“Sứ mệnh” của doanh nghiệp trong đổi mới mô hình tăng trưởng

ThS. Hà Tiến Thăng

(Tài chính) Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Hai yếu tố quan trọng giúp Chính phủ thực hiện cam kết đổi mới mô hình tăng trưởng, đó là xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng theo hướng áp đặt kỷ luật thị trường đối với tất cả các khu vực kinh tế và tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước.

Doanh nghiệp ở đâu trong mô hình tăng trưởng mới?. Nguồn: internet.
Doanh nghiệp ở đâu trong mô hình tăng trưởng mới?. Nguồn: internet.

Co kéo vai trò “dẫn dắt” DNNN

Xu thế hiện nay cho thấy, mỗi quốc gia cần xác định hướng phát triển trong dài hạn, từ đó có sự lựa chọn thứ tự ưu tiên các mục tiêu phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường của mỗi nước trong từng giai đoạn nhất định. Đổi mới mô hình tăng trưởng đòi hỏi có sự hội tụ của 3 trụ cột quan trọng liên quan đến chính sách phát triển doanh nghiệp. Tái cơ cấu kinh tế chính là 1 trong 3 trụ cột đó. Tuy nhiên, kết quả của tiến trình tái cơ cấu kinh tế lại phụ thuộc nhiều vào chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN ngoài nhà nước và DN FDI. Chính sự tinh tế trong chiến lược kinh doanh của DN sẽ tạo ra năng suất và hiệu quả kinh doanh!

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, trong chiến lược kinh doanh của các DN hiện chủ yếu dựa vào thị trường, do đó, chính sách cần tiến gần hơn nữa tới “hơi thở” kinh doanh của DN. Các chính sách phải giúp DN nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cấu trúc; các DNNN và các DN ngoài nhà nước cũng như các DN FDI cần phải tạo điều kiện để cạnh tranh bình đẳng với nhau. DNNN ngoài đảm bảo kinh doanh hiệu quả còn phải đóng vai trò “dẫn dắt”.

Đồng thời, DNNN chỉ nên có mặt ở những lĩnh vực quan trọng có vai trò quyết định và làm cơ sở cho sự phát triển các ngành kinh tế khác. Đó là những ngành kinh tế đòi hỏi một khoản đầu tư lớn và lâu dài, cần có “lực kéo” của nhà nước thông qua các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước.

Ngược lại, ở các ngành kinh tế, nơi mà DN tư nhân đã đủ lớn mạnh để có thể đảm đương được trách nhiệm phát triển ngành thì vai trò của DNNN, nhất là của các tập đoàn kinh tế nhà nước là không cần thiết. Đây chính là những thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự thay đổi về chất. Mặt khác, trước nhu cầu phhát triển buộc các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải thay đổi căn bản về tư duy quản lý DN!

Nhận diện lợi thế cạnh tranh

Báo cáo thường niên doanh nghiệp DN Việt Nam 2013 nhận định: Việc sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa đã giúp cho hoạt động của DNNN cải thiện đáng kể: Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu có xu hướng tăng so với thời điểm trước sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa. Trong đó, phần lớn DNNN kinh doanh có lãi, góp phần ổn định và chủ động nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, hành trình tái cấu trúc DN sẽ không dừng ở việc xác định hình thức huy động vốn và nguồn lực, quan trọng hơn đó là xác định chiến lược kinh doanh của DN trên cơ sở những ưu tiên phát triển nhà nước.

Theo đó, cần xây dựng một lộ trình kiên quyết nhằm thu hẹp khu vực DNNN về cả số lượng lẫn tỷ trọng thông qua bán toàn bộ cổ phần hóa triệt để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực công ích. Chính phủ chỉ nên sử dụng các DNNN với vai trò là công cụ khắc phục những thất bại của thị trường, tránh sử dụng chúng như những công cụ điều tiết nền kinh tế.

Theo đó, tái cấu trúc DN nói chung và DNNN nói riêng đều phải đặt trọng tâm vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị: từ chỗ khai thác nguyên liệu thô cho đến khâu phân phối. Trong mỗi công đoạn, DN sẽ phải xác định được những nhà cung cấp tương lai có khả năng cạnh tranh với mình và khách hàng tương lai có thể mua sản phẩm/dịch vụ. Sự khác biệt của sản phẩm/dịch vụ sẽ giúp DN định vị được lợi thế cạnh tranh. Như vậy, mối quan hệ giữa DNNN và đối tác từ khu vực tư nhân là mối quan hệ cùng có lợi và dựa trên giá trị được xác định bởi thị trường.

Kinh nghiệm cho thấy cạnh tranh là yếu tố then chốt, Báo cáo thường niên DN 2013 cho rằng DN cần quan tâm và thường xuyên cập nhật các chính sách của Chính phủ để tận dụng sự hỗ trợ; chủ động rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là cần tăng cường liên kết trong kinh doanh, nhất là các DN có cùng ngành nghề, nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường.