Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và chặng đường phía trước

Đặng Quyết Tiến-Cục Tài chính Doanh nghiệp(Bộ Tài chính)

Sau 6 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mặc dù khối lượng công việc tiếp tục phải làm đến năm 2020 vẫn còn khá lớn, song quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và cũng cho thấy rõ nhiều hạn chế, bất cập và khuyết điểm. Nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn cũng như phát huy những kết quả đã đạt được, các cơ quan chức năng đã đề xuất một số giải pháp cụ thể và quyết liệt cho chặng đường đi tới của hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Những cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến tái cơ cấu DNNN đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ.
Những cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến tái cơ cấu DNNN đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ.

Nhìn lại chặng đường tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước  6 năm qua

Ghi nhận nhiều kết quả tích cực

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2011 – 2015 và năm 2016, đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được các đơn vị đã tổ chức triển khai quyết liệt, đến nay đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như sau:

Thứ nhất, những cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến tái cơ cấu DNNN đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và Luật DN năm 2014; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 23 Nghị định và 02 Quyết định hướng dẫn triển khai các Luật này.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành 05 Nghị định và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định về thúc đẩy tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn tại DN. Qua đó, từng bước đổi mới cơ chế quản lý DNNN, xoá bỏ can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính đối với quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế; thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, số lượng DNNN đã giảm mạnh, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt và cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ được giao. Cụ thể là từ gần 1.500 DNNN đầu tư dàn trải ở nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đến nay, sau 6 năm quyết liệt tái cơ cấu, con số trên đã giảm xuống còn 652 DN chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt. Các DNNN đã cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, hiệu quả hoạt động của DNNN và DN sau CPH được nâng lên. Theo số liệu báo cáo của các DNNN đã CPH giai đoạn 2011-2015 gửi về Bộ Tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của năm 2015 đều tăng hơn so với năm trước khi CPH. Cụ thể: Vốn điều lệ tăng 72%; tổng tài sản tăng 39%; vốn chủ sở hữu tăng 60%; doanh thu tăng 29%; lợi nhuận trước thuế tăng 49%; nộp ngân sách tăng 27%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Thứ tư, quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN tiếp tục được hoàn thiện. Trong giai đoạn 2011 – 2015, việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN được thực hiện theo Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền trách nhiệm; nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào DN.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 99/2012/NĐ-CP đã đạt được những kết quả nhất định như: Đã phân định rõ hơn nội dung quản lý nhà nước và nội dung quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; Cơ chế phân công, phân cấp tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước dần được hoàn thiện, xác định rõ và phù hợp hơn quyền và trách nhiệm của từng chủ thể quản lý DNNN; Chức năng kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN được chú trọng hơn, tạo chuyển biến nhất định về nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong quản lý; Bước đầu khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, giám sát đối với DNNN...

Thứ năm, công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN có nhiều kết quả khả quan. Kết quả thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011 – 2016 cả nước đã thực hiện CPH 564 DN với tổng giá trị thực tế gần 800 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là trên 213 nghìn tỷ đồng, qua đó về cơ bản hoàn thành kế hoạch CPH DNNN theo đề án tái cơ cấu DNNN đề ra.

Để đẩy mạnh việc tái cơ cấu DNNN, trong đó có tái cơ cấu lĩnh vực tài chính, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá trong việc thoái vốn nhà nước nhằm hạn chế tối đa thất thoát, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước như thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán, chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận thoái vốn theo lô...

Các DN cũng đã tự cơ cấu lại toàn bộ nguồn nhân lực của mình thông qua phương án sắp xếp lao động khi CPH, người lao động nào chưa đủ năng lực sẽ được cử đi đào tạo lại, nâng cao thêm chuyên môn và tay nghề. Lao động dôi dư ở các đơn vị sắp xếp, CPH tiếp tục được hưởng chính sách trợ cấp; được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề.

Quản trị DN cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Những đổi mới mạnh mẽ về chủ trương chính sách và hệ thống pháp luật kinh doanh đã tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động, đồng thời với việc tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các DN.

CPH đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới sắp xếp DN, hình thành các DN có nhiều chủ sở hữu, từ đó góp phần thay đổi phương thức quản trị, tạo ra động lực để phát triển và nâng cao hiệu quả DN. CPH đã làm thay đổi cách thức quản trị công ty, việc kiểm tra, giám sát của các cổ đông trong và ngoài DN đã có ý nghĩa thiết thực trong việc đổi mới phương thức quản lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả DN.

Mô hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bước đầu thể hiện những thế mạnh so với cơ chế chủ quản hành chính trước đây; thực hiện phương thức đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước, đồng thời hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, CPH DNNN; công tác quản lý, quản trị DN và tái cơ cấu được SCIC thực hiện thông qua hệ thống người đại diện kết hợp với trực tiếp quản trị danh mục, tình hình DN, đặc biệt là tình hình tài chính, hoạt động đầu tư của DN đã được SCIC giám sát chặt chẽ.

Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng phần nào khẳng định được vai trò là công cụ của Chính phủ để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, CPH DNNN thông qua 03 hoạt động chủ yếu, đó là: Xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DNNN; tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ tại các DNNN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi; xử lý nợ theo quyết định của cấp có thẩm quyền thông qua phát hành các công cụ nợ có bảo lãnh của Chính phủ.

Hoạt động mua bán, xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN giúp các DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo thu nhập và việc làm ổn định cho hàng vạn lao động tại các DN; tăng nguồn thu cho ngân sách và ổn định tình hình kinh tế - an sinh xã hội tại các địa phương... Thông qua xử lý nợ, tái cơ cấu DN, DATC đã góp phần đẩy nhanh công tác sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN.

Một số nút thắt cần tháo gỡ

Một là, mặc dù tiến độ sắp xếp, CPH đã được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nhưng vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra; chưa tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN. Tỷ lệ vốn nhà nước tại các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án CPH DN.

Mặt khác, số lượng DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi CPH còn lớn, nên làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị.

Hai là, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa phát huy trên thực tế vai trò nòng cốt của DNNN trong khu vực kinh tế Nhà nước; năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp; một số DNNN, tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước, gây bức xúc cho xã hội, giảm sút lòng tin của người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ như: Vinashin, Giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ, các dự án nhiên liệu sinh học...

Ngay cả cơ chế quản trị cũng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; Cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn hạn chế, bất cập.

Ba là, việc bàn giao các DN đã CPH về SCIC còn chậm, việc thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư tại các DN theo tiêu chí phân loại DNNN chậm được triển khai. Việc thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính và bán hết vốn trong những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Việc đăng ký giao dịch và niêm yết  trên thị trường chứng khoán của các DN sau khi CPH chưa được triển khai nghiêm túc, còn nhiều DN chưa thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định.

Bốn là, nhiều DN sau khi sắp xếp lại, CPH, chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh.

Còn lúng túng trong xây dựng thể chế và mô hình đại diện chủ sở hữu của DNNN; Chưa tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương với nhiệm vụ thực hiện quyền chủ sở hữu đối với các DNNN; Quyền chủ sở hữu nhà nước tại DN chưa được thực hiện tập trung và thống nhất, bị chia cắt, chưa chuyên trách vừa làm giảm hiệu lực quản lý, vừa không rõ trách nhiệm giải trình gây khó khăn đổi mới quản trị DNNN.

Nguyên nhân dẫn tới những bất cập, hạn chế trên chủ yếu là do:

Thứ nhất, nguyên nhân khách quan:

(i) Quá trình CPH và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 và năm 2016 chịu tác động từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Đặc biệt, 2011-2013 là giai đoạn Việt Nam chịu tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, dẫn tới sự suy giảm của thị trường tài chính, chứng khoán. Điều này cũng tác động tiêu cực, làm chậm tiến độ CPH và thoái vốn.

(ii) Đối tượng sắp xếp, CPH trong giai đoạn này hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Thứ hai, nguyên nhân chủ quan:

(i) Thời điểm phê duyệt Đề án tái cơ cấu của một số bộ, ngành, địa phương tại một số đơn vị còn chậm so với yêu cầu. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, CPH và thoái vốn.

(ii) Nhiều DNNN CPH thuộc đối tượng tham gia thị trường chứng khoán sau phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đến nay chưa lên sàn tập trung. Điều này có ảnh hưởng không tốt đến niềm tin của nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đầu tư cổ phiếu qua đấu giá do e ngại cổ phiếu sau đấu giá khó giao dịch.

(iii) Nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các DN về chủ trương tái cơ cấu DN tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế - xã hội; Còn có tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau CPH, vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ của quá trình CPH, tái cơ cấu.

(iv) Chưa có sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động và cơ chế quản lý đối với DNNN. Năng lực quản lý, điều hành của một số cán bộ quản lý DNNN chưa theo kịp yêu cầu quản trị hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong cơ chế thị trường. Một số chưa đảm bảo về phẩm chất trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước.

(v) Mô hình, tổ chức và cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước còn phân tán, thiếu chuyên nghiệp, phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều vướng mắc, lúng túng làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý, gây khó khăn cho tổ chức, hoạt động và đổi mới quản trị DNNN.

Định hướng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020

Đặt ra một số mục tiêu quan trọng

- DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của DN, tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với DN kinh doanh. Thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng miền.

- DNNN thực hiện đầu tư vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ; hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mang tầm chiến lược, có tính dẫn dắt, định hướng xây dựng nền kinh tế tri thức, có hàm lượng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. Các DNNN thực hiện kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; hoạt động của DNNN phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Những giải pháp trọng tâm

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị, để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Thứ hai, hoàn thiện, ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung triển khai phương án sắp xếp DNNN giai đoạn 2016 - 2020 theo tiêu chí, danh mục phân loại mới; chủ động xây dựng phương án và tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các DN không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần, vốn góp.

Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hoá, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản. Thực hiện niêm yết cổ phiếu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN quy mô lớn trên TTCK đã CPH trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, triển khai rà soát, xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật về phá sản DN.

Thứ ba, từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN cần tập trung rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; Xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng cân đối và giải pháp về vốn đầu tư cho giai đoạn và  năng lực trình độ quản lý;  Xây dựng và công bố công khai phương án tái cơ cấu mà trọng tâm là công tác sắp xếp lại DN, CPH, thoái vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Rà soát, bổ sung hoặc xây dựng ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các hoạt động của DN làm cơ sở để quản lý, kiểm tra, giám sát tăng hiệu quả hoạt động của DN.

Bên cạnh đó, xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các DN thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực; tránh cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các DN thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.

Đồng thời, công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải tổ chức giám sát, kiểm tra thường xuyên, thanh tra định kỳ việc chấp hành pháp luật, thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con, cán bộ quản lý; kịp thời chấn chỉnh sai phạm.

Ngoài ra, tiếp tục đổi mới quản trị DN trên tất cả các mặt như quản trị về lao động, quản trị về tài chính, quản trị về vật tư, quản trị về khoa học công nghệ, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, chú trọng kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, hạn chế, khắc phục và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; tăng cường năng lực, quyền hạn của ban kiểm soát, kiểm soát viên và kiểm toán nội bộ.

Áp dụng tổ chức lao động khoa học trong sản xuất, kinh doanh. Sắp xếp lại, nâng cao chất lượng lao động trong DN; trọng tâm là đội ngũ lao động, trên cơ sở đó nâng cao năng suất của từng người lao động và năng suất lao động tổng hợp của DN.

Đặc biệt, tích cực triển cứu ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; thay thế dần các thiết bị, công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên, vật liệu; từng bước loại bỏ sản phẩm không thân thiện với môi trường để tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững.

Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý DN theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại các DN đã CPH thông qua người đại diện đôn đốc các DN đã CPH, thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các DN đã CPH về SCIC theo đúng quy định.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát DNNN. Đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thứ sáu, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, CPH, tái cơ cấu DN đã được phê duyệt; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Xử lý nghiêm đối với lãnh đạo DN không thực hiện hoặc không thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong việc quản lý điều hành DN.

Thứ bảy, tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong quá trình tái cơ cấu DNNN từ việc định hướng, chỉ đạo quán triệt đầy đủ các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước đến việc tổ chức thực hiện, giám sát quá trình tái cơ cấu theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.