Tăng quyền cho DATC để giải cứu doanh nghiệp

PV.

Đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận tại dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quy định tại dự thảo, DATC được bổ sung quyền cung cấp tài chính, bảo lãnh vay vốn tín dụng cho các doanh nghiệp mà công ty này tham gia tái cơ cấu. Có thể nói, đây là quy định cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho DATC ttrong hoạt động xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả.

Thực tế, cho thấy, các đối doanh nghiệp DATC thực hiện hỗ trợ, xử lý tài chính và tham gia tái cơ cấu hầu hết là các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh.

Đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cho doanh nghiệp, cụ thể là tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Việc thực hiện các nghiệp vụ hỗ trợ tài chính hoặc bảo lãnh phải đảm bảo gắn với phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và phải hỗ trợ cho việc thu hồi nợ và vốn của DATC khi chuyển nhượng, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.

Tuy nhiên, với quy định trên, một số ý kiến cho rằng, việc trao quyền hỗ trợ tài chính, bảo lãnh cho DATC sẽ dễ gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến hoạt động hiện nay của các ngân hàng.

Lý giải điều này, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ như nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Do đó, hoạt động hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp được DATC tham gia tái cơ cấu trên cơ sở phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt không phải là hoạt động cấp tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ tài chính, bảo lãnh là các doanh nghiệp do DATC thực hiện tái cơ cấu, có vốn góp chi phối, yếu kém về tài chính, cần được hỗ trợ. Khi thực hiện hỗ trợ tài chính, DATC tiền hành nghiên cứu kỹ từng đối tượng để có phương án cụ thể  và các doanh nghiệp được hỗ trợ đều phải đảm bảo những điều kiện  của DATC đưa ra.

Mặt khác, hoạt động hỗ trợ của DATC là không diễn ra thường xuyên, không nhằm mục đích sinh lời như hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp là nguồn vốn sản xuất kinh doanh. DATC không huy động vốn để thực hiện cho vay như hoạt động tín dụng. Chính vì vậy sẽ không ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng, không phải là hoạt động cấp tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Thực tế cho thấy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Công ty TNHH Một thành viên được phép cho vay (do chủ sở hữu quyết định). Trường hợp Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là minh chứng điển hình.

VAMC do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng tương đồng về chức năng xử lý nợ với DATC. VAMC hiện đang được thực hiện nghiệp vụ cung cấp tài chính để hỗ trợ khách hàng vay khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ.

Ngoài ra, cũng theo Luật Doanh nghiệp, một trong những trường hợp xác định một công ty là công ty mẹ của công ty khác nếu sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó.

Theo đó, các doanh nghiệp sau khi được DATC tái cơ cấu, chuyển nợ thành vốn góp mà đạt tỷ lệ theo quy định, sẽ được coi là công ty con của DATC và việc DATC bảo lãnh vay vốn cũng đảm bảo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Về nguyên tắc hoạt động cung cấp tài chính, bảo lãnh đối với doanh nghiệp tái cơ cấu có vốn góp chi phối của DATC, dư thảo nêu rõ: Việc cung cấp tài chính từ nguồn vốn kinh doanh của DATC được thực hiện theo các nguyên tắc:

Một là, việc cung cấp tài chính phải gắn với phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt; DATC quyết định và chịu trách nhiệm về việc cung cấp tài chính cho doanh nghiệp tái cơ cấu, đảm bảo thu hồi vốn và có hiệu quả kinh tế;

Hai là, không cung cấp tài chính đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu đã có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư của DATC được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Ba là, phải gắn với thu hồi nợ hiệu quả. Doanh nghiệp tái cơ cấu không được sử dụng khoản cung cấp tài chính của DATC để trả nợ cho chính DATC.

Những quy định trên không chỉ nhằm tăng quyền cho DATC chủ động hơn trong việc xử  tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp hiệu quả mà còn giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính có cơ hội phục hồi hoạt động, được tái cơ cấu để phát triển.