Thách thức chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình

Theo enternews.vn

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt cho rằng: Chưa thấy được sự chuyển giao hoàn toàn giữa các thế hệ trong hầu hết các doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo triết lý và văn hóa phương Đông, hầu hết các DNGĐ Việt Nam đều mong muốn có sự kế nghiệp của các thế hệ kế tiếp và việc này cũng được định hướng từ rất sớm. Tuy nhiên, việc kế thừa có xảy ra hoặc có thành công hay không còn tùy thuộc vào tư chất, thiên hướng và ý muốn chủ quan của thế hệ sau, bên cạnh những yếu tố bên ngoài khác.

Thách thức chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình - Ảnh 1

Sáu thách thức chuyên nghiệp hóa DNGĐ trong 5 năm tới (nguồn: Khảo sát toàn cầu của PwC về DNGĐ lần thứ 8)

Phóng Viên: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng chuyền giao “quyền lực” trong các doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện nay?

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt.

Ông Phạm Đình Đoàn: Phần lớn các DNGĐ ở Việt Nam hiện nay đều được hình thành và phát triển từ thời kỳ đổi mới, với nền kinh tế theo định hướng thị trường. Có rất ít các DNGĐ được kế thừa từ những thế hệ trước năm 1975. Với đặc thù như vậy, các DNGĐ Việt Nam đang được dẫn dắt chủ yếu từ thế hệ đầu hoặc đang có sự đan xen quản lý và điều hành giữa hai thế hệ. Mỗi DNGĐ thường có các hoàn cảnh khác nhau và mang tính “nội bộ” nên thực trạng chuyển giao “quyền lực” nếu có chỉ có thể nói đại đa số vẫn trong thời kỳ quá độ, đan xen chứ chưa thấy được sự chuyển giao tuyệt đối.

Theo ông, đâu là những thách thức trong tiến trình chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình cũng như chuyển giao kế nghiệp tại Việt Nam?

Chuyên nghiệp hóa DNGĐ sẽ là một xu hướng tất yếu để nâng cao tính cạnh tranh và duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp đã được tạo dựng và thành công. Theo tôi, việc chuyên nghiệp hóa DNGĐ và việc chuyển giao kế nghiệp (trong nội bộ thành viên gia đình) là hai vấn đề riêng rẽ, tuy có liên đới với nhau. Việc chuyển giao kế nghiệp thành công có thể là tiền đề cho việc chuyên nghiệp hóa DNGĐ nhưng ngược lại việc chuyên nghiệp hóa DNGĐ chưa chắc đã đồng nghĩa với việc chuyển giao kế nghiệp thành công.

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân định hướng kế nghiệp cho con từ sớm, điều này có ảnh hưởng đến tính độc lập và tư duy sáng tạo của thế hệ tiếp theo?

Trong thời đại hiện nay, việc định hướng kế nghiệp theo tôi dù là có mong muốn nhưng không còn mang tính ép buộc nhiều nữa. Nếu nhận thức như vậy thì việc định hướng sẽ mang tính tích cực nhiều hơn đến tâm lý của cả hai thế hệ và đến sự phát triển của thế hệ sau.

Việc định hướng kế nghiệp cho thế hệ sau là đúng nhưng vì “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” nên việc định hướng cũng phải lựa theo hoàn cảnh cụ thể, không mang tính khiên cưỡng hay bắt buộc để có thể khơi dậy được năng lực, đam mê và hoài bão của thế hệ kế tiếp theo truyền thống của gia đình.

Việc đặt vấn đề kế nghiệp một cách chính thức chỉ nên thực hiện khi chúng ta thấy thế hệ kế nghiệp có đủ năng lực và đã sẵn sàng về tâm lý cũng như lý trí. Còn trước thời điểm đó thì không nên gây áp lực hoặc áp đặt cho con cái, nên để chúng phát triển và phát huy hết năng khiếu bẩm sinh theo tự nhiên.

Thách thức chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình - Ảnh 2

Năm cách thế hệ hiện tại có thể hỗ trợ các thế hệ kế nhiệm. (Nguồn: Pwc)

Tuy nhiên, tôi cũng quan tâm đến kết quả khảo sát của PwC chỉ có 69% thế hệ kế nghiệp trong các DNGĐ tham gia làm việc trong các doanh nghiệp của gia đình (dù có tăng từ 55% theo số liệu năm 2014). Điều này cũng cho thấy cũng có nhiều trường hợp việc kế nghiệp là không xảy ra hoặc không thành công.

Nhiều trường hợp và câu chuyện thực tiễn cho thấy có thành viên thuộc thế hệ sau từ bỏ các đam mê hoặc năng kiếu cá nhân để tập trung vào việc kế nghiệp và nhiều trường hợp ngược lại có thành viên không muốn đánh đổi hoặc hy sinh vì DNGĐ. Lúc đó việc chuyển giao cho các thành viên ngoài gia đình có thể là một giải pháp duy nhất hoặc mang tính thích hợp hơn.

Theo ông, chuyên nghiệp hoá doanh nghiệp gia đình có vai trò như thế nào trong việc tạo dựng thương hiệu quốc gia?

Chúng ta đều biết DNGĐ có tỷ lệ đóng góp rất lớn trong nền kinh tế của nhiều nước, có thể chiếm đến 70-80% đóng góp vào GDP. Nhiều DNGĐ ở nhiều quốc gia đã có ảnh hưởng và danh tiếng ở khu vực và toàn cầu. Nhiều DNGĐ ở Việt Nam cũng đã và đang vươn ra trường quốc tế và cũng đã tạo dựng được thương hiệu và ảnh hưởng cùng những đóng góp không nhỏ cho thị trường trong nước.

Tuy nhiên, sự hiện diện trên trường quốc tế đòi hỏi DNGĐ phải theo luật chơi quốc tế, phải có được sức cạnh tranh và sự thừa nhận của các đối tác, các khách hàng ngoài Việt Nam. Điều đó bắt buộc các DNGĐ Việt Nam phải chuyển đổi và phải áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, phải trở thành chuyên nghiệp.

Để làm được như vậy chúng ta phải có lộ trình thay đổi và phải đầu tư vào sự thay đổi: từ ý thức hệ, công tác quản trị doanh nghiệp, đến minh bạch thông tin, chất lượng nhân sự, đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường… và phải làm một cách thực chất và bài bản.

Chúng ta cũng không thể đứng ngoài xu thế chung của thế giới như phát triển bền vững cho cộng đồng, cho doanh nghiệp thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận.

Xin cảm ơn ông!