Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Một năm nhìn lại

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện “Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 nhóm giải pháp trọng tâm là: hoàn thiện cơ chế, chính sách; sắp xếp, cổ phần hóa DNNN và tái cơ cấu DNNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những kết quả đạt được không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện cơ chế chính sách đối với công tác quản lý vốn Nhà nước tại DN mà còn điều chỉnh cơ cấu DNNN phù hợp với yêu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Điều đó đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN sau khi được sắp xếp, cổ phần hóa.

Hoàn thiện cơ chế chính sách

Trong thời gian qua, các bộ, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình tái cơ cấu DNNN. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DNNN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013), về quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước (Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013); về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013); sửa đổi, bổ sung quy định về công tác cổ phần hoá DN nhà nước (Nghị định 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN (Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012), trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH M thành viên) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Quyết định 35/2013/QĐ-TTg ngày 07/6/2013); dự thảo trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định Điều lệ mẫu của Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2009/NĐ-CP về Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH M thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (Nghị định 50/2013/NĐ-CP ngày 17/5/2013), Nghị định quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty TNHH M thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (Nghị định 51/2013/NĐ-CP ngày 17/5/2013); Các bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng...) đã tích cực chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty xây dựng để trình Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam...

Về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, theo số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, đến nay cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.376 DN, trong đó (i) Cổ phần hóa: 3.659 DN; (ii) Chuyển thành Công ty TNHH 1 thành viên: 1.033 DN; (iii) Giao DN: 222 DN; (iv) Bán DN: 158 DN; (v) Giải thể: 313 DN; (vi) Phá sản: 92 DN; (vii) Chuyển thành Công ty TNHH 2 thành viên trở lên: 22 DN; (viii) Các hình thức khác (sáp nhập, hợp nhất…): 877 DN.

Đến nay, đã có 83/91 tập đoàn, tổng công ty (không bao gồm 18 tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng) xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có 63 DN đã được phê duyệt Đề án gồm 57 DN thuộc Trung ương, 6 DN thuộc địa phương; vẫn còn 8/91 đơn vị chưa báo cáo việc xây dựng Đề án tái cơ cấu DN.

Sau khi Đề án tái cơ cấu được phê duyệt, các DN đã tích cực triển khai và bước đầu các DN đang triển khai phương án sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý điều hành, đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty đã từng bước xử lý những tồn tại về tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt như tăng vốn điều lệ từ nguồn chênh lệch tăng do thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản; sử dụng các nguồn vốn hợp pháp hiện có để tăng vốn điều lệ; đàm phán với các nhà cung cấp tín dụng để cơ cấu lại các khoản vay; thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, đặc biệt là các khoản đầu tư trong các lĩnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản.

Đối với công tác tái cơ cấu về quản trị, lao động: các tập đoàn, tổng công ty đã triển khai các giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; rà soát việc xây dựng, triển khai thực hiện các quy chế, quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện mục tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con, công ty liên kết theo quy định; triển khai nghiên cứu, bổ sung các chính sách quản trị nhân sự hiện đại phù hợp với tái cơ cấu DN, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay về cơ cấu nguồn nhân lực và công cụ quản lý nguồn nhân lực đảm bảo việc quản lý nguồn nhân lực thống nhất theo định hướng chung toàn tập đoàn, tổng công ty.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN

Trong hơn 1 năm thực hiện Đề  án, các cơ chế, chính sách đối với quản lý vốn Nhà nước tại DN, cơ chế quản lý tài chính đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu quản lý, qua đó đổi mới quan hệ giữa chủ sở hữu Nhà nước với DN theo hướng phân định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của DN; nâng cao tính công khai, minh bạch, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN đối với vốn và tài sản Nhà nước giao.

Công tác sắp xếp, cổ phần hoá DN đã góp phần điều chỉnh cơ cấu DNNN phù hợp với yêu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh và chỉ tập trung nắm giữ  ở một số lĩnh vực then chốt. Bên cạnh đó, góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho DN sau khi cổ phần hoá huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ. Thông qua quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN cũng tạo thêm nguồn thu về Quỹ Sắp xếp cổ phần hoá để tiếp tục đầu tư phát triển các DNNN

Hiệu quả hoạt động của DNNN sau khi sắp xếp, cổ phần hóa từng bước được nâng cao. (Theo báo cáo của 3.576 DN sau khi đã sắp xếp, cổ phần hóa gửi về Bộ Tài chính thì: 85% các DN có doanh thu năm sau cao hơn năm trước khi sắp xếp, cổ phần hóa; gần 90% DN sau khi sắp xếp, cổ phần hóa có lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; 86% DN đóng góp vào NSNN của năm sau cao hơn năm trước khi sắp xếp, cổ phần hóa).

Lao động dôi dư ở các đơn vị sắp xếp, cổ phần hóa tiếp tục được hưởng chính sách trợ cấp; được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề để bố trí việc làm mới tại DN cổ phần hoá hoặc tự thu xếp công việc mới đã góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, cổ phần hoá, duy trì ổn định xã hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện tái cơ cấu DNNN vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, việc thực hiện chế độ báo cáo còn chưa kịp thời để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên việc xây dựng, triển khai Đề án sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý còn chậm trễ. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá còn chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra; Số lượng DN thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá không thuộc diện nhà nước cần chi phối có tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các DN trên 51% vốn điều lệ còn cao, đặc biệt là tại các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Do đó, sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển DN nói riêng và kinh tế xã hội nói chung vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết được nguồn lực hiện có.

Kỳ vọng những bước tiến mới

Để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án, cần tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm như:

Thứ nhất, quán triệt, khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Đảng về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 khóa IX, Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương) và Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến Đề án đặc biệt là đối với các cơ chế chính sách về quản lý DNNN, và các cơ chế chính sách về chuyển đổi, cổ phần hóa DNNN. 

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg.

Thứ tư, thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo tinh thần Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DN bảo hiểm, đồng thời bổ sung các chính sách để thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý DN.

Thứ năm, gắn trách nhiệm của Người đứng đấu với kết quả tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu DN: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Định kỳ hàng quý phải báo cáo tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu của DN cho bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính đồng thời báo cáo Chính phủ các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để xem xét, tháo gỡ kịp thời. Trường hợp chậm trễ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu, không có báo cáo đầy đủ, kịp thời theo thời gian quy định thì được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại quy chế giám sát và phân loại DN của Chính phủ.

Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty. Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt. Giảm và bán toàn bộ vốn Nhà nước ở các DN mà Nhà nước không cần chi phối. Kiện toàn cán bộ lãnh đạo và nâng cao năng lực quản trị DN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu Nhà nước. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế”.

Nhìn lại năm 2013, khi nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn đã dẫn đến việc tái cơ cấu DNNN diễn ra còn khá chậm so với yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu của nền kinh tế trong nước và thế giới đang ấm dần, trước những kết quả khả quan đạt được khi chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang phát huy tác dụng, chúng ta có cơ sở để tin tưởng bước sang năm 2014 Đề án tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam sẽ có bước tiến mới và thu được những kết quả tốt đẹp.