Sếp ra đi, nợ ở lại

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Đã có trên 20 vị trí lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần ra đi theo diện từ nhiệm, bổ nhiệm mới, nghỉ hưu. Từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc, cấp phó… đến các lãnh đạo cấp chi nhánh, sở giao dịch cũng thay đổi nhanh đến mức chóng mặt. Trong số này, nhiều sếp nhà băng phải “ra đi” vì vi phạm pháp luật.

Sếp ra đi, nợ ở lại
“Ghế nóng” ngân hàng vẫn tiếp tục thử thách sếp mới. Nguồn: internet

Có nhiều lý do để “thanh minh” cho sự ra đi của một sếp ngân hàng nhưng tuyệt nhiên, không có bất kỳ lời giải thích hay quy kết trách nhiệm về những khối nợ xấu lớn, các hành vi sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại mất vốn… trong thời gian tại vị của các sếp.

Chưa “ấm chỗ” đã ra đi

Sau sự ra đi của Tổng Giám đốc Trương Hoàng Lương, tháng 4/2014, ông Trần Phát Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT Kienlongbank) cũng xin từ nhiệm, thôi không đảm nhận vị trí Thành viên HĐQT. Mặc dù từ nhiệm cùng vì “lý do cá nhân”, nhưng kết quả kinh doanh sa sút của Kienlongbank cũng phần nào giải đáp thắc mắc về sự ra đi của 2 lãnh đạo chủ chốt này. Bởi từ năm 2011, lợi nhuận trước thuế đã bị sụt giảm liên tục từ 524,7 tỷ đồng xuống 467,7 tỷ đồng (2012). Tỷ lệ nợ xấu lần lượt là 2,85% và 2,54%.

Khi ông Võ Quốc Thắng lên làm Chủ tịch HĐQT (tháng 4/2013), lợi nhuận năm 2013 của ngân hàng chỉ đạt 393,4 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,47% (tương ứng gần 300 tỷ đồng).

Thay đổi rõ nhất ở Kienlongbank từ khi ông Võ Quốc Thắng lên nắm quyền là cơ chế quản lý hoạt động cho vay, kiểm soát rủi ro được siết chặt, ráo riết thu nợ và gắn chặt với trách nhiệm từng cán bộ, lãnh đạo.

Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo cấp chi nhánh Kienlongbank cho biết áp lực công việc đang rất căng thẳng, vì từ năm 2013, ngân hàng áp dụng chế độ giao khoán chỉ tiêu, đánh giá kết quả theo từng tháng. Hơn thế, các vị trí lãnh đạo cấp chi nhánh sẽ phải luân chuyển đi địa bàn khác và trên toàn hệ thống, tần suất 3 tháng/lần.

“Bây giờ, tất cả các khoản vay phải trình lên Hội sở xem xét, phê duyệt tập trung và cấp chi nhánh phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Nhờ đó, các khoản vay xấu được hạn chế, thu hồi được nợ, cán bộ làm việc mẫn cán hơn…”, vị cán bộ này nói.

Kienlongbank cũng xử lý mạnh tay đối với những cán bộ có vi phạm trong hoạt động cho vay. Đơn cử, một phó giám đốc cấp chi nhánh đã bị “cấm” tham gia cho vay, mà phải tập trung thu hồi nợ xấu do vị này gây ra. Thậm chí, đơn xin nghỉ việc của cán bộ này bị Hội sở từ chối thẳng thừng và yêu cầu phải xử lý xong nợ tồn đọng, tránh gây thiệt hại cho ngân hàng. Còn Giám đốc chi nhánh này đã “may mắn” hơn khi xin được chuyển công tác sang một ngân hàng khác, chấp nhận làm cán bộ kiểm soát rủi ro.

Thế hệ lãnh đạo đình đám một thời, từng được kính nể của Ngân hàng ACB, như Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải, ông Phạm Trung Cang, Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên)… vừa bị kết án tù khá nặng (từ 5 - 30 năm tù theo bản án sơ thẩm). Các lãnh đạo này sẽ phải chịu tội vì hành vi sai phạm, nhưng điều lạ là, không ai phải chịu trách nhiệm thu hồi gần 719 tỷ đồng tiền gửi đã ủy thác sai luật của Ngân hàng ACB. Trong khi đó, khả năng thu hồi tiền từ người chiếm đoạt, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên cán bộ Vietinbank, bị tòa án tuyên phải bồi thường 719 tỷ đồng trong tổng số 4.000 tỷ đồng thiệt hại), hiện vẫn rất mờ mịt.

Sếp vào tù, ngân hàng mất vốn

Dù bỏ ngỏ khả năng sẽ kiện đòi Vietinbank trả tiền, nhưng trong báo cáo tài chính năm 2013 và quý I/2014, Ngân hàng ACB vẫn chưa thực hiện trích lập dự phòng rủi ro khoản tiền này. Và nếu tiến hành khởi kiện Vietinbank, ACB sẽ còn phải tốn thêm nhiều thời gian, công sức, chi phí… để theo đuổi vụ kiện mà tranh chấp pháp lý sẽ là “nút thắt” khó nhằn.

Vụ án Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng có lẽ là “dấu ấn” đáng nhớ nhất trong 26 năm gắn bó với Vietinbank của nguyên Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng. Từ ngày 1/7 tới đây, ông Hùng sẽ chính thức nghỉ hưu theo chế độ, không còn vướng bận, đau đầu xử lý vụ việc này. Nhưng người kế nhiệm ông, là tân Chủ tịch Nguyễn Văn Thắng, sẽ phải tiếp tục xử lý, khắc phục những yếu kém về quản lý con người, quản lý rủi ro cho vay, huy động vốn… từ “sự cố đáng tiếc” mang tên Huyền Như.

Nếu bản án phúc thẩm tới đây tuyên Vietinbank phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ số tiền 4.000 tỷ đồng cho người gửi tiền, thì ai sẽ chịu trách nhiệm mất vốn của Vietinbank? Người viết đã đặt câu hỏi này cho ông Nguyễn Văn Thắng, nhưng không có câu trả lời.

Đến giờ, vụ án Ngân hàng Agribank cho vay sai phạm gần 3.900 tỷ đồng vẫn chưa được xét xử, nhưng nguyên Tổng Giám đốc và một cấp phó đã bị khởi tố, bắt giữ. Còn nguyên Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng Giám đốc Agribank ở giai đoạn xảy ra sai phạm đã được điều chuyển vị trí quản lý mới. Hơn 1 năm khởi tố, điều tra vụ án và cho đến khi đưa ra xét xử, con số thiệt hại vốn của Agribank vẫn không ngừng phát sinh.

Đến giờ, chưa có số liệu thiệt hại chính xác và đánh giá khả năng thu hồi nợ xấu, nhưng câu hỏi đặt ra là: nếu số thiệt hại mất vốn lên đến cả nghìn tỷ đồng, thì cá nhân lãnh đạo liên quan sai phạm có phải bồi thường?

Hay ngân hàng sẽ “âm thầm” xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro như cách làm phổ biến lâu nay thì có đủ sức răn đe những cá nhân làm sai?