Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước phải bắt đầu từ lãnh đạo cao nhất

Theo VIR

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đang được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi thời gian qua, một số DNNN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, gây hệ lụy xấu cho xã hội. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đang gặp nhiều vướng mắc, khó giải quyết trong một sớm một chiều.

Ông Nguyễn Văn Trực, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho rằng, chỉ những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) yếu kém mới phải tái cấu trúc, còn các doanh nghiệp khác chỉ cần chỉnh đốn, sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả hoạt động theo định hướng của Nhà nước.

“Khi mới thành lập (năm 1997), vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn chỉ là 109 tỷ đồng, đến nay, đã tăng lên 1.500 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận khoảng 20%/năm. Chúng tôi đang quản lý 47 doanh nghiệp, trong đó có 17 doanh nghiệp đầu tư ký kết, 5 công ty con. Chúng tôi chỉ sắp xếp lại, còn những doanh nghiệp thành viên nào không tốt, thì sẽ “cắt bỏ”, chứ không lạm dụng việc tái cấu trúc”, ông Nguyễn Văn Trực nói.

Ông Trực cho biết thêm, việc lạm dụng cụm từ tái cấu trúc đang gây hiểm lầm, bởi vừa qua, không ít thư từ, văn bản gửi cho ông đặt câu hỏi: Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn làm ăn có tốt không mà sao phải tái cấu trúc?

Trong khi đó, một trong những vấn đề quan trọng của tái cấu trúc doanh nghiệp là tinh giản bộ máy, song đối với DNNN, thực hiện việc này không hề đơn giản.

Ông Phạm Phú Quốc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bến Thành nêu ra một câu chuyện cho thấy, không thể làm máy móc khi tinh giản bộ máy ở DNNN. Đó là một số nhà tư vấn nước ngoài chưa hiểu hết về cơ cấu đặc thù của DNNN, nhất là việc bên cạnh các bộ phận kinh doanh còn có vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thanh niên, công đoàn, cựu chiến binh. Trên thực tế hoạt động, DNNN không thể không có những bộ phận này”, ông Phạm Phú Quốc nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, từ kinh nghiệm thực tế tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp trong 2 năm qua, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vissan phân tích về cái khó khi tái cấu trúc những DNNN chỉ có một cổ đông là Nhà nước. Khi đó, nếu vị tổng giám đốc của DNNN này có trách nhiệm, thì doanh nghiệp đó có thể lời 10, nhưng không làm hết mình, chỉ cần lời 1 cũng không có ai trách cứ gì!

Do vậy, ông Mười cho rằng, việc tái cấu trúc phải bắt nguồn từ lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp, tức là, tổng giám đốc hay chủ tịch hội đồng thành viên của DNNN phải quyết tâm làm và xem đây là nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp.

Nếu chỉ nghĩ tái cấu trúc là một nghiệp vụ đưa ra để nhờ một công ty tư vấn làm một số định hướng về chiến lược phát triển, thì mãi mãi không bao giờ thành công”, ông Mười nhấn mạnh.

PGS. Ngô Hướng, Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc tổng giám đốc DNNN hiện nay vừa là chủ vốn, vừa là người điều hành tất cả mọi hoạt động của doanh nghiệp là không ổn.

Ở doanh nghiệp tư nhân, ông chủ tịch hội đồng quản trị là chủ vốn và tổng giám đốc chỉ là người làm thuê, lĩnh lương và làm việc theo hợp đồng. Tôi nghĩ, một ông tổng giám đốc DNNN cũng phải như vậy”, PGS. Ngô Hướng đề nghị.