Siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi “soán ngôi” kênh mua sắm truyền thống

PV.

Theo khảo sát của Kantar Worldpanel, tính đến quý IV/2017, số siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi ở 4 thành phố lớn (gồm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ) của Việt Nam đã tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi đó, số chợ truyền thống không thay đổi, số tiệm tạp hoá nhỏ giảm 3%, các siêu thị và đại siêu thị tăng 7%.

Giá trị mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang tăng trưởng mạnh.
Giá trị mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang tăng trưởng mạnh.

Theo khảo sát của Kantar Worldpanel, kênh mua sắm hiện đại trong quý IV/2017 đã tăng tốc và vượt qua các kênh mua sắm truyền thống. Năm 2018, thị trường này được kỳ vọng sẽ sôi động hơn với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới cùng với những mô hình mua sắm mới. Ở khu vực nông thôn, kênh cửa hàng bách hóa tiếp tục thu hút người tiêu dùng mua sắm.

Điểm qua có thể thấy, chỉ riêng hệ thống VinMart đã có quy mô 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Công ty Vincommerce - chủ đầu tư hệ thống VinMart cho biết, sẽ có 200 siêu thị, 4.000 cửa hàng vào năm 2020. Ngoài phát triển quy mô, VinMart nâng cao dịch vụ với quy trình kiểm soát chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa chặt chẽ.

Sau 3 năm hoạt động, hệ thống VinMart đã phát triển đa dạng. Các siêu thị diện tích lớn, tập trung ở những trung tâm mua sắm hiện đại, giao thông thuận lợi và chuỗi cửa hàng tiện lợi, phân bổ giữa các khu dân cư đông đúc.

Thị trường gần đây cũng chứng kiến sự xuất hiện của chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh từ vùng ven đến thành thị. Đến nay, hệ thống này đã có 321 cửa hàng và phần lớn trong số này nằm tại các huyện, quận vùng ven, ở nhiều con đường nhỏ. Cùng với sự phát triển của mô hình mua sắm mới này, nhóm hàng tiêu dùng nhanh cũng trở nên phong phú hơn với nhiều thương hiệu mới.