Sức cạnh tranh được nâng cao khi doanh nghiệp đoàn kết

Theo Đại biểu Nhân dân

Những ngày qua, dư luận xôn xao chuyện hãng cà phê nổi tiếng thế giới Starbuck sắp thâm nhập và mở chuỗi cửa hàng tại Việt Nam. Một lần nữa, các doanh nghiệp nước ta lại đứng trước thách thức tồn tại hay không tồn tại.

Sức cạnh tranh được nâng cao khi doanh nghiệp đoàn kết
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ao làng là khái niệm mà những năm gần đây thường được sử dụng để chỉ cách thức tư duy, làm việc manh mún, bảo thủ. Starbucks là thương hiệu cà phê mang tính toàn cầu. Đương nhiên, có thể coi ao làng và Starbuck là hai khái niệm đối lập nhau, mâu thuẫn với nhau, đặc biệt trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Hơn một tháng nay, dư luận xôn xao trước thông tin hãng cà phê danh tiếng Starbucks sẽ tham gia thị trường nước ta. Chưa biết chất lượng, phong cách và giá cả của Starbucks sẽ như thế nào, nhưng việc một hãng tên tuổi lâu nay mới chỉ nghe qua báo chí, giờ xuất hiện trước mắt, cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp cà phê có mô hình kinh doanh cà phê bán lẻ, đây sẽ là một thách thức lớn. Tồn tại hay không tồn tại sẽ là bài toán đặt ra với các doanh nghiệp. Thế nhưng, cho tới thời điểm này mới chỉ có công ty cà phê Trung Nguyên lên tiếng. Và thực tế, cũng mới chỉ có hai thương hiệu Trung Nguyên và Highland coffee có mô hình chuỗi cửa hàng cà phê trên toàn quốc, còn các thương hiệu các chỉ tập trung vào các sản phẩm như cà phê hạt, cà phê bột, cà phê hòa tan… Do vậy, có thể coi Trung Nguyên và Highland coffee là hai đối thủ trực diện của Starbucks. Và điều mà dư luận trông đợi các doanh nghiệp Việt Nam trong lúc này là sự hợp tác chặt chẽ để có thể cùng nhau đón tiếp doanh nghiệp ngoại. Đón tiếp trên tinh thần nếu có thể thì hợp tác cùng phát triển, không thì cạnh tranh một cách lành mạnh.

Thế nhưng, trong lúc ông Đặng Lê Nguyên Vũ có những phát biểu khá quyết liệt về sự tham gia của doanh nghiệp này ở thị trường nội địa với quan điểm sẵn sàng cạnh tranh, không e ngại, thì lại xuất hiện ở trên trang điện tử cafebiz một bài viết khẳng định Highland coffee mới là đối thủ đích thực của Starbucks. Chưa biết thông tin đó là đúng hay sai, nhưng việc doanh nghiệp trong nước nói xấu nhau đã cho thấy tư duy ao làng hạn hẹp của một bộ phận doanh nghiệp. Rõ ràng các doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta không phải để cạnh tranh chỉ với một doanh nghiệp Việt (vốn có quy mô vừa, nhỏ, thậm chí rất nhỏ), mà là cạnh tranh với cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường có 87 triệu dân, đa phần là dân số trẻ. Do đó, nếu không có sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp, mà chỉ có sự chống đối và bêu xấu lẫn nhau, thì doanh nghiệp Việt sẽ dễ dàng bại trận, như một bó đũa đã bị tách ra từng chiếc.

Quá trình phát triển kinh tế của nước ta 20 năm qua đã cho thấy một thực tế: do doanh nghiệp Việt đơn thương độc mã, thiếu kinh nghiệm thương trường cũng như không có được bạn đồng hành, nên sau các chiêu bài liên doanh, hợp tác…đã mất đi thương hiệu, thị phần mà không có cách nào lấy lại được nữa. Hội nhập kinh tế quốc tế buộc doanh nghiệp nước ta phải bước vào một sân chơi rộng. Ở đó không có sự nâng đỡ của Nhà nước như thời bao cấp, mà chỉ có nỗ lực tự thân của từng đơn vị, cũng như sự liên minh, liên kết của các doanh nghiệp để tạo sức mạnh cộng đồng. Doanh nghiệp Việt Nam vốn nhỏ, lực yếu nên càng phải dựa vào nhau để cùng tiến.

Trở lại câu chuyện ao làng và Starbucks, nếu không sớm hợp tác với nhau, chẳng mấy chốc thị phần của các doanh nghiệp cà phê trong nước sẽ bị thu hẹp, Trung Nguyên hay Highland coffee cũng sẽ thiệt như nhau cả. Cảnh tranh mua, tranh bán đến mức cùng bị doanh nghiệp nước ngoài ép giá của chính các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê mấy năm qua là ví dụ nhãn tiền. Châm ngôn buôn có bạn, bán có phường vẫn giữ nguyên giá trị.