Tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp xây dựng: Chuyển biến tích cực

Theo baoxaydung.com.vn

Đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa; chủ động khắc phục khó khăn, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để từng bước ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm và bảo đảm thu nhập cho người lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chú trọng 4 giải pháp

Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp hữu hiệu để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp đồng thời đảm bảo tính hiệu quả của việc kiểm tra, giám sát tình hình tài chính, đầu tư của doanh nghiệp, tránh thất thoát vốn nhà nước đầu tư vào SXKD.

Trong năm 2015 vừa qua, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, đổi mới cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn, khuyến khích đầu tư, nhất là đối với những doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát doanh nghiệp về tài chính, đầu tư. Tiếp tục rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai, các dự án đã giao cho chủ đầu tư nhưng chưa triển khai và tiến hành phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu thị trường; kiên quyết cho dừng, tạm dừng và thu hồi dự án theo đúng những tiêu chí và quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp để hình thành các tổ hợp có đủ sức mạnh về tài chính, về nắm bắt làm chủ công nghệ tiên tiến, về quản lý SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh, SXKD có hiệu quả, giải quyết được nợ xấu, cải tiến công tác kinh doanh, tiếp thị và quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước. Chỉ đạo, xem xét, phối hợp với các Tổng Công ty để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD.

Nhiều Công ty con đạt hiệu quả cao

Số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng cho thấy, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành Xây dựng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhiều dự án, công trình triển khai thuận lợi nhờ chính sách lãi suất ngân hàng điều chỉnh giảm, giá vật liệu xây dựng ổn định cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu, chủ động khắc phục khó khăn, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để từng bước ổn định và phát triển SXKD, giải quyết việc làm và bảo đảm thu nhập cho người lao động. Nhiều dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội được các doanh nghiệp triển khai, xác định là giải pháp đúng đắn và phù hợp, vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động, vừa góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội.

Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Nhiều dự án quy mô lớn được khởi công, nhiều dự án đang tạm dừng được khởi động trở lại, nhiều dự án, công trình được hoàn thành cùng với hoạt động xây dựng nhà ở trong dân tăng khá cao đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành.

Năm 2015, lợi nhuận trước thuế của các Công ty mẹ đạt 636,22 tỷ đồng, bằng 82,5% so với năm 2014, lợi nhuận hợp nhất đạt 5.037,3 tỷ đồng, bằng 157% so với năm 2014, cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh của các Công ty con đạt hiệu quả cao. Thực hiện nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước là 1.398,8 tỷ đồng, hợp nhất là 5.678,6 tỷ đồng.

Nghiêm túc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp

Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa 14 Tổng Công ty là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 14 Công ty con cổ phần hóa cùng Công ty mẹ và 2 Công ty con cổ phần hóa độc lập.

Kết thúc năm 2015, 10/14 Công ty mẹ - Tổng Công ty trực thuộc hoàn thành cổ phần hóa, 3 Tổng Công ty còn lại (Sông Đà, HUD và IDICO), dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV/2016. Riêng VICEM do đang thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu một số nhà máy xi măng nên dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2016 và chính thức chuyển sang Công ty cổ phần vào quý I/2017.

Bộ Xây dựng đã thực hiện phê duyệt điều chỉnh Đề án tái cơ cấu của 5 Tổng Công ty (CC1, FICO, HUD, Xây dựng Hà Nội, LICOGI), trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Đề án tái cơ cấu của VICEM), chấp thuận điều chỉnh Đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP, quyết định điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ trong phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty LICOGI.

Trong năm 2015, các doanh nghiệp ngành xây dựng đã thoái vốn 34 danh mục với giá trị đầu tư 674,90 tỷ đồng, thu về 701,71 tỷ đồng. Lũy kế kết quả thực hiện đến hết năm 2015, các doanh nghiệp thực hiện thoái vốn thành công 77/170 danh mục - đạt 45% kế hoạch, với giá trị vốn nhà nước là 1.820,92 tỷ đồng - đạt 35% kế hoạch, giá trị thực tế thu về 1.989,65 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch. Tính đến hết 2015, các Công ty mẹ - Tổng Công ty trực thuộc Bộ đã cơ bản thoái hết các danh mục đầu tư ngoài ngành, ngoài lĩnh vực SXKD chính.

Đến nay, hầu hết các Tổng Công ty đã hoàn thành tái cơ cấu bộ máy tổ chức Công ty mẹ theo Đề án được duyệt, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành, hoàn thành 100% việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động, xây dựng và ban hành Quy chế tài chính, quy chế quản lý nợ, Quy chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của viên chức quản lý, Quy chế kiểm soát viên, Quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền...

Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp vẫn còn nhiều, chưa được giải quyết. Mặc dù lãi suất vay vốn tín dụng gần đây đã được điều chỉnh giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng do không đủ điều kiện pháp lý để vay vốn. Tái cơ cấu doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, do khó khăn về cơ chế, chính sách, về giải quyết đất đai, tài sản, tài chính, nhân sự, thị trường.