Tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm giúp thị trường phát triển bền vững

Nghi Thu

Trong năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tái cấu trúc các doanh nghiệp bảo hiểm theo Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 06/12/2012 về phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm” của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2015, Bộ Tài chính đã kịp thời phối hợp với các doanh nghiệp nhanh chóng bồi thường các sự kiện cấp bách, đột xuất, qua đó góp phần khẳng định vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm. Nguồn: baoviet.com.vn
Năm 2015, Bộ Tài chính đã kịp thời phối hợp với các doanh nghiệp nhanh chóng bồi thường các sự kiện cấp bách, đột xuất, qua đó góp phần khẳng định vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm. Nguồn: baoviet.com.vn

Nhìn lại năm cũ

Trong năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Quyết định số 1826/QĐ-TTg, góp phần đưa thị trường bảo hiểm tiếp tục đạt được những bước phát triển mới, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 68.024 tỷ đồng, tăng 21,43% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn lại năm 2015, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, nâng cao mức độ an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm

Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát và kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: Đảm bảo vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ đã góp và tương ứng với quy mô, phạm vi và địa bàn hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; Duy trì khả năng thanh toán; Thực hiện đầu tư theo nguyên tắc an toàn, thận trọng, thanh khoản và kiểm soát hạn mức đầu tư..

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu 03 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bổ sung vốn điều lệ; 01 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có giải pháp nâng cao biên khả năng thanh toán. Thống kê cho thấy, năm 2015, có 13 doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thành tăng vốn điều lệ, trong đó có 05 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng 1.096 tỷ đồng, 08 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng 1.756 tỷ đồng.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm

Năm 2015, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác tại các mảng thị trường tiềm năng, cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường hiệu quả kinh doanh.

Bộ Tài chính cũng đã chấp thuận đăng ký điều chỉnh Quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm vật chất xe cơ giới của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, đồng thời phê chuẩn 16 sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 46 sản phẩm mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản của 18 sản phẩm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã đôn đốc các doanh nghiệp bảo hiểm nộp báo cáo tài chính có xác nhận kiểm toán phục vụ cho việc phân tích, đánh giá hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát doanh nghiệp...

Ba là, tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp

Thời gian qua, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi, giám sát việc thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tại các doanh nghiệp bảo hiểm theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 09/7/2012 của Chính phủ về chủ trương thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng công ty, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm.

Việc thoái vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tại các doanh nghiệp bảo hiểm cổ phần vẫn đang được tiếp tục triển khai. Đến nay, có 01 Tập đoàn (Tập đoàn Than – Khoáng sản) đã hoàn thành và 01 Tập đoàn (Tập đoàn Điện lực) đang thực hiện việc thoái vốn tại doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định.

Các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại đang xây dựng kế hoạch để giảm vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước theo quy định. Việc thoái vốn được thực hiện theo quy định, không ảnh hưởng đến công tác quản trị doanh nghiệp bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành rà soát và đã đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về tiêu chuẩn người quản trị điều hành. Trong năm 2015, Bộ Tài chính đã chấp thuận 20 đề nghị thay đổi nhân sự của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 10 đề nghị thay đổi nhân sự của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Theo quy định pháp luật, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ, từng bước chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài đã tổ chức được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh và công tác quản trị, điều hành. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về công bố thông tin, đảm bảo đúng, đủ, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp bảo hiểm chưa triển khai thực hiện triệt để các quy trình nghiệp vụ đã xây dựng. Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa thực hiện thường xuyên và còn mang tính hình thức. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp này để có biện pháp chấn chỉnh phù hợp...

Bốn là, mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm bảo hiểm

Trong năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai các sản phẩm bảo hiểm mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, đến nay, Bộ Tài chính đã cấp phép cho 06 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí. Báo cáo kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy, đến hết năm 2015, doanh thu phí ước đạt 278,85 tỷ đồng, chiếm 0,76% tổng doanh thu phí, trong đó doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới năm 2015 ước đạt 199,76 tỷ đồng chiếm 1,6% doanh thu phí khai thác mới.

Bên cạnh đó, đến nay cũng đã có 13/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư với doanh thu phí ước đạt 13.021 tỷ đồng và số lượng hợp đồng có hiệu lực ước đạt 1,65 triệu hợp đồng. Trong năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm mới ước đạt 5.503 tỷ đồng (tăng 44,37% so với cùng kỳ năm 2014), số hợp đồng khai thác mới ước đạt 442.910 hợp đồng.

Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, hiện nay đã có Manulife và Prudential triển khai. Tính đến hết năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 230,59 tỷ đồng, số hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực là 12.201 hợp đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 100,86 tỷ đồng, tổng số hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực là 1.901 hợp đồng.

Tính đến cuối năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm vi mô ước đạt 34 tỷ đồng, số hợp đồng có hiệu lực ước đạt hơn 86.382 hợp đồng. Hiện tại, Bộ Tài chính đang xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai bảo hiểm vi mô thông qua các tổ chức chính trị xã hội.

Đối với bảo hiểm thủy sản, thống kê cho thấy, đến tháng 10/2015, có 26/28 tỉnh, thành phố phát sinh doanh thu phí bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm là 20.319 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 194,7 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm là 9.378 tàu; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm là 83.614 thuyền viên; đã phát sinh một số vụ bồi thường với số tiền là 12,7 tỷ đồng...

Năm là, tiếp tục chỉ đạo tái cấu trúc Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông

Bộ Tài chính cho biết, đến nay, việc tái cấu trúc Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông đã đạt được một số kết quả bước đầu như: tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng theo quy định của pháp luật, công tác tổ chức bộ máy được tăng cường, mạng lưới hoạt động được kiểm soát chặt chẽ hơn, phạm vi khai thác sản phẩm bảo hiểm thu hẹp chỉ tập trung vào 2 nghiệp vụ chính có mức độ rủi ro thấp là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới. Năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm gốc của Công ty tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2014, đạt 1.240 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục làm việc trực tiếp tại Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông để hướng dẫn Công ty xây dựng phương án tái cấu trúc tổng thể, có lộ trình chi tiết, định kỳ hàng quý báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện...

Giải pháp cho năm mới

Trong năm 2016, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tái cấu trúc các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển một cách vững chắc. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, công tác xây dựng chế độ chính sách

Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng; Trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh bảo hiểm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, bao gồm rà soát, đánh giá, hoàn thiện chính sách; bám sát thực tế triển khai. Chủ động rà soát, triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách như: chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm nông nghiệp; nghiên cứu, xây dựng phương án hoàn thiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chính sách bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, và nghiên cứu xây dựng chính sách bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm năng lượng nguyên tử...

Hai là, công tác quản lý, giám sát thị trường

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm góp phần bảo vệ môi trường đầu tư và quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, người tham gia bảo hiểm. Tăng cường hiện đại hóa, đổi mới phương thức, hiệu quả quản lý, giám sát, tập trung các vấn đề tuân thủ pháp luật, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, tăng cường các hình thức trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, theo đó đa dạng hóa hoạt động kiểm tra, gắn chặt với công tác giám sát thường xuyên và tập trung vào những nội dung quan trọng. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm phát triển hoạt động kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật.

Ba là, mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm bảo hiểm

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản... Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, quán triệt việc tuân thủ pháp luật kinh doanh bảo hiểm.

Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm

Giám sát doanh nghiệp bảo hiểm việc tuân thủ pháp luật kinh doanh bảo hiểm và tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo mức độ an toàn vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm phù hợp với quy mô hoạt động, cơ cấu đầu tư và khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo việc tái cấu trúc Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông; theo dõi thường xuyên về tình hình các doanh nghiệp bảo hiểm có biên khả năng thanh toán thấp. Đồng thời, thường xuyên giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thực hiện việc tự đánh giá, xếp loại theo Thông tư số 195/2014/TT-BTC hướng dẫn đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm.

Tính đến nay, trên thị trường bảo hiểm có: 9 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 16 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thuộc nhóm 1; 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thuộc nhóm 2; 01 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thuộc nhóm 3; và Không có doanh nghiệp bảo hiểm nào thuộc nhóm 4. Hiện nay, Bộ Tài chính không xếp loại đốivớiCông ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV-Metlifevà Chi nhánh Công ty bảo hiểm bảo lãnh Seoul tại Hà Nội do 2 đơn vị này mới được thành lậpnăm 2014, chưa đủ thời gian xếp loại theo quy định.