cùng giai đoạn này của VNM đạt 34,5%, DHG đạt 18,54%, FTC đạt 31,6% và VNR đạt 13,67%.

Kèm theo đó, tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường đã đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho SCIC. VNM và FTC chi trả cổ tức hàng năm ở mức 40-50% trong khi DHG và VNR chi trả ở tỷ lệ khoảng 20-25% đem về cho SCIC một khoản tiền khoảng hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2013.

Báo cáo cũng cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi sau cơn khủng hoảng 2007-2009, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, 4 doanh nghiệp trên được đánh giá như đã lội ngược dòng và tiếp tục tăng trưởng bền vững với tình hình hoạt động kinh doanh ổn định. Giữ lại những cổ phiếu này là quyết định hợp lý và đúng đắn của SCIC.

Ngoài ra, trong danh mục 24 doanh nghiệp và tổng công ty có cổ phần góp vốn chi phối, hầu hết các công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ và đường thủy.

"Đây cũng là một trong những lĩnh vực và ngành nghề then chốt của nền kinh tế, có liên quan đến nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội, theo đó cần được Nhà nước nắm giữ quyền chi phối", báo cáo cho biết.

376 doanh nghiệp bị SCIC thoái vốn gồm tương đối nhiều công ty là những mã blue-chips trên thị trường chứng khoán hiện nay, như: VCG (255 triệu cổ phiếu), VSH (49,5 triệu cổ phiếu), BVH (22 triệu cp), FPT, NTP (hơn 16 triệu cổ phiếu), BMP (13 triệu cổ phiếu).

Theo nhóm nghiên cứu của VCBS, đây có thể là tin không mấy tích cực cho thị trường khi xuất hiện một số e ngại về việc tăng áp lực cung lớn trên thị trường.

Mặt khác, trong dài hạn, việc tăng lượng cung ở những cổ phiếu có cơ bản tốt cũng sẽ có tác động tích cực lên không chỉ các cổ phiếu đó mà còn cả thị trường nói chung như tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, giúp quan hệ cung-cầu được phản ánh tốt hơn. Đồng thời, với các cổ phiếu đã hết room cho khối ngoại, trong trường hợp đề xuất nới room được thông qua sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu thêm cổ phiếu dễ dàng hơn.

"Theo đó, nếu đề xuất nới room được sớm ban hành và lượng cầu hấp thụ hết được khối lượng thoái vốn lớn của SCIC trong 2 năm tới, thị trường sẽ có cơ hội đi lên và thu hút dòng vốn tốt hơn", báo cáo chỉ rõ.