Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhìn từ EVN

Theo baotintuc.vn

(Tài chính) Là một trong số các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tiến hành tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ. Không thể phủ nhận những mặt đã làm được của Tập đoàn này thời gian qua, song, vẫn còn rất nhiều việc đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị, EVN mới có thể tái cơ cấu thành công...

 Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhìn từ EVN
EVN phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào lĩnh vực sản xuất, cung ứng điện. Nguồn: internet

Tái cơ cấu để làm tốt nhiệm vụ chính

EVN hiện có giá trị tài sản vào loại lớn nhất trong số các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay, với tổng giá trị tài sản toàn Tập đoàn tính đến thời điểm 31/12/2012 là 446.038 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 128.786 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 23/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012-2015, EVN có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện.

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN cho biết, sau 9 tháng triển khai thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu theo Quyết định của Thủ tướng, EVN đã đạt được một số kết quả bước đầu, như: Đã hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển của EVN giai đoạn 2012-2015, định hướng tới năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chiến lược phát triển của EVN gắn liền với tái cơ cấu Tập đoàn nhằm tập trung các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong các năm sắp tới. Trong việc xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên, EVN đã tổ chức lại khâu sản xuất điện với kết quả thành lập 3 Tổng Công ty Phát điện 1, 2, 3 hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV.

Theo Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 17/7/2012, việc tái cơ cấu DNNN nhằm thực hiện mục tiêu chính là: DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiện nay ba Tổng Công ty đã hoạt động tương đối ổn định. Các doanh nghiệp thành viên đã xây dựng đề án tái cơ cấu của từng đơn vị phù hợp với nội dung nhiệm vụ tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012-2015.

Tập đoàn đã phê duyệt đề án Tái cơ cấu của 6 đơn vị gồm: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội và Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh.

Giảm độc quyền và nâng cao sức cạnh tranh

Yêu cầu tập trung vào nhiệm vụ chính, điều này cũng đồng nghĩa với việc EVN cũng như các tập đoàn kinh tế khác không được kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Và đương nhiên là sẽ phải thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành mà trước đó EVN đã đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...

Cũng theo ông Phạm Lê Thanh, từ nay tới 2015 các Tổng Công ty phải sắp xếp, ổn định mô hình tổ chức của các đơn vị trực thuộc, thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính để tập trung nguồn lực vào lĩnh vực truyền tải và phân phối điện.

EVN cũng đã xây dựng, đề ra lộ trình để tới năm 2015, hoàn thành thoái vốn đã đầu tư vào các doanh nghiệp, lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Hiện nay, EVN đang tích cực thực hiện việc thoái vốn theo đúng các quy định của Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo toàn vốn. Trong năm 2013, mặc dù thị trường tài chính vẫn khá ảm đạm nhưng EVN đã tích cực tìm kiếm các đối tác để đàm phán thực hiện chuyển nhượng vốn góp tại các công ty cổ phần thuộc diện thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.

Một yêu cầu quan trọng trong Đề án tái cơ cấu chính là EVN phải nâng cao sức cạnh tranh. Điều này cũng đồng nghĩa là sẽ có sự cạnh tranh trên thị trường điện. Và, cùng với vai trò tái cấu trúc lại bản thân EVN, EVN còn giữ vai trò nòng cốt trong quá trình hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Việc thành lập 3 tổng công ty phát điện (các GENCO 1-2-3) chính là cơ sở để giảm độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động điện lực.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, tái cơ cấu EVN cần tính đến việc đồng bộ với tái cơ cấu ngành năng lượng nói chung và tổng thể nền kinh tế, trong đó, ngành điện, với tư cách là một ngành đặc biệt, ngành nền tảng cần phải đi đầu đột phá trong quá trình tái cấu trúc và phát triển thì cũng nên có những đặc thù.

Trước hết là chính sách chính sách giá. Nhà nước nên có sự cân nhắc để có thể tạo ra được “cái nền” về mặt bằng giá cả của các sản phẩm của ngành năng lượng sao cho đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư ngoài nhà nước đầu tư cho phát triển lĩnh vực này trên cơ sở trực tiếp sản xuất và bán cho thị trường với giá mà Nhà nước kiểm soát phù hợp với mức độ chi tiêu và lợi nhuận cần có của doanh nghiệp.

Thứ 2, là bóc tách càng sớm càng tốt những hoạt động quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp độc quyền nhà nước trong lĩnh vực năng lượng để tránh những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh cho các nhà đầu tư ở bên ngoài khi tham gia vào quá trình tái cấu trúc của các tập đoàn năng lượng.