Tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua phương thức mua, bán nợ

DATC

(Tài chính) Công nhân sản xuất giày tại Công ty cổ phần sản xuất thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng (Đà Nẵng). Tuy nhiên, đến nay, sau 10 năm hoạt động, hệ thống pháp lý quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức... của DATC vẫn chưa được hoàn thiện, do đó định chế này còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức quản lý và hoạt động.

Sadico Cần Thơ phát triển mạnh mẽ chỉ sau một thời gian ngắn được DATC tái cơ cấu. Ảnh: Internet
Sadico Cần Thơ phát triển mạnh mẽ chỉ sau một thời gian ngắn được DATC tái cơ cấu. Ảnh: Internet

Vực dậy doanh nghiệp

Năm 2012 vừa qua là năm đầu tiên Công ty CP sản xuất, thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng (Hunex) chấm dứt lỗ lũy kế, không những thế còn lãi khoảng 10 tỷ đồng. Trong bối cảnh nhiều DN xuất khẩu

lao đao, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, hàng tồn kho chất đống thì Hunex lại liên tục mở rộng sản xuất với sản lượng 13.000 - 14.000 đôi giày/ngày. Số lao động của công ty tăng từ 910 lao động lên 2.100 lao động. Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty Bùi Phước Mỹ cho biết, khó khăn lớn nhất của công ty không phải là thiếu đơn hàng xuất khẩu mà là tìm kiếm được công nhân có tay nghề. Công ty đang cần tuyển thêm 600 lao động để mở thêm xưởng may mới, nâng công suất của nhà máy lên 5,3 triệu đôi giày trong năm 2013.

Thành công ngày hôm nay của Hunex khiến không ít người phải ngỡ ngàng bởi chỉ vài năm trước đây, DN này từng đứng bên bờ vực phá sản, số vốn chủ sở hữu bị âm đến 145 tỷ đồng. Năm 2008, DATC phải "giải cứu" Hunex bằng cách mua nợ của công ty ở hàng loạt các ngân hàng như BIDV Hải Vân, Vietinbank Đà Nẵng, Agribank Đà Nẵng... Sau khi được cổ phần hóa thành công, đồng thời với việc thanh lý máy móc thiết bị nhỏ lẻ, manh mún, nguyên liệu mục nát, với tiềm lực của chính mình, đến năm 2010, Hunex thu hút được cổ đông chiến lược là Công ty CP đầu tư và sản xuất giày Thái Bình. Từ đó, Hunex liên tục hồi phục và lấy lại được đà tăng trưởng. Phó Tổng Giám đốc Bùi Phước Mỹ cho rằng, nếu không được DATC xử lý những vấn đề về tài chính thì Hunex khó có thể tồn tại đến ngày hôm nay.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đường Kon Tum Lê Quang Trưởng nhớ lại, từ một DN nợ nần chồng chất, sau khi được DATC tiến hành mua nợ, công ty đã từng bước cân bằng tài sản, vốn. Tiếp đó DATC tái cơ cấu toàn diện, mời gọi được các cổ đông chiến lược đều là những DN có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất đường. Từ ngày 1-7-2008, DN chuyển đổi thành công từ DNNN sang hình thức sở hữu mới là công ty CP và ngay sau khi cổ phần hóa, sáu tháng cuối năm 2008, công ty đã lãi 5,4 tỷ đồng, cổ tức đạt 9,5%. Những năm tiếp theo, số lãi của công ty và cổ tức chia cho các cổ đông không ngừng tăng lên, năm 2012, dù gặp nhiều khó khăn, công ty vẫn lãi 32 tỷ đồng, cổ tức duy trì ở mức 60%.

Hunex và Đường Kon Tum chỉ là hai trong số rất nhiều DN thành công từ "đường ray" tái cấu trúc DN mà DATC thực hiện. Năm 2012, DATC đã triển khai hàng loạt các phương án mua bán nợ, tập trung chủ yếu vào việc đàm phán với các ngân hàng thương mại để mua nợ xấu, xử lý tài chính để tái cơ cấu DN, điển hình như Tổng công ty CP Dâu tằm tơ Việt Nam, Công ty thực phẩm Miền Bắc, Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu Thanh Hà, Công ty Thủy tinh Cam Ranh; Công ty Nhựa Tân Hóa... Lũy kế từ năm 2004 đến năm 2012, DATC thực hiện tái cơ cấu thành công 54 trong số 128 phương án mua bán nợ DN, trong đó có 28 DNNN được chuyển đổi thành công ty CP; 26 công ty CP tiếp tục được xử lý tài chính triệt để, đang trên đà tăng trưởng; tỷ lệ thu hồi nợ đạt 115,9%. Việc tái cơ cấu thành công 54 DN này đã góp phần giải quyết được việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các vùng, miền trọng điểm, đồng thời đã thu hồi được nợ tồn đọng tiền thuế (201 tỷ đồng) của Nhà nước và thu hồi được nợ tồn đọng tiền bảo hiểm xã hội (34 tỷ đồng) từ nhiều năm trước.

Bất cập trong cơ chế hoạt động

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP sứ Cosani Đỗ Văn Bích cho rằng, sự tham gia tái cơ cấu DN của DATC là cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, DATC cần tham gia mạnh hơn nữa, sâu hơn nữa quá trình tái cơ cấu DN bởi hiện nay, DATC mới chỉ dừng lại ở việc xử lý nợ xấu, tham gia góp vốn (chuyển nợ thành vốn góp), trong khi khó khăn của nhiều DN là thiếu vốn lưu động. Hầu hết các DN vừa được DATC mua nợ thì tình hình tài chính không thể lành mạnh ngay để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, do đó, những đồng vốn được hỗ trợ từ DATC đều rất quý, mà giải quyết được việc vay thêm vốn lưu động thì hiệu quả hỗ trợ DN sẽ lớn hơn rất nhiều, nhất là khi DATC là đơn vị nắm khá kỹ DN, cho nên hiểu DN cần gì, cần bao nhiêu vốn.

Cùng chung quan điểm này, Tổng Giám đốc Công ty CP công trình giao thông 60 Nguyễn Như Xuân chia sẻ, đối với những DN ngấp nghé phá sản khi được DATC xử lý xong những khó khăn về tài chính, DN coi như đã sống. Nhưng để DN sớm "khỏe" trở lại, DN cần có vốn lưu động. Vì vậy, DN mong muốn DATC đứng ra bảo lãnh ngân hàng để DN có thể vay thêm vốn.

Trên thực tế, sau tái cơ cấu, các DN cần có vốn lưu động nhất định để sửa chữa máy móc thiết bị, chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu... phục vụ cho hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, khi đã lâm vào tình trạng phải nhờ DATC giải cứu thì tất cả các DN đều không có khả năng đáp ứng quy định được vay vốn của ngân hàng, mà DATC cũng không được phép cho vay hoặc bảo lãnh cho các DN này vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, việc chuyển nợ thành vốn góp của DATC lại không tạo ra dòng tiền mặt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì không nhận được sự hỗ trợ kịp thời sau khi được tái cơ cấu tài chính nên nhiều DN lại tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn. Nếu được tiếp sức và chỉ cần một "cú huých" nhỏ, DN có thể nhanh chóng phục hồi hoạt động, bảo đảm việc làm cho hàng nghìn lao động.

"Nghịch lý là ở chỗ, DN thuộc sở hữu của mình thì phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao, kể cả được vay lãi suất ưu đãi nhưng không đủ nhu cầu mà hàng nghìn tỷ đồng vốn do DATC sở hữu vẫn hằng ngày phải gửi trong các ngân hàng thương mại, không được giải ngân để giúp DN trong lúc khó khăn. Những người làm công tác mua bán nợ chúng tôi cũng tâm trạng lắm, nhưng không làm gì hơn được vì vướng cơ chế", Tổng Giám đốc DATC Phạm Thanh Quang thừa nhận.

DATC không phải là một tổ chức xử lý nợ quốc gia mà là một DNNN vừa hoạt động kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao. Vì vậy, DATC có mô hình tổ chức quản lý, hoạt động; có quyền và nghĩa vụ như các DNNN khác, không có các cơ chế đặc thù cho hoạt động mua bán, xử lý nợ, hỗ trợ DN. Việc ban hành một trình tự, thủ tục và xử lý tài chính đối với hoạt động mua, bán, bàn giao, tiếp nhận, xử lý nợ tồn đọng cho phù hợp... chính là giải pháp quan trọng nhất giúp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong hoạt động của DATC hiện nay.