Tác động của một số khoản nộp ngân sách tới khả năng tích tụ vốn của doanh nghiệp

ThS. Lê Duy Bình

Thuế và các khoản nộp ngân sách đóng vai trò nhất định đối với khả năng sinh lời của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành chế biến, chế tạo. Trong ngành chế biến, chế tạo doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, mức thuế và các khoản phải nộp ngân sách luôn gấp 2-3 lần so với mức lợi nhuận trước thuế. Tại các doanh nghiệp siêu nhỏ, tỷ lệ này thậm chí có những năm lên tới 4-4,5 lần. Trên cơ sở so sánh về lợi nhuận trước thuế với mức thuế và các khoản mà doanh nghiệp phải nộp ngân sách, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm khoan sức các doanh nghiệp này trong bối cảnh hội nhập.

Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được duy trì là nhờ một phần quan trọng của sự tích tụ và tăng trưởng đều đặn của nguồn vốn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp. Nguồn: Internet.
Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được duy trì là nhờ một phần quan trọng của sự tích tụ và tăng trưởng đều đặn của nguồn vốn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp. Nguồn: Internet.

Tác động của một số khoản nộp ngân sách tới tích tụ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì được tốc độ tăng trưởng đều đặn ở mức 7-12% trong suốt thập niên vừa qua. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2016, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng đạt 11,9%.

Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được duy trì là nhờ một phần quan trọng của sự tích tụ và tăng trưởng đều đặn của nguồn vốn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp (DN). Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các DN trong ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh chóng từ 333.5 nghìn tỷ vào năm 2005 lên 770.3 nghìn tỷ vào năm 2010 và 1.222,5 nghìn tỷ vào năm 2014.

Sự tăng trưởng của tổng vốn chủ sở hữu là cơ sở vững chắc cho các DN trong ngành chế biến, chế tạo tăng tổng nguồn vốn và hình thành tổng tài sản của Ngành. Nếu như năm 2005, tổng nguồn vốn bình quân trong Ngành là khoảng 860,216 nghìn tỷ đồng thì con số này đã tăng 3,58 lần chỉ sau 10 năm, đạt mức 3.082,18 nghìn tỷ đồng trong năm 2014. 

Một trong những kênh quan trọng để các DN có thể tích tụ vốn chủ sở hữu là lợi nhuận để lại. Lợi nhuận để lại là thu nhập sau thuế còn nằm trong cơ cấu tài chính DN. Khoản tài chính này được công ty tích tụ từ năm này sang năm khác thành một giá trị lớn hoặc rất lớn.

Tác động của một số khoản nộp ngân sách tới khả năng tích tụ vốn của doanh nghiệp - Ảnh 1

Tuy nhiên thực tế cho thấy, dư địa cho việc sử dụng lợi nhuận để lại cho việc tăng vốn chủ sở hữu tại các DN trong ngành chế biến, chế tạo có thể được mở rộng hơn nếu gỡ bỏ được một số hạn chế như: (i) Số lượng các các DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang làm ăn thua lỗ là khá lớn. Khoảng trên 1/3 số DN trong ngành chế biến, chế tạo thua lỗ trong nhiều năm.

Theo “Báo cáo Thường niên DN Việt Nam năm 2015” do VCCI thực hiện năm 2016, tỷ lệ DN ngành chế biến, chế tạo bị thua lỗ trong giai đoạn 2007-2014 dao động trong khoảng từ 21%-45,4%. Thua lỗ đã làm xói mòn vốn chủ sở hữu của các DN, từ đó làm giảm vốn của DN qua các năm.

Bên cạnh đó, các DN thua lỗ lũy kế lâu dài sẽ buộc phải ngừng kinh doanh và rút lui khỏi thị trường, làm giảm trực tiếp tổng nguồn vốn được tích tụ trong ngành chế biến, chế tạo và trong toàn khu vực DN; (ii) Khả năng sinh lời của các DN trong ngành chế biến, chế tạo còn khá thấp. Tỷ lệ lợi nhuận thấp đã hạn chế năng lực giữ lại lợi nhuận của các DN nhằm hỗ trợ cho quá trình tích tụ vốn.

Hình 2 cho thấy, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên tổng vốn chủ sở hữu và tổng tài sản có của các DN trong ngành chế biến, chế tạo. Thua lỗ hay tỷ lệ sinh lời thấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân là chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh như lãi suất, chi phí kinh doanh cao. 

Theo Hình 3, tốc độ tăng của các khoản nộp thuế và ngân sách của các DN nhỏ luôn cao hơn tốc độ tăng của lợi nhuận trước thuế của các DN này. Cụ thể trong giai đoạn 2005-2014, DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn duy trì mức tổng lợi nhuận ở mức âm.

Tuy nhiên, khu vực DN này vẫn duy trì một số khoản phải nộp ngân sách ở mức dương, thậm chí khá cao so với năng lực sinh lời của họ. Mức thuế và các khoản phải nộp ngân sách của các DN có biến động nhưng thể hiện xu hướng tăng qua các năm, từ mức 781 tỷ đồng vào năm 2006 lên 1.847 tỷ đồng vào năm 2009 và giảm xuống 1.487 tỷ đồng vào năm 2014.

Trong khi đó, mức lợi nhuận của các DN, nhất là các DN siêu nhỏ gần như không được cải thiện trong suốt giai đoạn này, với mức lợi nhuận âm 196 tỷ đồng vào năm 2006, âm  2,976 tỷ đồng vào năm 2009 và âm 1,682 tỷ đồng vào năm 2014. Trái ngược với tỷ lệ lợi nhuận trước thuế ngày càng sụt giảm và ở mức đáng lo ngại, mức thuế và các khoản nộp ngân sách của các DN siêu nhỏ trong ngành chế biến, chế tạo vẫn giữ một xu thế tăng ổn định qua các năm.

Xu thế trên cũng biểu hiện đối với cả các doanh nghiệp vừa, dù mức độ thấp hơn. Tuy nhiên, nó lại không xuất hiện đối với các DN lớn. Tại các DN lớn trong ngành chế biến, chế tạo, mức lợi nhuận trước thuế luôn bám sát mức thuế và ngân sách phải nộp.

  Tác động của một số khoản nộp ngân sách tới khả năng tích tụ vốn của doanh nghiệp - Ảnh 2

Cá biệt có một số năm, tổng mức lợi nhuận trước thuế của các DN lớn còn cao hơn mức thuế và ngân sách mà các DN này đã nộp. Ví dụ như năm 2013 tổng lợi nhuận của các DN lớn là 159.078 tỷ đồng và mức thuế và các khoản nộp ngân sách ở mức thấp hơn là 146.674 tỷ đồng.

Như vậy có thể khẳng định rằng, thuế và các khoản phải nộp ngân sách cũng là một yếu tố tác động vô cùng lớn đối với khả năng tạo lợi nhuận của các DN ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt là các DN siêu nhỏ. Bởi đối với các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, mức thuế và các khoản phải nộp ngân sách luôn gấp 2-3 lần so với mức lợi nhuận trước thuế.

Tại các DN siêu nhỏ, tỷ lệ này thậm chí có những năm lên tới 4-4,5 lần. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tồn tại, khả năng tích tụ vốn và tăng trưởng của các DN này. Các số liệu như trên cũng thể hiện một yêu cầu cấp bách về các chính sách khoan sức DN, các hoạt động hỗ trợ các DN siêu nhỏ và nhỏ để họ có thể nâng cao hiệu quả tài chính, tạo tiền đề để các DN này lớn dần thành với quy mô lớn hơn.

Nâng cao năng lực tích tụ vốn chủ sở hữu cho doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo

Tình hình trên đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc xây dựng và ban hành các chính sách khoan sức DN, các hoạt động hỗ trợ các DN siêu nhỏ và nhỏ để họ có thể nâng cao hiệu quả tài chính, tạo tiền đề để các DN nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cho mục tiêu Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp – hiện đại trong tương lai gần.

Để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, sự tích tụ và tăng trưởng đều đặn của nguồn vốn vốn chủ sở hữu của các DN trong Ngành này cần đặc biệt được khuyến khích.

Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có thể thực hiện các chính sách cắt, giảm và gia hạn thời gian nộp hàng loạt các sắc thuế, khoản thu ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhất là đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ. Các chính sách thuế cũng cần được nghiên cứu điều chỉnh nhằm khuyến khích DN tích tụ vốn, đầu tư cho phát triển.

 

Tác động của một số khoản nộp ngân sách tới khả năng tích tụ vốn của doanh nghiệp - Ảnh 3

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch rà soát, loại bỏ và ngăn chặn các loại phí, lệ phí sai quy định. Rà soát, điều chỉnh giảm nhẹ gánh nặng thuế, phí, chi phí đầu vào cũng như chi phí hành chính về thực hiện thủ tục thuế, hải quan của các DN. Đối với các DN trong ngành chế biến, chế tạo, tiền thuê đất cũng là một trong những khoản phải nộp rất lớn cho NSNN, do vậy, cần có các biện pháp hỗ trợ một cách có trọng tâm đối với các DN về mặt bằng sản xuất thông qua các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.

Các DN trong ngành chế biến, chế tạo cũng cần được tạo điều kiện tích tụ vốn thông qua giảm nghĩa vụ thuế thu nhập DN qua các hình thức như tiếp tục giảm thuế suất thuế thu nhập DN phổ thông và thuế thuế suất thuế thu nhập DN ưu đãi. Việc giảm thuế suất thuế thu nhập DN sẽ giảm bớt khó khăn về vốn, gia tăng lợi nhuận được để lại, thúc đẩy hoạt động tái đầu tư của DN, thúc đẩy tăng trưởng của DN và của toàn Ngành.

Đối với các DN mới thành lập trong ngành chế biến, chế tạo cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về phương diện nghĩa vụ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước; Cần thực hiện chính sách miễn giảm thuế đối với các DN khởi nghiệp nhằm giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí kinh doanh, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2014), “Báo cáo giữa kỳ tình hình thực hiện phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2010-2015”;

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), “Sách trắng về DN nhỏ và vừa Việt Nam 2014”;

3. VCCI (2015), “Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015”, Chủ đề năm: Dịch vụ phát triển kinh doanh, NXB Thông tin và truyền thông, 2015.