Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước - những mảng sáng và tối

Theo Đại biểu Nhân dân

Năm 2012, cùng chịu ảnh hưởng từ những khó khăn của thế giới và trong nước như các doanh nghiệp khác, bức tranh kết quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng có những mảng sáng và tối. Dù vậy, từ những đơn vị vẫn đạt được kết quả tích cực cho thấy, mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước nếu có định hướng phát triển tốt, chú trọng hoàn thiện khả năng quản trị sẽ vượt qua được khó khăn.

Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước - những mảng sáng và tối
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo đánh giá chung về tình hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong năm 2012, các doanh nghiệp này đã cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; đồng thời, tiếp tục thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bình ổn giá cả, vật tư hàng hóa, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia và an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng được đội ngũ lao động kỹ thuật với trình độ tay nghề cao; góp phần quan trọng xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình trọng điểm của Nhà nước, đặc biệt những dự án có ý nghĩa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng miền theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiếp tục đi đầu trong nghiên cứu triển khai, đổi mới công nghệ, để thực hiện những công trình có hiệu quả lớn mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc không đủ khả năng thực hiện. 

Thống kê năm 2012 cho thấy, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 127 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách gần 300 ngàn tỷ. Các tập đoàn có doanh thu và lợi nhuận cao là Dầu khí, Viễn thông Quân đội, Bưu chính Viễn thông, Điện lực, Xăng dầu, Hàng không, Công nghiệp Cao su… Hiện, tổng vốn chủ sở hữu mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ là trên 735.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 2,1 triệu tỷ đồng. Bên cạnh duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong một năm có nhiều khó khăn, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã xây dựng Đề án tái cơ cấu một cách toàn diện; tiếp tục sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã và đang phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 12/19 tập đoàn và tổng công ty 91.

Báo cáo cũng chỉ rõ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm so với năm 2011 và không hoàn thành kế hoạch đề ra. Ngoại trừ những đơn vị lỗ do chính sách giá và điều chỉnh chênh lệch tỷ giá thì các tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch đề ra chủ yếu do kinh doanh thua lỗ. Vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp này cũng chỉ tăng 1%, trong khi năm 2011 mức tăng này là 9%. Tình hình tài chính của không ít tập đoàn, tổng công ty thiếu lành mạnh. Có tổng công ty không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính. Việc một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động phụ thuộc nhiều vào vốn vay đã khiến chi phí tài chính của họ lớn, khó có khả năng thanh toán nợ đến hạn. Tình trạng đầu tư chưa hiệu quả vẫn còn tồn tại. Đồng thời, quản trị doanh nghiệp chưa có nhiều đổi mới, cơ cấu quản lý, điều hành tại một số tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị thành viên cồng kềnh, đòi hỏi chi phí quản lý cao. 

Nhận định tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có những điều chỉnh thận trọng hơn về kế hoạch năm 2013. Tổng hợp số liệu báo cáo của 73 tập đoàn, tổng công ty về Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các chỉ tiêu về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản tiếp tục được dự kiến sẽ cao hơn so với năm 2012. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách đều giảm. Nếu tính theo khối các bộ quản lý, khối tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công thương có mức giảm về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách lớn nhất, trong đó chủ yếu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự báo sẽ giảm mạnh về doanh thu. Dù vậy, các tập đoàn, tổng công ty vẫn đặt mục tiêu đầu tư phát triển cao hơn mức thực hiện năm 2012.

Không dừng ở những nhận xét chung chung, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đi sâu phân tích những mảng sáng - tối trong bức tranh sản xuất, kinh doanh của các Tập đoàn, tổng công ty. Cụ thể, Báo cáo đã so sánh kết quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực viễn thông. Theo đó, khác với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông toàn cầu, Tập đoàn Viettel đã không chỉ nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong nước, mà còn hướng đầu tư ra nước ngoài. Tập đoàn này cũng chú trọng thực hiện tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo nên tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn thấp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, trong khi tỷ lệ này ở VNPT ở mức cao. Viettel cũng chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành doanh nghiệp giúp các hoạt động trong và ngoài nước được triển khai đồng bộ, giảm thất thoát, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong cùng một ngành nhưng nếu có định hướng chiến lược đúng đắn và quản trị doanh nghiệp tốt thì kết quả sẽ khác nhau và vượt qua được khó khăn. 

Nhưng điều đáng tiếc là tại Hội nghị, nhiều đại diện tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ dừng lại ở nêu thành tích, khó khăn, đưa đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để giúp tháo gỡ khó khăn. Chỉ duy nhất Chủ tịch Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Phạm Viết Thanh cho biết, trong năm 2013, Vietnam Airlines sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra, cũng như đóng góp cho quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng chung của cả nước. Trong khi đó, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách của một số tập đoàn, tổng công ty giảm so với năm 2011 hoặc không đạt kế hoạch đề ra. Và dù hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chung của các đơn vị này còn trong giới hạn cho phép thì cũng có một số tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ vượt giới hạn cho phép. Nợ phải thu khó đòi của một số tập đoàn, tổng công ty khá cao, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Có thể thấy, những kết quả chung trong năm 2012 của nước ta có đóng góp quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước, mà chủ lực là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhưng từ những mảng sáng và mảng tối trong bức tranh hoạt động của các đơn vị này cho thấy, mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu cần sớm có những hành động thiết thực để khẳng định quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động của mình, tạo dựng và củng cố niềm tin với xã hội. Những đơn vị chưa hoàn thành công tác này cần nhanh chóng thực hiện để có thể xứng đáng với vai trò trụ cột trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải là lực lượng trụ cột, nòng cốt thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về Đề án Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, cũng như các Nghị quyết của Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp, thực hiện mục tiêu tăng trưởng khoảng 10%. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, quyết liệt sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu theo đề án đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương cần hết sức quan tâm, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy quá trình đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, mà trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty.