Sống nhờ lòng tin

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Ngân hàng làm gì để xóa đi ấn tượng "ăn trên lưng doanh nghiệp"? Làm gì để lấy lại lòng tin nơi cộng đồng doanh nghiệp? Rõ ràng, vẫn còn bộn bề những vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết dứt điểm từ năm cũ, nhưng cũng chính trong năm 2013, ngành Ngân hàng buộc phải tính đến một vấn đề: chỉ số niềm tin vào ngành này đang ở mức thấp đến lo ngại.

Sống nhờ lòng tin
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Một góc nhìn khác

"Chúng ta làm được nhiều việc, nhưng truyền thông lại làm chưa tốt. Làm thế nào để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng về ngân hàng?", tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần trăn trở. Không có lửa làm sao có khói. Tại sao người dân chưa hiểu đúng về ngân hàng? Vì thông tin được công bố - tuy đã được "cởi mở" hơn trước rất nhiều - vẫn chỉ là một phần, không đầy đủ. Mà một nửa của sự thật, vốn không phải là sự thật, huống gì những thông tin được chính thức công bố lại chỉ là… một phần của sự thật. Chính vì thế, những góc nhìn khác nhau cho ta hình ảnh khác nhau về hệ thống ngân hàng.

Đơn cử như con số về nợ xấu. Tháng 9/2012, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố con số tuyệt đối - là một con số cụ thể - của nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, thay vì con số tương đối như trước đây, là 8,6%, tương đương với 202 nghìn tỷ đồng. Nhưng theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại là 11,8%, tương đương với 270 nghìn tỷ đồng. Và con số chốt lại, theo một báo cáo không được công bố, là gần 135 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,86% tổng dư nợ (tính đến cuối tháng 11/2012). Phải chăng, mỗi tổ chức với vai trò khác nhau, mục đích khác nhau có những kết quả thống kê khác nhau?

Một điểm đáng chú ý khác, lần đầu tiên trong hệ thống ngân hàng người ta không chỉ dùng cụm từ "tỷ lệ nợ xấu" mà là "tốc độ tăng" tỷ lệ nợ xấu (thời điểm quý I/2012 tăng đến 8%/tháng; 6 tháng cuối năm tốc độ tăng trung bình 2%/tháng). Con số nợ xấu giảm nhanh vì các ngân hàng thương mại đã phải giảm lợi nhuận, giảm chi phí, kể cả cắt giảm lương thưởng, thậm chí "đuổi khéo" nhân viên… để lấy tiền trích lập dự phòng rủi ro cho xử lý nợ xấu. Sự "hy sinh" này rất ít ngân hàng dám nói thật. Thông tin mà các ngân hàng đưa ra là cắt giảm chi phí vì mục đích giảm lãi suất cho vay!

Hay về vấn đề giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện đợt giảm lãi suất cho vay các khoản cũ về 15%/năm. Đã có rất nhiều ngân hàng công bố "chương trình hành động", Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên cập nhật và công bố số liệu các doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, được giảm lãi suất cho vay… dựa theo báo cáo của các ngân hàng thương mại. Thực tế đúng là có chuyện ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, đã cho khách hàng cơ cấu lại nợ… ấy vậy mà đến cuối năm, ngành Ngân hàng vẫn xác định một trong những vấn đề cần giải quyết trong năm 2013 là tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm vẫn còn cao (!?).

Một con số khác về tương quan giữa tín dụng và huy động cho thấy, tín dụng tăng 8,91%, trong khi huy động tăng đến 21%. Nhìn ở chiều tích cực, điều này phần nào cho thấy niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng. Nhưng nhìn ở góc khác: tỷ lệ tín dụng/huy động vốn của hệ thống ngân hàng tính đến tháng 12/2012 là 99%; tỷ lệ này đã giảm so với mức 110% cùng kỳ năm 2011. Tăng trưởng tín dụng năm 2012, nếu tính cả phần các ngân hàng thương mại mua trái phiếu là 13,91%. Điều đó có nghĩa, các ngân hàng vẫn cho vay nhiều hơn huy động - một yếu tố tiềm ẩn rủi ro cao, khiến các ngân hàng dễ rơi vào trạng thái mất thanh khoản. Vì thế, đây cũng chính là khởi nguồn của những cuộc đua lãi suất khi thị trường có biến động.

Đừng chỉ nói, hãy hành động

"Dân bây giờ sống bằng tin đồn nhiều quá", Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần lớn - người được cho là một thống lĩnh có "máu mặt" đã nói như vậy, trong buổi tổng kết hoạt động của ngành Ngân hàng năm 2012 mới đây. Tin đồn mà ông nói đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của ngành Ngân hàng suốt một năm qua. Vấn đề này cũng được nhắc tới nhiều tại hội nghị tổng kết ngành Ngân hàng, thậm chí nó còn được coi là một trong những vấn đề nóng của ngành. Vậy làm thế nào để lấy lại niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt đối với những ngân hàng đã và sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán. Câu trả lời là: phải chuyển lời nói thành hành động.

Thứ nhất, nợ xấu dù ở mức nào, con số thực tế đến đâu thì rõ ràng đã, đang là vấn đề nóng nhất của ngành Ngân hàng. Nếu còn chần chừ trong vấn đề xử lý nợ xấu thì không chỉ hệ thống ngân hàng mà toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song song với đó, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cần quyết liệt hơn để hệ thống ngân hàng thương mại thực sự khỏe mạnh, tạo niềm tin và thu hút đầu tư.

Thứ hai, mục tiêu hàng đầu trong năm 2013 của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước vẫn là kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn, nhưng lại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012. Việc không có con số cụ thể có thể nói đã thể hiện thiếu niềm tin. Việc này xuất phát từ chỗ chính các ngân hàng thương mại cũng chưa tin tưởng vào sự điều hành lãi suất thị trường của ngân hàng Trung ương và chưa thực sự muốn chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Làm thế nào để ngân hàng - doanh nghiệp tin tưởng và chia sẻ với nhau? Câu hỏi này chỉ những người trong cuộc mới trả lời được.

Thứ ba, về cơ chế, chính sách. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước không kiểm soát tỷ trọng cho vay của các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực không khuyến khích. Điều này sẽ tạo điều kiện cho chứng khoán, bất động sản hồi phục. Thế nhưng, liệu việc bơm vốn không kiểm soát có lại tạo thành những "bong bóng" trên thị trường? Ngân hàng Nhà nước không nên để "mất bò mới lo làm chuồng" như những năm trước. Lúc đó không chỉ "nước xa không cứu được lửa gần" mà còn làm mất uy tín của Ngân hàng Nhà nước khi không nhất quán trong điều hành chính sách.

"Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm tạo lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân" là một trong 7 mục tiêu, giải pháp điều hành của ngành Ngân hàng năm 2013. Hy vọng ngành Ngân hàng sẽ biến quyết tâm thành hành động, để năm mới sẽ có thêm những luồng gió lành không chỉ cho ngân hàng mà cho cả cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.