Sông Đà trần tình về vi phạm 10.676 tỷ đồng

Theo Vnexpress

Tổng công ty Sông Đà chiều 13/12 gặp gỡ báo chí để nói rõ phần trách nhiệm của mình, sau hai ngày đại biểu Quốc hội chất vấn về vi phạm theo kết luận thanh tra.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ được gửi tới các đại biểu Quốc hội vài ngày trước, trong đó nêu rõ Tập đoàn Sông Đà có những vi phạm về quản lý, sử dụng vốn và tài sản, với tổng giá trị vi phạm lên tới 10.676 tỷ đồng. Những sai phạm điển hình tại đơn vị này là sử dụng quỹ sắp xếp doanh nghiệp sai mục đích, không hạch toán vốn và lợi nhuận của tổng công ty nhà nước khi chuyển thành công ty cổ phần; không tính quỹ dự phòng tổn thất, các khoản tổn thất tài chính. Sông Đà cũng bị kết luận vi phạm đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ.

Tại cuộc gặp báo chí chiều 13/12, đại diện Tổng công ty Sông Đà không than phiền gì về kết luận của Thanh tra, chỉ muốn phân trần rằng Tập đoàn ngày xưa giờ không còn hoạt động, mà đã tách thành nhiều đơn vị độc lập, và Tổng công ty Sông Đà chỉ là một trong số đó. Trách nhiệm xử lý vi phạm, theo đại diện Tổng công ty, nằm ở nhiều đơn vị khác nhau.

Tập đoàn Công nghiệp và Xây dựng Việt Nam được thành lập từ ngày 12/1/2010 trên cơ sở gồm 6 Tổng công ty là Sông Đà, Lilama, Licogi, Coma, DIC và Sông Hồng, trong đó, Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt. Thời điểm thanh tra chủ yếu rơi vào giai đoạn các tổng công ty còn là doanh nghiệp độc lập, chưa tham gia Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam.

Trong tổng số tiền kiến nghị xử lý 10.676 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Đà cho biết mình chỉ chịu trách nhiệm xử lý 3.094 tỷ đồng. Năm tổng công ty còn lại là Lilama, Licogi, Coma, DIC và sông Hồng bị xử lý hơn 7.500 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Đà cũng cho biết đã xử lý xong 2.757 tỷ đồng bao gồm đầu tư vượt vốn điều lệ, sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, trích lập dự phòng, thoái vốn khỏi ngành không phải ngành kinh doanh chính. Còn lại 337 tỷ đồng liên quan đến tiền thu từ chuyển nhượng dự án Nam An Khánh, trích khấu hao nhanh vượt quy định của hầm đường bộ qua đèo Ngang..., Tổng công ty sông Đà "đang tiếp tục xử lý".

Năm Tổng công ty là Lilama, Licogi, Coma, DIC và sông Hồng cũng đã xử lý được 1.764 tỷ đồng, còn lại 5.818 tỷ đồng.

Ngày 2/10/2012, Thủ tướng đã kết thúc thí điểm mô hình tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam. Phía Sông Đà cho rằng, Tổng công ty sông Đà và 5 đơn vị còn lại là các doanh nghiệp độc lập trực thuộc Bộ Xây dựng. Do đó, Tổng công ty Sông Đà đề nghị Thủ tướng giao các Tổng công ty trực tiếp xử lý các vấn đề tồn tại thuộc từng đơn vị.

Đối với các vấn đề tồn tại thuộc trách nhiệm của mình, Tổng công ty Sông Đà cho biết sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, xác định nguyên nhân tồn tại, chấn chỉnh và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả. Tổng công ty sông Đà hứa sẽ báo cáo Bộ Xây dựng và xử lý dứt điểm những tồn tại về tài chính trước 31/12/2012.

Tại phiên chất vấn ngày 12/11, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Tập đoàn Sông Đà "có vi phạm nguyên tắc chứ không thất thoát".

Còn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết sau kết luận thanh tra, tập đoàn đã có phương án và khắc phục được khoảng 5.000 tỷ đồng, hiện còn chờ chủ trương để khắc phục thêm hơn 5.000 tỷ đồng nữa. "Như vậy, tập đoàn rất tích cực thực hiện kết luận thanh tra, Bộ Xây dựng cũng rất tích cực. Nhưng hiện nay vẫn còn vướng, phải xử lý còn kéo dài vì còn chờ ý kiến của các bộ để trình Thủ tướng", Tổng thanh tra đánh giá.