Tái cấu trúc, EVN kinh doanh 4 ngành nghề chính

Yến Nhi (VnMedia)

Ngày 23/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2012 – 2015, với 4 ngành, nghề kinh doanh chính.

Tái cấu trúc, EVN kinh doanh 4 ngành nghề chính
Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm bảo đảm EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.

Cũng theo Đề án tái cơ cấu mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN có 4 ngành, nghề kinh doanh chính gồm: Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; Xuất nhập khẩu điện năng;

Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây truyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện.

Ngoài ra, EVN cũng được kinh doanh các ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính gồm: Xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư thiết bị ngành điện; Xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị nhà máy điện, thiết bị đường dây và trạm biến áp, thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin; Kinh doanh các dịch vụ công nghệ thông tin (nghiên cứu, phát triển, triển khai, tư vấn và đào tạo) trong và ngoài nước, quản lý hệ thống thông tin nội bộ…
 
Vốn điều lệ của EVN (sau khi đánh giá lại tài sản) là 143.404 tỷ đồng.

Theo lộ trình đến hết năm 2015, EVN hoàn thành việc thoái vốn tại: Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình; Công ty cổ phần chứng khoán An Bình; Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu; Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina; Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam.