Siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bộ Công Thương đang soạn thảo dự thảo Nghị định quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; trong đó có nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ người tham gia bán hàng đa cấp trước các hành vi lừa đảo, trục lợi.

Theo Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, bán hàng đa cấp không những gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội mà còn tạo ra nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý nhà nước. Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh các hành vi lừa đảo, bán hàng đa cấp bất chính của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay chỉ có Nghị định 110/2005/NĐ-CP và Thông tư 19/2005/TT-BTM quy định đầy đủ nhất về quản lý hoạt động này. Cả hai văn bản trên đều đã được thực thi gần 8 năm, bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của ngành bán hàng đa cấp.

Chính vì thế, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Nghị định trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp của các quy định trong Nghị định với quy định của Luật Cạnh tranh và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp; hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp pháp triển đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt hơn ngành bán hàng đa cấp.

Cụ thể, dự thảo có một số điểm mới cơ bản so với quy định hiện hành như: Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp sẽ được giao cho Bộ Công Thương thay vì các Sở như quy định trước đây. Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, theo đó, giấy chứng nhận cấp lần đầu có thời hạn 5 năm, sau đó doanh nghiệp được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 5 năm. 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định là 10 tỷ đồng. 

Theo dự thảo, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Bên cạnh đó, tiền ký quỹ cũng được nâng lên mức 5 tỷ đồng so với mức tối đa 1 tỷ đồng theo quy định trước đây. Đồng thời, dự thảo cũng quy định rõ trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện việc ký quỹ, sử dụng tiền ký quỹ và rút tiền ký quỹ. 

Tạm ngừng quá 12 tháng bị thu hồi giấy chứng nhận

Dự thảo quy định, doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tạm ngừng hoạt động không quá 12 tháng. Quá thời hạn này, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Ngoài ra, khi tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp phải hoàn thành toàn bộ các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp. 

Bên cạnh đó, mỗi khi tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo liên quan tới hàng hóa bán hàng đa cấp, giới thiệu cơ hội kinh doanh và kỹ năng kinh doanh ở bên ngoài trụ sở, doanh nghiệp phải thông báo cho Sở Công Thương nơi tổ chức các hoạt động đó. Người tham gia bán hàng đa cấp cũng không phải trả phí cho các hoạt động đào tạo, ngoại trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo.  

Cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp

Một số hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp cũng được nêu trong dự thảo.

Cụ thể, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không được yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; kinh doanh theo mô hình kim tự tháp...

Còn người tham gia cũng không được cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp…