Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Thực trạng và giải pháp

PV.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong ba trụ cột trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2015 đã được Đảng ta xác định, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, quá trình tái cơ cấu đã được thực hiện với nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra việc tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn chậm, cần phải đẩy mạnh thực hiện với tinh thần quyết tâm cao...

Quyết liệt trong năm 2015

Năm 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối trong việc thực hiện Đề án 929 (Ban hành kèm Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012) về tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015. Kết quả triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong 10 tháng đầu năm 2015 (tính đến ngày 10/11/2015) như sau:

Thứ nhất, về sắp xếp, cổ phần hóa:

Từ năm 2011 đến ngày 10/11/2015 cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp (bằng 79,37% tổng số doanh nghiệp phải cổ phần hóa theo kế hoạch 2011 - 2015) và sắp xếp theo các hình thức khác 63 doanh nghiệp (bán 10 doanh nghiệp; sáp nhập, hợp nhất 37 doanh nghiệp; giải thể, phá sản 9 doanh nghiệp; chuyển thành đơn vị sự nghiệp 1 đơn vị; chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên 6 doanh nghiệp).

Riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước đã có 175 doanh nghiệp được sắp xếp. Trong đó, 159 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa; 16 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác gồm: 4 doanh nghiệp thực hiện bán, 5 doanh nghiệp sáp nhập, 2 doanh nghiệp giải thể, 5 doanh nghiệp chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Dự kiến, số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 sẽ là 459 doanh nghiệp, đạt 90% kế hoạch. Riêng 2 năm 2014 và 2015, sẽ có 353 doanh nghiệp được cổ phần hóa theo kế hoạch.

Kết quả thực hiện ở các bộ, ngành địa phương có sự khác biệt tương đối. Trong đó, các đơn vị chỉ đạo triển khai quyết liệt, đạt kết quả cao so với kế hoạch đã được phê duyệt là Thành phố Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hải Phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Ngược lại, một số đơn vị tuy triển khai tích cực nhưng đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả là Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nam Định, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Thứ hai, về thoái vốn Nhà nước:

Lũy kế từ năm 2012 đến 28/10/2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 8.704 tỷ đồng (trên tổng số 23.325 tỷ đồng phải thoái tại 5 lĩnh vực nêu trên, bằng 37% kế hoạch), thu về 9.540 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 7.746 tỷ đồng, thu về 13.330 tỷ đồng.

Tính trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước thoái được 9.152,2 tỷ đồng, thu về 13.767,5 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 4.418,2 tỷ đồng thu về 4.956,3 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 4.734,1 tỷ đồng thu về 8.811,4 tỷ đồng.

Các đơn vị thoái vốn đạt kết quả tốt 10 tháng đầu năm 2015 là Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Thứ ba, về bán đấu giá cổ phần lần đầu:

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết ngày 20/10/2015 có 93 doanh nghiệp cổ phần hóa bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán với tổng số lượng cổ phần chào bán là 836.227.509 cổ phiếu, trị giá 8.367 tỷ đồng. Số cổ phiếu bán được là 318.595.743 cổ phiếu, trị giá 4.683,8 tỷ đồng, đạt 38% tổng số lượng cổ phần chào bán. Trong tổng số 93 doanh nghiệp IPO có 55 doanh nghiệp bán đạt trên 90% tổng số cổ phần chào bán.

Nhìn chung, tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN đã được đẩy nhanh nhưng số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 20% kế hoạch 2011 - 2015. Số vốn các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực: bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái.

Vẫn còn một số tồn tại

Quá trình tái cơ cấu DNNN đã đạt được những kết quả khả quan ban đầu và đang có chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, những kết quả trên chưa chuyển biến về chất trong cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản lý tài chính, cũng như chất lượng lao động, cán bộ, năng suất, hiệu quả hoạt động của DNNN. Kết quả tái cơ cấu DNNN chưa đạt được kết quả như mong muốn có nguyên nhân đến từ các yếu tố khác quan và chủ quan trong quá trình thực hiện. Cụ thể:

Một là, nguyên nhân chủ quan: Một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt. Đồng thời, một số Bộ, ngành chưa tập trung cho việc ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch đã đề ra. Về cơ bản, cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên tiến độ còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Trong 10 tháng đầu năm 2015, chỉ có 2 văn bản được trình đúng hạn, 9 văn bản trình chậm so với kế hoạch, vẫn còn 5 văn bản hiện các bộ chủ trì chưa trình. Một số cơ chế, chính sách để giải quyết những vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, trong thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, bán vốn nhà nước tại công ty cổ phần Nhà nước không cần nắm giữ,… tuy được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt vẫn chưa được các Bộ trình để ban hành kịp thời, chưa được giải quyết dứt điểm.

Hai là, nguyên nhân khách quan: Những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn nhà nước (bình quân 10 tháng năm 2015 số cổ phiếu IPO bán được chỉ đạt 38% tổng số cổ phần chào bán).

Nhiều doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; việc lựa chọn cổ đông chiến lược… cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý.

Hơn nữa, việc bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chưa được đẩy nhanh do vướng những quy định pháp lý về thời gian thực hiện, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ba là, về phía các DNNN: Kết quả tái cơ cấu cho thấy các DNNN mới chỉ dừng lại ở việc sáp nhập lại với nhau một cách cơ học (chuyển giao DNNN yếu kém của đơn vị này sang cho đơn vị khác quản lý), quy mô của doanh nghiệp tăng nhưng không có sự chuyển biến về chất trong hoạt động và quản lý điều hành. Do đó, việc tái cơ cấu thời gian qua chưa phát huy một cách tối đa năng lực cũng như lợi thế riêng vốn có của từng doanh nghiệp. Đồng thời, việc xây dựng, triển khai đề án sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý vẫn còn chậm trễ.

Cơ chế quản lý DNNN chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp. Việc phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích chưa rõ ràng, minh bạch; Cơ chế đảm bảo cho các DNNN được giao hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có mức sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không đủ sức tham gia vào những lĩnh vực cần thiết cho nền kinh tế còn thiếu.

Bên cạnh đó, chức năng đại diện chủ sở hữu còn phân tán, chưa phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản của DNNN… Những tồn tại trên là lực kéo không nhỏ khiến cho tiến trình tái cơ cấu, đổi mới DNNN bị chậm trễ.

Giải pháp khắc phục tồn tại, đẩy nhanh tái cơ cấu

Thứ nhất, tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích;

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp;

Thứ ba, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước;

Thứ tư, kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp;

Thứ năm, thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật;

Thứ sáu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt;

Thứ bảy, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN.

Cụ thể hóa những nhóm giải pháp trên, để đạt được kết quả tái cơ cấu DNNN như kế hoạch đã đề ra, Chính phủ, các bộ, ngành đã xây dựng, triển khai các hành động cụ thể về điều hành và quản lý Nhà nước, cụ thể như sau:

- Tiếp tục, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo kế hoạch. Tiếp tục rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2015; rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch sắp xếp DNNN để thực hiện ngay hoặc thực hiện trong giai đoạn tới.

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 trước ngày 01 tháng 6 năm 2016.

- Quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp thuộc diện khó hoàn thành cổ phần hóa (đặc biệt là các đơn vị thực hiện cổ phần hóa chậm như các bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, các địa phương: Nam Định, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đăklăk, Gialai).

Xác định nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân, tập thể không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp này, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính hiện đã hoàn thiện các phương án về các giải pháp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN báo cáo Chính phủ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg…

- Tổ chức tổng kết và báo cáo tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển DNNN giai đoạn 2011 - 2015, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020 (đến ngày 12/11/2015. Từ đó, tổng hợp, rút ra các bài học kinh nghiệm và nghiên cứu các giải pháp tiếp theo để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu DNNN và cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh được giao.

- Tăng cường và chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 đã đề ra.