Tăng giá điện: Khó cho doanh nghiệp thép ?

Theo dddn.com.vn

Theo Dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, giá điện bán cho DN hai ngành thép và xi măng sẽ được tách riêng với mức giá khá cao.

Tới đây giá điện bán lẻ cho hai ngành thép và xi măng có mức giá khá cao. Nguồn: Internet
Tới đây giá điện bán lẻ cho hai ngành thép và xi măng có mức giá khá cao. Nguồn: Internet

Theo đó, giá Bộ Công thương dự kiến bán cho DN ngành sản xuất thép và xi măng sẽ từ  59% đến 187% giá bán lẻ điện bình quân, tùy cấp điện áp và thời gian sử dụng điện vào lúc bình thường, thấp hay cao điểm.

Bất hợp lý từ “phân biệt đối xử”

Đối với các DN trong hai ngành bị tách riêng giá bán điện dự kiến này, đây là một tin xấu và thể hiện một sự phân biệt đối xử giữa các ngành. Hiệp hội Xi măng VN, Hiệp hội Thép VN và VCCI đã đồng loạt có công văn gửi Bộ Công Thương phản đối việc tăng giá điện theo biểu giá riêng lẻ áp dụng với 2 ngành này. Thậm chí, trong trường hợp không áp dụng biểu giá dự kiến, thì ngay cả khi Bộ Công thương có thông tin cho biết xem xét đề xuất điều chỉnh tăng giá điện lên mức 10% - 15% để đưa thị trường tiệm cận dần với cơ chế thị trường, tránh bù lỗ cho ngành điện, nhiều ý kiến vẫn cho rằng cần cân nhắc kỹ càng, thận trọng vì quyết định tăng giá điện có gây sốc, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất cũng như đời sống xã hội. Một quan chức không nêu tên trong Bộ Công Thương cho biết nhìn nhận một cách công bằng, ông cũng thấy dự thảo “phân biệt” giá điện bán lẻ cho 2 ngành sản xuất xi măng và thép là bất hợp lý, cho dù đây là 2 ngành sử dụng, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. “Một cơ chế thị trường công bằng cần phải hướng đến mở cửa ngành điện, phá vỡ độc quyền ngành điện thì các DN tiêu hao năng lượng nhiều cho sản xuất cũng sẽ phải tuân theo cơ chế thị trường, chấp nhận trả giá và cạnh tranh”, vị này nói.

Các doanh nghiệp ngành thép có khó khăn?

Không đồng thuận với biểu giá điện dự kiến, hay quyết định sẽ xem xét tăng giá điện, DN ngành thép – ngành cùng chung với xi măng đang được cho là tiêu hao khoảng 10-12% điện năng tiêu thụ của cả quốc gia - thực tế tại thời điểm hiện nay đang có khá nhiều thuận lợi.

Báo cáo mới nhất về ngành thép với các  DN đầu ngành như Thép Hòa Phát của CTCK Bản Việt cho hay, 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến giá thành và biên lợi nhuận của DN thép là giá nguyên liệu đầu vào và chi phí lãi vay, đều đang giảm. Cụ thể trên thị trường quốc tế, so với hồi đầu năm  giá  thép phế  đã  giảm 15%, và  giá phôi thép  giảm  8%.  Giá  nguyên  liệu  giảm  giúp  biên  lợi  nhuận  gộp  của  Cty  Thép Hòa Phát tăng  từ 13,4% trong Quý 1/2013 lên 17,6% trong Quý 1/2013. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay trong nước giảm nhờ NHNN mạnh tay giảm lãi suất điều hành cũng đã hỗ trợ cho DN ngành thép, khối ngành công nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Cũng theo tính toán của Chứng khoán Bản Việt, lãi suất trung bình năm giảm từ 12% trong Quý 1/2012 xuống 5% trong Quý 1/2013 đã giúp  chi phí lãi vay của công ty Thép Hòa Phát giảm 176 tỉ đồng trong Quý 1/2012 xuống 81 tỉ đồng trong Quý 1/2013.

Cùng với đó, tỉ giá tăng những tưởng là yếu tố gây thiệt hại cho DN ngành thép, song thực tế là ngược lại. Một báo cáo khác của chứng khoán Maybank KimEng dẫn ví dụ phân tích về CTCP Tập đoàn Hoa Sen và cả POM - Pomina. Theo đó, 2 DN có tỉ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu lớn có thể bị ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng của việc tăng 1% tỉ giá lại chẳng đáng là bao so với lợi kép thu được từ đồng đô la Mỹ tăng giá ở cả quốc tế và VN, đặc biệt là với Hoa Sen do Cty này có doanh thu xuất khẩu, nguồn thu từ đồng đô la rất lớn.  Trong bối cảnh như vậy, nếu tăng giá điện thêm 10% có thực sự ảnh hưởng đến những DN thép đầu ngành hay không? Câu trả lời là chưa hẳn. DN, tất nhiên sẽ phải gánh thêm chi phí sản xuất. Nhưng thiệt hại của DN không phải chỉ là chi phí sản xuất mà thiệt hại về tâm thế cạnh tranh, về tâm lý DN. Đó là cái thiệt lớn hơn nhiều trong bối cảnh DN đang nỗ lực cắt lỗ, đẩy hàng tồn kho, và những DN lớn thì đang nỗ lực tận dụng cơ hội để vươn ra thị trường quốc tế.

Tất nhiên, điện không thể cứ đứng yên một chỗ và nhà nước không thể cứ “bao cấp” giá điện mãi được, nhất là đối với khối DN sử dụng nhiều điện năng. “Dưỡng sức” cho DN lúc này hay tận dụng CPI xuống dốc để tăng giá điện, lựa chọn nào cũng có những cái giá phải trả. Quan trọng, cái giá đó nghiêng ích lợi về bên nào, khối DN, tập đoàn Nhà nước hay nền kinh tế?