Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại nhiều thuận lợi

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã triển khai nhiều hoạt động để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng, cũng như các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung. Quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM được cho là đang có nhiều thuận lợi do kinh tế vĩ mô chuyển biến khả quan.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại nhiều thuận lợi
Quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM được cho là đang có nhiều thuận lợi do kinh tế vĩ mô chuyển biến khả quan. Nguồn: internet

Cuối năm 2011, khu vực các NHTM và TCTD trong nước bắt đầu bộc lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn có tính hệ thống như lãi suất cho vay tăng cao, thanh khoản của hệ thống NHTM gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh dẫn đến hiệu quả và lợi nhuận kinh doanh của các ngân hàng giảm sút.

Thực tế này đặt ra yêu cầu ngành ngân hàng cần phải nhanh chóng tiến hành tái cơ cấu hoạt động của toàn hệ thống. Các chuyên gia tham dự hội thảo “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc ngân hàng thương mại” cho rằng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là khâu then chốt trong tái cơ cấu nền kinh tế.

Để hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc hệ thống các TCTD và NHTM, Chính phủ đã thông qua một số chính sách chiến lược, như Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 thông qua ngày 1/3/2012; Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) thông qua ngày 31/5/2013.

Hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được triển khai nhanh chóng, có thể nói đó là những việc làm đầu tiên để triển khai chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ. Các biện pháp được thực hiện từ năm 2011 đến nay đã giúp hoạt động ngân hàng bước đầu được cơ cấu lại theo hướng lành mạnh hơn. Tính thanh khoản của hệ thống NHTM cơ bản được bảo đảm, lãi suất liên ngân hàng được duy trì ở mức ổn định. Xử lý căn bản những TCTD yếu kém, xử lý một phần nợ xấu, cơ cấu lại một bước nhỏ sở hữu các NHTM.

Song, quá trình tái cơ cấu các TCTD và NHTM đã và đang gặp phải một số khó khăn, thách thức không nhỏ. Hoạt động xử lý nợ xấu mới chỉ bắt đầu, thực hiện còn chậm và thiếu triệt để. Và, quy mô nợ xấu của toàn hệ thống hiện ở mức rất cao, điều này đòi hỏi cần phải huy động nguồn lực lớn để xử lý. Việc công bố số nợ xấu của các TCTD còn thiếu chính xác và chưa công khai, minh bạch.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh Lê Xuân Nghĩa nhận định, tiến trình tái cơ cấu còn nhiều trở ngại bởi vấn đề sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng hiện rất lớn và vẫn kéo dài, nguồn gốc vốn góp còn thiếu minh bạch và thiếu chế tài xử lý các vấn đề sở hữu. Công tác quản trị ngân hàng và quản trị rủi ro còn nhiều yếu kém. Thêm vào đó, tình hình kinh tế trong giai đoạn khó khăn cùng với niềm tin thị trường giảm sút đã gây tác động rất lớn đến quá trình tái cấu trúc các NHTM.

Dù vậy, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định, quá trình tái cơ cấu các NHTM đang có nhiều thuận lợi. Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước đang có những chuyển biến khả quan và có dấu hiệu phục hồi, tạo ra những tiền đề thuận lợi cho tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM trong thời gian tới như lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp, tăng trưởng GDP có xu hướng tăng đều qua từng quý (ước đạt 5,14% trong 9 tháng năm 2013). Hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và kiều hối có bước tiến đáng kể. Đồng thời, thanh khoản của hệ thống NHTM dồi dào và đang được củng cố, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất cho vay có xu hướng giảm; thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu ấm dần lên.

Để đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu các TCTD và hệ thống NHTM, cũng như tránh vấp phải những hạn chế như thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có những cơ chế cụ thể hơn trong bảo lãnh tín dụng áp dụng cho VAMC. Cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục chuyển đổi, sang nhượng tài sản áp dụng riêng cho VAMC. Xây dựng chính sách khuyến khích thị trường mua bán nợ như chính sách thuế, chính sách sở hữu hoặc thuê tài sản đối với người nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát kỷ luật và tính minh bạch của hệ thống NHTM nói chung và trong việc mua bán nợ nói riêng. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo cần sớm được luật hóa như sở hữu, chế tài xử lý. Và tăng cường vai trò và tập trung hoạt động của cơ quan giám sát ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán về một mối nhằm quản lý một cách có hiệu quả hơn và ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo lặp lại.

Nhiều chuyên gia nhận định và tin tưởng rằng, việc áp dụng đồng bộ những giải pháp trên là động lực quan trọng đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM trong thời gian tới.