“Sóng M&A” ngân hàng đã nổi

Thiện Long

(Tài chính) Với việc ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 buộc các nhà băng thoái vốn về mức quy định sẽ càng thúc đẩy làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) ngành ngân hàng sôi nổi ngay những ngày đầu năm. Viễn cảnh thị trường chỉ còn lại dưới 20 ngân hàng không còn xa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mạnh tay loại bỏ

Tính đến nay, hầu hết các ngân hàng đã hoàn thành bước đầu lộ trình tái cơ cấu lại theo phương án được phê duyệt. Trong đó, phương án cơ cấu đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc nào. Nhờ đó, tình hình hoạt động của các ngân hàng này đã ổn định và dần cải thiện so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu; các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện và cơ bản đảm bảo quy định…

Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động các ngân hàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, nhược điểm của các ngân hàng nhỏ là khả năng quản trị. Vì thế, để có thể tồn tại và phát triển, các ngân hàng nhỏ phải ngồi lại với nhau để bàn đến việc M&A. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, các ngân hàng yếu kém sẽ khó có thể cạnh tranh trong thời gian tới nên cần thiết tìm đối tác để M&A thì mới có cơ hội để tăng trưởng. Đây cũng là mục tiêu chính của Đề án tái cơ cấu của ngành đang được NHNN đẩy mạnh.

Trong 2 năm qua, hệ thống ngân hàng giảm 5 tổ chức tín dụng thông qua M&A, giải thể, đồng thời rút giấy phép 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Kết quả này mở đầu cho làn sóng M&A ngân hàng trong năm 2015 vì còn rất nhiều ngân hàng đang tìm kiếm đối tác trên tinh thần tự nguyện. Mở đầu cho M&A năm mới là Vietcombank sáp nhập với Saigonbank. Tiếp theo đó có thể có thêm 6 thương vụ hợp nhất, sáp nhập giữa các ngân hàng như: BIDV-MHB, Vietinbank-OceanBank hoặc PGBank, SouthernBank-Sacombank, MDB-MaritimeBank, GPBank-LienVietPostBank. NamA Bank chưa có đối tác rõ ràng nhưng khả năng sáp nhập là chắc chắn. Đây cũng là hành động rõ nhất của nhà quản lý để đến năm 2017 đưa số ngân hàng giảm một nửa so với hiện nay.

Thống đốc NHNN cho biết, đã phê duyệt về mặt chủ trương SaigonBank sáp nhập với Vietcombank. Thời gian hoàn thành sáp nhập có thể là vào thời điểm trong quý III hay thậm chí là quý IV năm 2015. Bởi sau khi cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập, 2 ngân hàng sẽ trình đề án sáp nhập và chỉ khi NHNN  thông qua đề án sáp nhập, thương vụ mới bắt đầu được xúc tiến.

Vietcombank đang sở hữu cổ phần lớn tại 4 ngân hàng và một công ty tài chính, bao gồm: Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), SaigonBank và Công ty cổ phần Tài chính Xi măng. Theo Thông tư 36, ngân hàng chỉ được sở hữu cổ phần tại tối đa 2 ngân hàng, mức sở hữu tại mỗi ngân hàng không quá 5%. Như vậy, dù muốn hay không, Vietcombank cũng sẽ phải nhanh chóng thoái vốn, hoặc mua lại các tổ chức tín dụng trên để hợp thức hóa quy định về sở hữu. Mục tiêu NHNN đặt ra cho năm 2015 là giảm 5 - 7 ngân hàng, trong đó, một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước sẽ sáp nhập thêm ngân hàng nhỏ, yếu kém.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, năm 2015, NHNN sẽ xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 6 thương vụ sáp nhập, hợp nhất trong năm nay. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém sẽ dựa trên 3 giải pháp chính, chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước:

Thứ nhất, ưu tiên và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tự chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại yếu kém và huy động nguồn lực tài chính của cổ đông và từ bên ngoài; khuyến khích sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, trong trường hợp tổ chức tín dụng tái cơ cấu không thành công thì NHNN sẽ áp dụng các biện pháp mạnh theo quy định của pháp luật là bảo đảm an toàn của hệ thống, loại bỏ ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống.

Thứ ba, trong quá trình tái cơ cấu, Chính phủ và NHNN khuyến khích sự tham gia của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là tham gia vào các ngân hàng yếu kém để có thể giúp các ngân hàng cơ cấu lại hoạt động.

Giải pháp giải quyết lợi ích các bên?

Về lý thuyết, các ngân hàng đang cố tạo ra những thông tin như mình là đơn vị chủ động sáp nhập để ổn định tâm lý khách hàng. Chẳng hạn, NamA Bank cho biết đang tìm kiếm đối tác để sáp nhập. Bởi việc sáp nhập, hợp nhất theo lãnh đạo của NamA Bank, sẽ đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với khi các ngân hàng đứng riêng rẽ. Hay nói cách khác, khi hợp nhất, ngân hàng được lợi ích kinh tế theo quy mô lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng cũng như mạng lưới phân phối…

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tâm lý của các ngân hàng là không muốn sáp nhập, mà nếu muốn sáp nhập thì ai cũng giành quyền quản lý. Cho nên sáp nhập là không tránh khỏi, song rõ ràng các cuộc đàm phán nội bộ sắp tới đây sẽ rất căng thẳng. Trừ khi ngân hàng đó thực sự lớn mạnh thì các ngân hàng nhỏ phải dựa vào để tồn tại. Còn nếu hai ngân hàng ngang nhau thì đàm phán càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận các ngân hàng yếu kém đã đến lúc cần phải sáp nhập, vì càng nấn ná càng bất lợi.

Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, chia sẻ, M&A ngân hàng tại thời điểm này có hai ý nghĩa: Trước hết là nhằm giảm chi phí, giảm lỗ, duy trì và tăng cường năng lực kinh doanh, khả năng cạnh tranh trong lúc thị trường còn rất khó khăn; Thứ hai, số ngân hàng đang gần như mất thanh khoản, nợ xấu tăng cao so với số ngân hàng đang hoạt động bình thường, nên khó tránh khỏi suy luận việc sáp nhập nhằm làm sạch bảng cân đối tài sản. Việc này, nếu có thì cũng là chính đáng và hợp lý, nhằm tránh tình trạng lỗ, và đảm bảo ổn định tâm lý cho người gửi tiền. “Cái khó nhất là dàn xếp bảo đảm quyền lợi của hai bên. Không mấy khi có việc sáp nhập giữa hai ngân hàng ngang ngửa nhau về mọi mặt, mà thường thì một ngân hàng yếu hơn sáp nhập với ngân hàng mạnh hơn. Vì vậy, ngân hàng kém hơn sẽ có lợi hơn, nhưng ngược lại, ngân hàng tốt hơn lại có thể bị thiệt hơn”, ông Đức nói.

Do đó, xác định phần giá trị cổ phiếu (đối với ngân hàng thương mại cổ phần) như thế nào để cả hai bên thấy chấp nhận được, không bên nào thiệt nhiều mà cũng không bên nào lợi quá. Rồi sau đó là vấn đề công nghệ, nhân sự… Tất cả đang có đầy đủ bộ máy, ai sẽ thôi việc, thôi chức vụ, ai sẽ giữ nguyên vị trí… Trong trường hợp này, ngân hàng không phải là sáp nhập, mà là hợp nhất, nhưng cũng không nằm ngoài tình trạng đó.

Cũng theo ông Đức, nhìn ở góc độ nhà điều hành, có câu hỏi đặt ra, liệu mục đích thực sự của NHNN trong các thương vụ sáp nhập ở đây là gì, chắc chắn không chỉ là việc cộng dồn cơ học để giảm số lượng ngân hàng, nhằm đạt mục tiêu chính sách của nhà quản lý. Khi đã lý giải được hết mọi thắc mắc, việc sáp nhập mới diễn ra trôi chảy được.