Tái cơ cấu doanh nghiệp: Dù khó vẫn phải quyết liệt triển khai

Theo ven.vn

(Tài chính) Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Hội nghị về công tác tái cơ cấu và thực hiện Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp trực thuộc Bộ.

Tái cơ cấu doanh nghiệp: Dù khó vẫn phải quyết liệt triển khai
Petrolimex là tập đoàn kinh tế đầu tiên thuộc Bộ Công Thương quản lý đã cổ phần hóa. Nguồn: internet
Nhiều vướng mắc
Theo Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, sau một năm thực hiện Quyết định số 292/QĐ-TTg và các quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ, tất cả các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước đều đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc bộ có xu hướng chậm lại và đang gặp rất nhiều vướng mắc.
Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chia sẻ: Do thị trường chứng khoán ảm đạm, khủng hoảng kinh tế trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng… cùng với nguyên tắc bảo toàn vốn tối đa, việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đang khó khăn, thua lỗ là vấn đề khó khăn nhất hiện nay.
Với PVN, tập đoàn đang vướng vấn đề vốn cho đầu tư phát triển. Trước kia, ngoài lợi nhuận của doanh nghiệp, Chính phủ để lại 50% lợi nhuận từ việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, thì hiện nay toàn bộ nguồn tiền này sau khi hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách, giải quyết chính sách với người lao động… được chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo Nghị định 71/2013/NĐ-CP. Theo đó, PVN rất khó để sắp xếp được khoản 55.000-60.000 tỷ đồng cho nhu cầu đầu tư mỗi năm.
Bộ Công Thương hiện còn quản lý 30 doanh nghiệp gồm: 5 tập đoàn kinh tế 100% vốn nhà nước, 1 tập đoàn cổ phần, 5 tổng công ty 100% vốn nhà nước, 5 công ty 100% vốn nhà nước, 5 tổng công ty cổ phần và 9 công ty cổ phần.

Là công ty đã cổ phần hóa, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lại gặp khó khăn với hệ thống văn bản chính sách. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu phản ánh: Hệ thống văn bản của chúng ta không phân biệt một cách rạch ròi giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và công ty cổ phần, do đó với doanh nghiệp cổ phần rất khó tổ chức thực hiện.

Cho đến nay, đã hơn 2 năm cổ phần hóa tập đoàn, cổ tức của các cổ đông chưa chia được mặc dù lợi nhuận đảm bảo. Cùng với đó, một số văn bản hướng dẫn hiện hành chưa phù hợp như: Quy định việc thoái vốn đầu tư của các công ty nhà nước không được thấp hơn giá trị sổ sách, hoặc đối với công ty cổ phần chưa niêm yết, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị tính theo mệnh giá trên 10 tỷ đồng phải thực hiện đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán…đã gây tâm lý lo ngại, chần chừ, sợ thất thoát vốn nhà nước…, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình thoái vốn của doanh nghiệp.
Quyết liệt triển khai
Trước phản ánh của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Tái cơ cấu là chủ trương lớn có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của đất nước, cho dù có khó khăn chúng ta vẫn phải quyết liệt triển khai. Theo đó, căn cứ Nghị định 99/2012/NĐ-CP, đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, các doanh nghiệp tiếp tục rà soát các ngành nghề kinh doanh và kiên quyết thực hiện các nội dung đã được phê duyệt theo đúng tiến độ, cần đặc biệt chú trọng thoái vốn ngoài ngành, kiên quyết thực hiện cổ phần hóa theo đúng kế hoạch.
Chủ động ban hành quy chế quản lý doanh nghiệp như: Quy chế về tài chính, phân công phân nhiệm giữa các hội đồng thành viên, quy chế nội bộ. Tiếp tục kiện toàn bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp, tránh tình trạng cồng kềnh về tổ chức, tăng chi phí, giảm hiệu quả. Cần rà soát chấn chỉnh các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, thậm chí là cho phá sản. Công khai, minh bạch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư, tổ chức cán bộ, lao động, tiền lương.…
Bộ trưởng cũng cho biết, để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đề nghị với Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thoái vốn nhà nước giai đoạn 2013-2015 và các văn bản hướng dẫn kèm theo để làm cơ sở pháp lý trong việc thoái vốn, giảm vốn khi thực hiện đề án tái cơ cấu, nhất là việc thoái vốn, giảm vốn trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản.

Trong trường hợp các doanh nghiệp thoái vốn, bán cổ phần dưới mệnh giá thì các tập đoàn, tổng công ty được quyền chuyển qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Như vậy sẽ mở ra hướng đi mới cho các doanh nghiệp trong vấn đề thoái vốn.
Liên quan đến Nghị định 71/2013/NĐ-CP, Bộ cũng đã kiến nghị với Chính phủ sớm tiến hành sơ kết để lắng nghe khúc mắc của doanh nghiệp và có hướng tháo gỡ. Bộ Công Thương sẽ cố gắng phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết các vấn đề về quy chế tài chính cho doanh nghiệp…