Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Chiều 8/10, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã họp báo Quý III/2012 báo cáo thực hiện kế hoạch kinh doanh 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2012.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản
Petrovietnam sẽ tập trung nguồn lực cho ngành nghề chính của Tập đoàn

Trao đổi với báo giới về đề án tái cấu trúc Tập đoàn, ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam cho biết: Tập đoàn đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án, ngoại trừ một vài điểm, cơ bản Thủ tướng chấp nhận đề xuất của Petrovietnam đối với phương án tái cấu trúc Tập đoàn, vì thế, ông Phùng Đình Thực đã bày tỏ hy vọng rằng trong tháng 10 này Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án tái cấu trúc của Petrovietnam.

Trong lĩnh vực dịch vụ xây lắp dầu khí, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam sẽ phân chia thành 2 bộ phận gồm xây lắp dầu khí trên biển và xây lắp dầu khí trên bờ. Trong đề án tái cấu trúc, Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) sẽ đảm nhiệm toàn bộ công việc xây lắp trên bờ như xây lắp đường ống, bể chứa, nhà máy lọc hóa dầu, kho cảng, bến bãi… Còn những lĩnh vực không thuộc xây lắp dầu khí trên bờ thì PVC phải thoái vốn, trong đó có bất động sản. Đặc biệt, Petrovietnam đã xây dựng 4 nguyên tắc cơ bản để PVC và các đơn vị thành viên khác tiến hành thoái vốn, bao gồm: đúng luật, căn cứ vào tình hình thị trường (thị trường tốt, đủ điều kiện mới thoái vốn), bảo toàn tối đa vốn của Nhà nước, trong trường hợp thua lỗ kéo dài không liên quan đến ngành nghề chính thì sẽ kiến nghị đề ra các phương án thoái vốn, sáp nhập hoặc phá sản… Tất nhiên việc thực hiện phải hết sức minh bạch, công khai, theo đúng nguyên tắc thị trường.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Petrovietnam phải có phương án sắp xếp lại các doanh nghiệp cấp II, III và IV. Ông Phùng Đình Thực cho biết, Petrovietnam hiện có 29 công ty con, khi cấu trúc lại sẽ giảm bớt còn lại 24 công ty. Các công ty con cấp II và cấp III, kể cả các công ty liên kết, đang là 206 đơn vị sẽ giảm bớt 80 công ty, còn lại 126 công ty. Trong Petrovietnam sẽ không còn công ty cấp IV, công ty liên kết với công ty cấp II, cấp III. Tất cả các công ty cấp II, cấp III và công ty mẹ dứt khoát phải đảm nhận nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực chính, mỗi công ty mẹ phải chọn lĩnh vực chính để làm, tránh tình trạng đầu tư tài chính ra ngoài lĩnh vực cốt lõi.

Trong đề án tái cấu trúc cũng nêu rõ Petrovietnam sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản. Đại diện của Petrovietnam khẳng định, Tập đoàn sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Ocean Bank đến năm 2015. Với đề nghị Petrovietnam không duy trì Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC), Tập đoàn sẽ thực hiện theo hình thức sáp nhập PVFC với một ngân hàng phù hợp, sau đó mới tiến hành bán cổ phần, chứ không phải là mua bán, chuyển nhượng. Điều kiện sáp nhập là PVFC góp vốn theo tỷ lệ vốn điều lệ của ngân hàng sau khi đã xử lý hết các khoản nợ, xử lý hết nợ xấu, đảm bảo tài chính rõ ràng, minh bạch. Việc sáp nhập sẽ chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, Bộ Tài chính… Hiện Petrovietnam đang thực hiện quá trình này để đảm bảo xong trước năm 2015.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Petrovietnam cho biết, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đã đạt 563 nghìn tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch 9 tháng và 85,3% kế hoạch năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó doanh thu bán dầu đạt 11,02 tỷ USD, bằng 160% kế hoạch 9 tháng và bằng 111% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2011; doanh thu dịch vụ dầu khí đạt 164,2 nghìn tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch 9 tháng, 68,4% kế hoạch cả năm và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm 29% tổng doanh thu toàn Tập đoàn. Nộp Ngân sách nhà nước đạt 120,1 nghìn tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch 9 tháng và 89% kế hoạch năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong 9 tháng đầu năm, Petrovietnam đã ký 3 hợp đồng dầu khí mới, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt khoảng 35 triệu tấn quy dầu, bằng 100% kế hoạch năm. Tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 19,33 triệu tấn, trong đó khai thác dầu đạt 12,40 triệu tấn và khai thác khí đạt 6,93 tỷ m3. Giá trị thực hiện đầu tư 9 tháng đạt trên 62 nghìn tỷ đồng, bằng 87% kế hoạch 9 tháng và 60% kế hoạch năm; giá trị giải ngân đạt 60 nghìn tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch 9 tháng và bằng 64% kế hoạch năm 2012.