Sẽ tính riêng giá trị đất khi bán vốn các doanh nghiệp Nhà nước

Theo enternews.vn

Với việc tính riêng giá trị quyền sử dụng đất khi bán vốn tại 2 doanh nghiệp lớn Sabeco, Habeco và việc bán vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp Nhà nước là thông tin tích cực cho việc đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ông Bùi Đức Thụ - Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội cho rằng việc tính riêng giá trị quyền sử dụng đất là để tránh trường hợp nhà đầu tư sở hữu đất vàng…

Nhiều chuyên gia cho rằng, theo quy định thì hiện nay các doanh nghiệp đều phải phải thuê đất. Nếu tính cả giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp thì khi nhà đầu tư nước ngoài được mở hết room, làm chủ doanh nghiệp thì sẽ làm chủ luôn quyền sở hữu đất đai. Như vậy sẽ không còn phù hợp với quy định hiện hành của Luật Đất đai.

Theo quy định, việc cho thuê đất là do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, nên để thu hút đầu tư, nhiều địa phương thường cho doanh nghiệp thuê đất với giá trị thấp.

Cơ chế cho thuê thì dài hạn, cộng với khuyến khích nộp tiền một lần, chiết khấu cao, dẫn tới công tác định giá thuê đất thấp. Vì vậy, đã có rất nhiều trường hợp xảy ra không điều chỉnh được những hợp đồng đã giao và thu tiền thuê đất theo thị trường.

Đây chính là kẽ hở khiến nhiều nhà đầu tư lợi dụng. Do vậy, Chính phủ phải làm rõ vấn đề này, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Nhất là khi cổ phần hóa liên quan đến đất đai, quyền sử dụng đất… nếu không thì tài sản và lợi ích Nhà nước sẽ chảy vào túi một số người…- ông Thụ khẳng định.

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận về chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn như: Sabeco, Habeco với tinh thần phải công khai minh bạch, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm với những giải pháp cụ thể như phải niêm yết trên sàn chứng khoán trước khi bán…

Có thể nói, việc tính riêng giá trị đất khi bán vốn sẽ giúp loại bỏ “lợi ích nhóm” trong quá trình bán vốn nhà nước bảo đảm được tài sản đất đai của Nhà nước.

Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã có từ lâu, nhưng tiến độ thực hiện chậm. Về mặt số lượng doanh nghiệp, cổ phần hóa gần như đạt chỉ tiêu nhưng phần vốn nhà nước nắm giữ vẫn còn quá lớn. Mặt khác, việc cổ phần hóa, bán vốn trong nhiều trường hợp vẫn tiến hành theo quy trình khép kín, kém minh bạch, nên thực chất không đạt hiệu quả.

Do đó, cần phải thúc đẩy quá trình này mạnh mẽ hơn và minh bạch hơn. Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là một trong ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế.

Nếu không thực hiện được tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thì việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu đầu tư công cũng khó khăn, bởi doanh nghiệp Nhà nước chính là đối tượng có thể tiếp cận tín dụng nhiều nhất, tiếp cận nhiều dự án đầu tư công nhất, và “đóng góp” nhiều nhất vào nợ xấu và sở hữu chéo trong các ngân hàng cũng như sự dàn trải và hiệu quả thấp trong đầu tư công…