Tài và tâm của một con người thành đạt

Hồng Sâm

(Tài chính) Giản dị, đôn hậu và rất cởi mở - đấy là những điều ai cũng nhận thấy ở anh Thân Hóa- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Công trình 545 (CECO 545) . Còn với riêng tôi, tôi đã hiểu rằng, những phẩm chất ấy trong con người anh chính là chìa khóa mở ra thành công cho một tài năng đầy bản lĩnh trong công việc cũng như một tâm hồn chứa chất thi ca và tình yêu thương của anh hôm nay.

Ông Thân Hóa (phía bên phải) cùng Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (phía bên trái) nhân dịp tặng quà, hăm hỏi các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng. Nguồn: HS.
Ông Thân Hóa (phía bên phải) cùng Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (phía bên trái) nhân dịp tặng quà, hăm hỏi các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng. Nguồn: HS.

Bản lĩnh của một tài năng

Không một đồng vốn, không một văn phòng làm việc, chỉ có con dấu để đảm bảo pháp lý hoạt động cùng một số ít  nhân lực - Chủ tịch kiêm giám đốc CECO 545 đã bắt đầu sự nghiệp của mình khi tiếp quản Xí nghiệp 545 như thế!

 Nếu là một người không dám nghĩ dám làm; ngại khó ngại khổ thì hẳn rằng bộ mặt, tương lai của CECO 545 sẽ không thể được như ngày hôm nay. Nhưng, giả định ấy sẽ không bao giờ xảy ra với một con người đã được tôi luyện trong gian khó từ tấm bé cũng như đã được rèn dũa khi làm công tác trong ngành  dự trữ như Thân Hóa. Ở anh, dù khó khăn đến mấy, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì không bao giờ có hai từ “nản chí”. Ngược lại, càng trong giông bão, chông gai thì tài năng và bản lĩnh của anh càng ngời sáng. Thế nên, bắt đầu khởi nghiệp từ rất nhiều điều “không” đó, người thuyền trưởng năm ấy đã cùng anh em xây những viên gạch đầu tiên cho CECO 545 bằng sự chịu khó, cần mẫn tưởng như đến … khó tin. Đấy là, anh chủ động tái cơ cấu và  tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Tiếp đến anh chủ động đi gõ cửa các đối tác để tìm việc - dù ở bất cứ chỗ nào theo kiểu “năng nhặt chặt bị” của nông dân. Tìm được việc rồi thì anh chủ động tạo nguồn vốn, không phải từ ngân hàng vì khi đó đơn vị của anh không có gì để thế chấp tín dụng, mà là từ niềm tin cậy của bạn bè, người thân… Khi đã xây dựng được nền móng tương đối chắc, cũng là lúc thực hiện chủ trương của Nhà nước về cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp  anh chủ động thực hiện CPH công ty vào năm 2005.

Cứ thế, theo đúng quy luật tự nhiên, đỉnh cao của thành công CECO 545 hôm nay đã được bồi đắp từ những khó khăn gian khổ ban đầu để vững bước đi lên biến không thành có, bằng trí tuệ, công sức và mồ hôi của tập thể công nhân viên chức-lao động (CNVC-LD) của CECO 545 trong suốt chặng đường 15 năm qua. Để giờ đây, anh và mọi người đều có thể tự hào kể lại những bước đi đầy gian khó ban đầu với nhiều con số không: không nhà, không vốn, không việc, cũng như con người lúc đó vừa thiếu lại vừa yếu, giờ đây đơn vị đã trở thành một trong những đơn vị thành viên mạnh của CIENCO 5 và ngành giao thông vận tải. Bước phát triển vượt trội ấy thể hiện rõ nét ở phép so sánh, nếu tại thời điểm năm 2005, giá trị tổng sản lượng của CECO 545 khi mới cổ phần chỉ đạt 82 tỷ đồng thì cuối năm 2013 đã tăng lên gần 410 tỷ đồng; vốn điều lệ ban đầu chỉ 8 tỷ đồng thế nhưng cuối năm 2013 tăng lên gần 120 tỷ đồng. Cổ tức chia cho cổ đông hằng năm bình quân 20% trên vốn điều lệ. Chế độ chính sách đối với ngươì lao động được thực hiện đầy đủ và công ty luôn hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước.

Tỏa sáng vì có tầm nhìn sâu rộng…

Đừng nghĩ, ông chủ tịch kiêm giám đốc CECO 545 chỉ là con người dám vượt khó bằng sự cần cù, chăm chỉ theo cách của những người đã từng sống trong cái nghèo. Nếu chỉ dừng ở đó, có lẽ CECO 545 sẽ mãi mãi chỉ đủ khả năng tồn tại trong thời đại kinh tế toàn cầu có nhiều biến động này chứ không thể tỏa sáng như ngày hôm nay.

Ông chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc công tư CECO 545 với cái tên rất lạ- Thân Hóa còn là người có tầm nhìn sâu rộng khi lấy yếu tố con người và công nghệ làm điểm tựa để đòn bẩy mọi hoạt của Cty  một cách mạnh mẽ giữa những cơn bão cạnh tranh đầy dữ dội của thị trường. Đấy cũng là minh chứng rõ nhất trong quan điểm sống đã có lần anh bày tỏ: “phải tự “bơi” để cứu mình trước khi chờ ai đó quăng cho sợi dây thừng…”

Khi trực tiếp thực hiện cổ phần hóa CECO 545 (2005), anh đã tiến hành cải thiện mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh của công ty bằng việc thay toàn bộ thiết bị lạc hậu của đơn vị và đầu tư gần 100 tỷ đồng để mua sắm, đổi mới thiết bị, máy móc hiện đại. Đấy là một “cỗ máy vàng”. Máy thảm nhựa ấy có bề mặt thảm 7,5 mét, công suất thảm nhựa 600 tấn nguyên liệu/giờ, cho năng suất và chất lượng thi công cao. Hoặc như, gần đây, anh đã mạnh dạn đầu tư dây dây chuyền trạm trộn bê-tông nhựa của Hàn Quốc trên 15 tỷ đồng và xe thảm nhựa trên 8 tỷ đồng… Những thiết bị này đều được đánh giá là một trong những thiết bị tiên tiến bậc nhất trong lĩnh vực xây dựng giao thông tại Việt Nam hiện nay. Chúng đã giúp CECO 545 luôn hoàn thành vượt tiến độ và đạt được tiêu chuẩn chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật các công trình xây dựng giao thông mà doanh nghiệp tham gia thi công.

Cùng với máy móc hiện đại, ông chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc CECO 545 còn đặc biệt chú ý đầu tư chiều sâu để không ngừng nâng cao năng lực của cán bộ công chức nhằm đảm bảo năng lực thi công những công trình có kết cấu phức tạp, thiết kế kỹ thuật cao. Vì thế, anh đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề biết làm chủ kỹ thuật, bảo đảm để đủ sức đảm đương yêu cầu của nhà đầu tư. Từ đó, CECO 545 ngày càng tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường với việc thường xuyên đảm nhận hàng chục công trình lớn tiêu biểu của ngành giao thông vận tải ở khu vực miền Trung và cả nước.

Điển hình như, tại TP. Đà Nẵng là đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đường Hoàng Văn Thái, Nguyễn Hữu Thọ, 30/4, Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa, Bạch Đằng, Hoàng Sa và nhiều khu dân cư mới… với tổng giá trị thực hiện hợp đồng trên 1.600 tỷ đồng. Tại Quảng Nam, đơn vị tham gia thi công đường ven biển Cẩm An - Điện Dương, khu đô thị 1B Điện Ngọc, khu dân cư Lưu Minh huyện Thăng Bình… tổng giá trị thực hiện hợp đồng 480 tỷ đồng. Tại Long An, Cty  thực hiện thi công tuyến N2 trị giá 130 tỷ đồng. Tại Hà Nội, là trục phía Nam Thủ đô với giá trị thực hiện gần 900 tỷ đồng.Và các dự án mở rộng quốc lộ 1A theo hình thức BOT được bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư các tuyến qua Tp Đà Nẵng,tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1 từ Hòa Cầm - Hòa Phước với tổng mức đầu tư 580 tỷ đồng hoàn thành tháng 11/2009 về trước thời gian 3 tháng, giai đoạn 2 từ cầu Tứ Câu - thị trấn Vĩnh Điện tổng mức đầu tư 372 tỷ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2012, giai đoạn 3, từ km 947 đến 987 tổng mức đầu tư 1400 tỷ đồng đi qua tỉnh Q.Nam dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 5/2015 và về trước tiến độ 5 tháng.

Sống đôn hậu trên những vần thơ

Quả thực, trước khi gặp anh tôi đã khá ngần ngại. Vì tôi đã nghe nói anh là một doanh nhân thành đạt nên có suy nghĩ rằng chắc hẳn cũng giống như bao doanh nhân khác vì thành đạt quá mà luôn cư xử theo kiểu “đứng cửa trên” với tất cả mọi người. Nhưng, tôi đã bị bất ngờ đến ngỡ ngàng khi anh vồn vã tay bắt mặt mừng, thân tình trò chuyện- dù là lần gặp gỡ đầu tiên.

Điều gì khiến anh khác với những điều nhiều người tưởng như thế? Phải rồi, anh vốn là người con của vùng đất cần cù trong lam lũ với những câu hò, điệu lý da diết - vùng quê Điện Bàn, Quảng Nam. Và, tuổi thơ của anh không bao giờ quên được những giọt mồ hôi mặn mòi của mẹ cha chan đầy trên vùng đất “chưa mưa đã thấm” ấy. Vì thế, Thân Hóa đã lớn lên bằng một tâm hồn đôn hậu, thấm đẫm những nhọc nhằn của người lao động, thấm đẫm câu hò da diết của quê hương. Từ đó, anh biết lấy thơ để bồi đắp tâm hồn mình bằng ký ức về những người thân yêu để tự răn mình đã lớn lên từ đâu: “Sáu mươi ba tuổi đời/ Hai mươi hai ngàn chín trăm chín lăm ngày cơ khổ/ Cha vẫn chưa quên cái cuốc, cái cày/ Vẫn nắng mưa, chai cộm bàn tay/ Giấc ngủ, bữa ăn đạm bạc/ Quần áo vá, đạp xe thăm ruộng/Uống nước chè nằm ngủ chõng tre/ Suốt cuộc đời dậy sớm thức khuya/ Thuốc lá hút có khi thay cơm sáng/ Cầy xong ruộng trời chưa sáng/ Giục bước trâu về còn gồng gánh oằn vai...”

Và cũng từ đây, tôi hiểu ra rằng, cái đích mà anh Thân Hóa đang đi đến trong cuộc đời không đơn giản chỉ là giúp chính bản thân mình, gia đình mình thành đạt mà còn là mong muốn được cống hiến chia sẻ với xã hội bằng tất cả sức lực và trách nhiệm của mình. Đấy là việc anh có những đóng góp lớn lao cho các công trình đền ơn đáp nghĩa như công trình xây dựng tượng đài Mẹ Thứ, xây dựng bệnh viện Đặng Thùy Trâm, bệnh viện ung thư Đà Nẵng, tham gia tu bổ 3 nghĩa trang liệt sĩ của thanh niên Ban xây dựng 67 Anh Hùng (tiền thân của CIENCO 5) và xây dựng nhiều nhà tình thường cho các gia đình chính sách trong cả nước…cũng như  ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân bị lũ lụt… Với anh, những việc làm đó rất tự nhiên khi nó gắn liền với trách nhiệm bình thường của mỗi con người và sư phát triển bền vững của doanh nghiệp  không quên quê hương, không quên quá khứ anh hùng của cả dân tộc.

Tôi gặp doanh nhân thành đạt Thân Hóa ở lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Cục DTNN khu vực Đà Nẵng. Trong giọng nói đầy hãnh diện, anh đã kể cho tôi nghe về quãng đời tuổi trẻ của mình được công tác ở ngành dự trữ, xuất thân từ công nhân nông trường 29/3 đến trưởng phòng cung tiêu rồi Chủ nhiệm Tổng kho Dự trữ Điện Bàn. Vậy đấy, dù bôn ba bao sóng gió để tự mình bứt phá và thành danh nhưng khi trở về với “ngôi nhà cũ”, anh vẫn là con người khi xưa, không một chút đổi thay. Và, thẳm sâu trong anh vẫn là một tình yêu da diết với đất mẹ, quê cha như bài thơ "Hồn quê Điện Bàn" anh viết năm 2008 được nhạc sỹ Trần Tiến phổ nhạc và NSND Thu Hiền trình bày với cảm xúc dạt dào, mà tôi muốn nêu lên đây để thay cho lời kết của bài viết này  “Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng/ thương cha nhớ mẹ quá chừng lắm bạn ơi. Quê nhà Điện Bàn tôi thương/ đêm đêm một dòng nước trong/ bến sông Thu Bồn bãi dâu xanh rờn/ áo nâu đi về nắng mưa/quê nhà nơi ấy tuổi thơ/ mớ rau lang luộc mớ kho cá trầu/ Quê tôi đồng lúa dãi dầu/Chân trần áo bạc nhuộm nâu/ Quê tôi người sống nghĩa tình/ có chi nói vậy thiệt thà đơn sơ/Quê tôi rặng núi xa mờ/ hương đồng cá cuội chiều mưa/Tha phương giọng nói giữ gìn/ Tiếng ai thắm đượm hồn quê Điện Bàn/ Sông Thu, cầu Cóng ai về/Nhớ cha nhớ mẹ ruột đau chín chiều…”