Tham gia TPP: Doanh nghiệp logistic lo mất thị phần

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Doanh nghiệp (DN) logistic nước ngoài hiện đang chiếm đến 75% tổng thị phần của ngành logistic ở Việt Nam, đang đặt ra thách thức lớn cho các DN logistic nội địa trong việc nắm giữ thị phần, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Đây là chia sẻ của ông Đinh Hữu Thạnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics JSC) với phóng viên.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về cơ hội đối với các DN Việt Nam trong ngành logistic khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực?

Ông Đinh Hữu Thạnh

Ông Đinh Hữu Thạnh

Ông Đinh Hữu Thạnh: Ngành logistic được đánh giá là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng tích cực và được hưởng lợi nhiều khi TPP có hiệu lực. Bởi, việc mở cửa thị trường hàng hóa, xuất nhập khẩu ngày càng tăng sẽ là điều kiện tiền đề cho việc mở rộng nhu cầu vận chuyển, cung ứng, kho bãi… khiến các dịch vụ logistic phát triển mạnh.

TPP cũng là cơ hội để các DN logistic Việt Nam có điều kiện tiếp cận, mở rộng được thị trường rộng lớn hơn, tận dụng được cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, quá trình hội nhập cũng là điều kiện tốt để các DN trong nước học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng dịch vụ để ngày càng phát triển, hướng đến đạt các chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh cơ hội lớn là những thách thức không nhỏ, thưa ông?

Thách thức lớn nhất mà các DN logistic Việt Nam đang và sẽ đối mặt có thể là bị thu hẹp thị phần, chịu cảnh là người ngoài cuộc và thua thiệt ngay trên “sân nhà”. Hiện nay, số DN nội địa chiếm tới 80% tổng số DN logistic ở nước ta nhưng chỉ chiếm gần 25% thị phần. Trong khi đó, các tập đoàn logistic nước ngoài lớn xuất hiện và hoạt động ngày càng nhiều, có nguồn tài chính mạnh, dồi dào, nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp, đang chiếm lĩnh 75% thị phần ở Việt Nam.

Nếu các DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường logistic củaViệt Namthì các DN logistic nội địa chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn của chuỗi dịch vụ này và chủ yếu vẫn là làm đại lý cho nước ngoài. Hơn nữa, nhiều nhà xuất khẩu của Việt Nam gia công hoặc xuất hàng cho những khách hàng lớn đều đã có những hợp đồng dài hạn với các công ty logistic toàn cầu.

Do đó, kể cả khi cơ hội giao thương phát triển, nhu cầu dịch vụ logistic tăng lên, các DN Việt cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có một chiến lược tổng thể, kế hoạch phát triển phù hợp.

Nguyên nhân của những khó khăn trên do đâu, thưa ông?

Nguyên nhân trước hết do đa phần các DN dịch vụ logistic Việt Nam là DN quy mô nhỏ, năng lực còn nhiều hạn chế, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất như kho xưởng, bến bãi, phương tiện vận chuyển… nên chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Một yếu tố nữa là các DN vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng trọn gói. Khách hàng, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, luôn tìm kiếm đối tác cung cấp dịch vụ logistic có kinh nghiệm, có uy tín, có đủ khả năng đáp ứng trọn gói dịch vụ logistic. Tuy nhiên, rất ít DN Việt có thể đáp ứng được điều này. Do vậy, với hiểu biết, kinh nghiệm và công nghệ, DN logistic nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam chỉ cần thuê lại tài sản, hạ tầng và nguồn nhân lực là cung ứng tốt dịch vụ cho khách hàng.

Đặc biệt, các DN trong nước vẫn thiếu tính liên kết với các DN trong ngành và liên ngành. Hiện nay, tính liên kết một cách ổn định, lâu dài của DN logistic Việt vẫn chưa được đề cao nên khó có thể phát triển rộng dịch vụ, khó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Vậy, DN ngành logistic cần có những giải pháp như thế nào để hấp thụ được tốt nhất những lợi thế từ hội nhập và tham gia sâu hơn vào chuỗi logistic toàn cầu, thưa ông?

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, DN logistic Việt Nam đứng trước bài toán là phải thực sự lớn để đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài.

Để làm được điều này, đòi hỏi sự chủ động của DN. Theo đó, trước hết DN logistic nội địa cần tăng cường tính liên kết, hợp tác với các DN trong ngành, liên ngành để tạo thành những chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị lớn, tạo ra sức mạnh tập thể cùng phát triển.

Bên cạnh đó, các DN cần chú trọng, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ như phần thủ tục hải quan khai thác phải chuyên nghiệp hơn, có hệ thống khai báo tốt hơn, cung cấp dịch vụ kho bãi đạt tiêu chuẩn quốc tế, việc vận chuyển phải đúng giờ hơn, có các chính sách chăm sóc khách hàng tốt hơn…

Ngoài ra, các DN cũng cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề nguồn nhân lực để đội ngũ nhân lực ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Xin cảm ơn ông!