Sớm thoái vốn nhà nước trước "giờ G"

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đến năm 2015 của Chính phủ ngày 18/2/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã kiến nghị xử lý những tồn tại về tài chính khi cổ phần hóa (CPH) DNNN và đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại DN đến năm 2015 theo đúng lộ trình Chính phủ giao.

 Sớm thoái vốn nhà nước trước "giờ G"
Chính phủ yêu cầu đến 2015 DNNN phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng... Nguồn: internet

Được giao trọng trách là Bộ xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tại Quyết định số 929/QĐ-TTg, trong đó xác định việc sắp xếp, CPH DNNN là một trong những giải pháp trọng tâm của quá trình tái cơ cấu, cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện.

Các DNNN phải thực hiện tái cơ cấu toàn diện trên các lĩnh vực như: Chiến lược kinh doanh; sản phẩm, ngành nghề kinh doanh; tài chính; mô hình tổ chức, lao động; quản trị DN… Trong đó, thực hiện thoái vốn Nhà nước theo nguyên tắc thị trường đối với các khoản vốn đã đầu tư vào ngành, lĩnh vực không thuộc ngành kinh doanh chính của DN là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu DN và cần được hoàn thành trước 31/12/2015.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN đến năm 2015, để thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần có biện pháp quyết liệt và có bài bản, có lộ trình thực hiện rõ ràng; thực hiện nguyên tắc bán theo giá thị trường, nhất là đối với các khoản đầu tư không hiệu quả cần xây dựng phương án cụ thể, chặt chẽ, khả thi; phân loại rõ từng khoản vốn mà DNNN đầu tư ra ngoài ngành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tăng cường phối hợp nhằm xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc nảy sinh trong quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ CPH DNNN.

Giúp DN CPH bằng cơ chế

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc xử lý tồn tại và làm lành mạnh tình hình tài chính DN trước khi CPH là một bước quan trọng trong quá trình CPH, tạo điều kiện cho các DN sau khi CPH hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn, thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác đầu tư vào DN, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Việc xử lý tồn tại tài chính của DN thời gian qua cho thấy là bước mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ CPH. Gần đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 189/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP đã khắc phục một số vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài chính, CPH như: Vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN; đối chiếu công nợ (phải thu, phải trả); kiểm toán nhà nước đối với DN CPH; lựa chọn tổ chức tư vấn định giá… 

Bên cạnh việc xử lý những tồn tại về tài chính của DN CPH thông qua cơ chế, chính sách, Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của DN đã giúp Chính phủ hỗ trợ xử lý những tồn tại về tài chính của DN CPH. Đến hết năm 2013, Công ty đã ký biên bản tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN của 2.446 DN CPH (gồm: 1.001 DN trung ương và 1.445 DN địa phương).

Bên cạnh đó, Công ty đã tham gia quá trình tái cơ cấu DN thông qua mua, bán xử lý nợ, trong đó tập trung chủ yếu vào các DNNN có tình hình tài chính khó khăn, không đủ điều kiện CPH. Theo đó, đã giúp DN xử lý những tồn tại về tài chính, đồng thời tham gia quản trị DN, cơ cấu lại bộ máy tổ chức sản xuất, lao động… với tư cách là cổ đông của DN sau khi tái cơ cấu.

Đặc biệt, trong năm 2013, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chức năng nhiệm vụ của mình, Công ty đã phát hành và niêm yết thành công trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ để cơ cấu lại các khoản nợ vay của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam tại các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho tổng công ty xử lý các tồn tại về tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới. 

Khẳng định tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, trong quá trình CPH DNNN thời gian qua, công tác xử lý tài chính cũng như những khó khăn, vướng mắc phát sinh luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thông qua việc liên tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về CPH. Công tác phối hợp giữa Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục, giúp nắm bắt và xử lý kịp thời những vướng mắc của DN CPH, qua đó tạo điều kiện cho DN đẩy nhanh tiến độ CPH theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiều giải pháp mạnh hỗ trợ thoái vốn

Tháo gỡ khó khăn thoái vốn từ chính những khó khăn, vướng mắc của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, CPH và thoái vốn nhà nước tại DN đến năm 2015. Trong đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị nhiều giải pháp thoái vốn Nhà nước nhằm đẩy nhanh tiến trình này.

Thứ nhất, về việc DN được phép thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, về cơ bản nội dung này phù hợp với quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có bổ sung quy định DN được phép thoái vốn dưới mệnh giá.

Về nguyên tắc, DN có trách nhiệm bảo toàn vốn đầu tư, trường hợp thoái vốn dưới giá trị sổ sách (kể cả dưới mệnh giá) thì cũng cần bảo toàn vốn đầu tư ở mức cao nhất, hạn chế số lỗ phát sinh khi thoái vốn dưới giá trị sổ sách. Vì vậy, khi thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách, nếu trừ cả “các lợi ích thu được từ đầu tư vốn” thì có thể dẫn tới tăng thêm số lỗ phát sinh, như vậy cũng chưa đảm bảo hạn chế tổn thất vốn đầu tư ở mức cao nhất. Mặt khác, đối với các trường hợp có thời gian đầu tư dài tính đến thời điểm thoái vốn thì việc xác định các lợi ích thu được cũng phát sinh bất cập do phải rà soát, đối chiếu, như vậy sẽ làm kéo dài thời gian thoái vốn.

Thứ hai, DNNN được chào bán ra công chúng số cổ phần đã đầu tư tại các công ty đại chúng có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định. Giải pháp bổ sung này nhằm tháo gỡ vướng mắc quy định tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ vì thời gian qua Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là không thực hiện được việc thoái vốn theo lộ trình được duyệt vì một số DN có vốn góp là công ty đại chúng có kết quả kinh doanh thua lỗ. Thực hiện giải pháp này cũng sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thoái vốn của các DN.

Thứ ba, để tạo nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm cũng như hỗ trợ tái cơ cấu các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đến năm 2015 trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn thì phương án thoái vốn Nhà nước sẽ theo nguyên tắc sau: Duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ đối với các ngân hàng thương mại cổ phần và Tập đoàn Bảo Việt; Các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DN nhà nước khác (trừ các DN trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng) căn cứ vào tiêu chí phân loại DN Nhà nước và vai trò đối với phát triển kinh tế ngành để xác định tỷ lệ cần duy trì nắm giữ vốn Nhà nước nhưng tối đa không quá 65% vốn điều lệ. 

Thứ tư, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định để thể chế hóa Nghị quyết về đẩy mạnh sắp xếp, CPH và thoái vốn nhà nước đến năm 2015. Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DN nhà nước không thực hiện được tiến độ sắp xếp, CPH và thoái vốn nhà nước theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban lãnh đạo DN được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt theo quy định.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển, qua đó góp phần đẩy mạnh quá trình sắp xếp, CPH DNNN.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, với các giải pháp đẩy mạnh tiến độ sắp xếp, CPH và thoái vốn Nhà nước tại DN, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp, CPH và thoái vốn Nhà nước theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có như vậy mới đảm bảo thực hiện thành công tái cơ cấu các DNNN theo chỉ đạo của Chính phủ.

Từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó CPH 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN; tổng số DN CPH từ trước đến nay là 4.065 DN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương phải làm quyết liệt, hiệu quả việc CPH 432 DN theo kế hoạch trong 2 năm 2014-2015 đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các DNNN cần phải CPH theo hướng giảm mạnh hơn DN 100% vốn nhà nước và giảm mạnh DNNN giữ cổ phần chi phối.