Siết chặt quản lý doanh nghiệp FDI

Theo An ninh thủ đô

Sáng 4/1/2013, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tổ chức họp báo thông báo tình hình năm 2012 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và báo cáo một số điểm nổi bật qua kết quả sơ bộ tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có buổi trao đổi với báo chí về một số nội dung liên quan.

- Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá thế nào về tình trạng doanh nghiệp FDI vay nợ của các tổ chức tín dụng trong nước rồi bỏ trốn?

- Ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng  Bộ Kế hoạch - Đầu tư: Có việc này xảy ra tại một số địa phương, khu công nghiệp... do làm ăn thất bát. Tuy nhiên, xử lý vi phạm vấn đề này rất phức tạp. Nếu vi phạm nằm trong giới hạn hành chính kinh tế thì cơ quan quản lý địa phương sẽ có yêu cầu các ngân hàng thu hồi tài sản thế chấp của họ. Nếu ngoài phạm vi này thì phải xem xét các quy định quốc tế.

Nhưng có những vấn đề khó khăn như: chủ các doanh nghiệp FDI thường xuyên đi - về khiến các cơ quan, địa phương không nắm bắt được. Với những doanh nghiệp ghi rõ địa chỉ thì xử lý được, một số lại không rõ nên bị treo nợ. Chúng tôi đang tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xem chế tài bắt buộc, trường hợp xảy ra trốn nợ thì xử lý như thế nào, ví dụ như hợp tác với nước sở tại. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp FDI bỏ trốn không cao.

- Theo số liệu thống kê được công bố thì nợ xây dựng cơ bản hiện nay là hơn 91.000 tỷ đồng, Bộ trưởng có hướng nào xử lý?

- 91.000 tỷ đồng là con số Bộ Tài chính đưa ra, còn con số của Bộ Kế hoạch - Đầu tư là 85.000 tỷ đồng. Nhưng hai con số không khác nhau lắm bởi Bộ Tài chính thống kê tất cả các nguồn vốn, cả trái phiếu và vốn doanh nghiệp nhà nước, kể cả đầu tư xổ số kiến thiết... còn Bộ Kế hoạch - Đầu tư lọc ra những nợ thuộc về ngân sách Nhà nước, tín dụng Nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

Chúng tôi đang có công văn gửi các bộ ngành địa phương yêu cầu báo cáo, phân tích chi tiết nợ xây dựng cơ bản, ghi rõ nợ ngân sách Nhà nước là bao nhiêu, loại Trung ương hỗ trợ bao nhiêu, loại địa phương hỗ trợ là bao nhiêu.

Năm 2012 đã siết chặt vốn đầu tư song vẫn còn có sự dàn trải ở một số địa phương. Nhưng năm 2013, phần vốn đầu tư có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho các bộ ngành có 96,5% số vốn đã được kiểm soát, số dự án khởi công năm 2013 giảm rất mạnh so với 2012. Điều đó chứng tỏ ý thức các địa phương, bộ ngành nâng cao hơn nhiều. Trong số này, chỉ còn chưa đầy 5% số vốn bố trí chưa đúng quyết định 1792. Năm 2013, phải ưu tiên thanh toán vốn nợ cho xây dựng cơ bản, sau đó mới bố trí cho công trình năm 2013 hoàn thành. Chính phủ đã công bố, giao kế hoạch trung hạn ngay sau tết, ngân sách trung hạn 3 năm (2013-2015) để các địa phương biết, tất cả vốn ngân sách từ nay tới 2015 cho mình chỉ có vậy thôi. Địa phương phải dùng số vốn này thanh toán nợ cơ bản, theo thứ tự ưu tiên, ít khởi công mới thôi. Tôi tin là với biện pháp mạnh như thế, các bộ ngành địa phương sẽ xử lý được. Còn phần địa phương tự bố trí vốn của họ thì họ phải chịu trách nhiệm. Đây cũng là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, là một trong vấn đề giải quyết nợ xấu.

- Nhiều ý kiến đưa ra nên có gói kích thích nền kinh tế, liên quan xử lý nợ xấu, bất động sản. Quan điểm Bộ trưởng về vấn đề này?

- Chính phủ rất quan tâm tới 2 vấn đề nợ xấu trong ngân hàng thương mại và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Dự báo, có thể sẽ có những gói cứu trợ nhưng phải hiểu khác gói cứu trợ năm 2009. Không phải mang ngân sách ra vứt một cục mà có thể là gói từ phía ngân hàng, bơm tăng tín dụng thay vì ngân sách đối với khu vực sản xuất sản phẩm thiết yếu để trở thành sản phẩm bán được.

Tháo gỡ khó khăn bất động sản chính là tạo điều kiện cho kinh tế ổn định hơn. Có ý kiến cho rằng cần để bất động sản “xì hơi” bớt vì giá vẫn còn cao. Ta vẫn phải làm cùng lúc 2 việc, vừa để bất động sản về giá trị thấp, vừa tháo gỡ khó khăn vì ở đây tồn đọng nhiều vốn. 

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư):

“Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã xây dựng đề án chống chuyển giá. Thời gian tới sẽ có 4 việc cần phải làm ngay: hoàn thành khung pháp lý chống chuyển giá, tuyên truyền chống chuyển giá, xây dựng đội ngũ chuyên gia phát hiện chuyển giá, công bố cơ sở dữ liệu để làm công tác so sánh, tiếp tục triển khai kiểm tra chống chuyển giá. Với các doanh nghiệp giả lỗ, việc rút giấy phép đã được đặt ra nhiều lần. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn nếu như các doanh nghiệp giả lỗ mà rút ngay giấy phép thì sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư”.