“Cuộc đua nước rút"

Hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm, quý IV luôn có những động lực mạnh mẽ thúc ép cỗ máy mỗi DN phải vận hành hết công suất để hoàn thành các mục tiêu đặt ra và đây cũng chính là thời điểm tạo sự đột phá hiệu quả nhất. Chẳng hạn, với ngành Thực phẩm, đây là giai đoạn doanh số tăng mạnh nhất do tốc độ tiêu thụ sản phẩm tốt hơn các quý khác.

Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Bibica (BBC) năm 2011 cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu của Công ty tăng 17% trong quý IV/2011 là do giá vốn bán hàng giảm trong khi giá thành bán ra lại tăng hơn 10,8% cùng kỳ. Nếu không vì các chi phí như bán hàng, quản lý DN… đều tăng, BBC đã bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận. Với kinh nghiệm được tính toán từ năm trước, trong quý IV năm nay, BBC đã đặt mục tiêu lợi nhuận 30 tỷ đồng, tức tăng gần gấp ba mức lãi mà Công ty đã đạt được trong 9 tháng đầu năm. Mục tiêu này được BBC đưa ra trên cơ sở yếu tố mùa vụ và nhu cầu tiêu thu vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch và Lễ Giáng sinh.

Cùng với BBC, Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) cho biết, lợi nhuận của KDC sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm. KDC dự kiến đưa ra thị trường hơn 3.800 tấn bánh kẹo các loại, tăng 20% sản lượng trong mùa lễ tết năm nay... Cả hai DN trên đều cho hay, hiện đang ở giai đoạn “dồn sức” nhằm “tăng tốc” vượt qua các lực cản để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn.

Không khí hối hả “vào vụ” không chỉ đến với các DN ngành Thực phẩm mà còn đến cả với các DN tưởng chừng không liên quan gì đến mùa vụ như ngành Đồ gỗ, ngành Giấy... Tình cảnh ngành Xây dựng sụt giảm suốt thời gian dài vẫn không ngăn được bước tăng trưởng ngoạn mục của Công ty cổ phần Savimex. Dự kiến, doanh thu cả năm 2012 của Savimex ước đạt 625 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với 2011.

Tổng Giám đốc Savimex Bùi Ngọc Quới cho biết, thời gian qua thị trường đồ gỗ Nhật Bản đang rút dần khỏi Trung Quốc và chuyển xu hướng qua Việt Nam, mở ra cơ hội cho các DN sản xuất đồ gỗ trong nước. “Nhờ nắm bắt được xu hướng và cơ hội này nên đến giờ Savimex đã ký kết đủ đơn hàng để sản xuất đến hết năm 2012 và những tháng đầu năm 2013. Có khả năng năm mới, các dây chuyền sản xuất đồ gỗ của Savimex sẽ quá tải do còn nhiều đơn hàng tiếp tục đàm phán để ký kết” - ông Quới phấn khởi cho biết.

Theo số liệu khảo sát về thực trạng và tình hình khó khăn đối với các DN trên địa bàn TP. Hà Nội của cục thống kê hà nội công bố mới đây cho thấy: quản lý thuế, có 51,9% DN cho rằng không cản trở, 30,9% DN cho rằng tương đối cản trở và 6,5% cho rằng rất cản trở; khả năng tiếp cận vốn, có 37,8% DN cho rằng tiếp cận vốn hiện nay tương đối cản trở; 23,4% DN cho rằng không cản trở và 29,7% DN cho rằng rất cản trở trong đó các ngành tiếp cận vốn khó khăn như: xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại; 47,1% dn cho rằng vay vốn rất cản trở; 53,2% DN cho rằng lạm phát đang rất cản trở…

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Liksin Lê Đăng Quang lại chia sẻ, bước vào quý IV, tình hình sản xuất kinh doanh đã khởi sắc rõ nét so với 9 tháng đầu năm. Để tăng cường sản xuất nhằm giao hàng đúng hẹn, đồng thời sớm đạt kế hoạch đề ra, Công ty đã huy động toàn bộ công suất các nhà máy.

Ngoài ra, Công ty còn đưa ra chương trình “thi đua nước rút” trong toàn Tổng công ty và đã được các đơn vị đăng ký thi đua rất sôi nổi, hào hứng, từ đó giúp tăng hiệu quả, năng suất lao động. Dự báo doanh thu thực hiện cả năm 2012 của Liksin đạt 1.000 tỷ đồng, tăng trên 5% so với cùng kỳ. “Hiện chúng tôi đã ký kết đủ đơn hàng để sản xuất từ nay đến cuối năm và chuẩn bị đơn hàng cho những tháng đầu năm 2013”, ông Quang nói.

Vẫn khó vào cuộc

Trái ngược với các ngành nghề trên, ngành Bất động sản (BĐS) cũng ngóng đợi vào yếu tố mùa vụ, cuối năm người dân mua nhà để đón Tết hoặc tăng cường sắm sửa. Tuy nhiên, với diễn biến thực tế trên thị trường hiện nay, các DN BĐS khó hy vọng bứt phá trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của năm 2012. Mặc dù các DN đã tung ra nhiều chiêu hút khách, nhưng dường như càng về cuối năm không khí tại các sàn giao dịch BĐS càng heo hắt, vắng bóng khách hàng, trái ngược so với những năm trước.

Cùng cảnh ngộ trên sức tiêu thụ cá tra, tôm trên thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa hiện nay vẫn ảm đạm. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, tại địa phương này, vẫn còn khoảng 780 ha nuôi cá tra chưa thu hoạch. Các DN không mặn mà sản xuất một phần vì nhu cầu xuất khẩu giảm và quan trọng là kể cả bán được hàng, DN vẫn bị lỗ.

Chia sẻ của lãnh đạo một DN thủy sản cho hay, nếu như trước đây Đồng bằng sông Cửu Long có 17 DN và 23 nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra thì nay con số nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra chỉ còn lại 6 đơn vị. Làm ăn thua lỗ và thiếu vốn khiến nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa. Ngay Công ty cổ phần Hùng Vương, DN hàng đầu ngành Thủy sản cũng phải giảm công suất nhà máy xuống 50%. Sự thua lỗ và nhu cầu tiêu thụ sụt giảm đã tạo ra bức tranh màu xám bao trùm nhiều DN nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng như đời sống người dân vốn dựa vào ngành nghề này cho dù ngày Tết sắp đến.

Không ít DN ngành Khoáng sản, cũng đang hụt hơi trong cuộc đua về đích cuối năm. Chỉ tính riêng các DN niêm yêt trên sàn giao dịch chứng khoán, 5 DN trong tổng 18 DN khoáng sản niêm yết đã bị thua lỗ nặng trong 9 tháng. Nhìn trên kết quả kinh doanh từ quý IV/2011 trở lại đây, nhà đầu tư chỉ thấy sự sa sút kéo dài về doanh thu, lợi nhuận so với các quý trước đó thậm chí còn trượt dài trong thua lỗ.

“Lực đỡ” chính sách

Thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ thời gian qua, Bộ Tài chính đã miễn, giảm, gia hạn hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế, phí cho cộng đồng DN. Đây thực sự là “liều thuốc bổ” giúp DN phục hồi sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn. Chính sách này đã làm hồi sinh và tiếp sức cho hàng nghìn DN sản xuất trở lại và là động lực quan trọng thúc đẩy các DN phát triển để về đích đúng hạn trong dịp cuối năm.

Điều này thể hiện ở lượng hàng tồn kho của DN đã liên tục giảm trong những tháng gần đây. Qua công tác quản lý thuế cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đã có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Cụ thể, trong số gần 25.000 DN ngừng sản xuất kinh doanh hồi đầu năm do gặp khó khăn, đã có hơn 2.000 DN hoạt động trở lại chỉ trong tháng 6 và tháng 7/2012. Số DN thường xuyên khai thuế đạt 533.000 DN, trong đó số DN kê khai có lãi trong quý I/2012 tăng 2,4%, quý II/2012 tăng hơn 2,8%. Doanh số kê khai thuế giá trị gia tăng trong tháng 7/2012 tăng 5,3% so với tháng trước là tín hiệu đáng mừng về sự phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Cùng với các chính sách tài chính hỗ trợ DN, sự vào cuộc của các ngân hàng qua động thái giảm lãi suất, loại bỏ các điều kiện, thủ tục vay vốn đã tạo động lực quan trọng và kịp thời giúp DN tự tin, vực dậy sản xuất kinh doanh. Với diễn biến theo chiều hướng như hiện nay, cộng thêm Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như ưu đãi thuế, hạ mặt bằng lãi suất, cơ cấu lại nợ... các DN phần nào đã tự tin hơn, yên tâm mở rộng, đẩy mạnh đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong chặng đường cuối năm.

Bài đăng Tài chính & Đầu tư số 12-2012

"Tăng tốc" cuối năm

Nguyễn Thị Bích Thủy

(Tài chính) Cuối năm là giai đoạn quan trọng nhất của doanh nghiệp (DN) trên chặng đường “nước rút” để cán đích các mục tiêu kế hoạch đặt ra. Đến thời điểm này, đã có nhiều DN về đích đúng hạn nhưng cũng không ít DN đang “tăng tốc” để đạt được những kết quả khả dĩ nhất…

Xem thêm

Video nổi bật