Thắng “đậm” nhưng vẫn âu lo

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Năm 2013, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may không chỉ duy trì được các bạn hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga, Đông Âu… mà còn tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Châu Phi, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ…

 Thắng “đậm” nhưng vẫn âu lo
Nhiều DN ngành dệt may tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Châu Phi, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ… Nguồn: internet
Nhờ sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành, song kết quả xuất khẩu hàng dệt may sang những thị trường lớn vẫn tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu đã cán đích 20 tỷ USD, tăng gần 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 17,9 tỷ USD; xơ, sợi dệt các loại hơn 2,13 tỷ USD.

Ngành đã áp dụng linh hoạt, hiệu quả chiến lược hai thị trường theo hướng tiếp tục duy trì tốt các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, ngành cũng chú trọng đầu tư nâng cao năng suất lao động, gia tăng hàm lượng nội địa hóa; tập trung sản xuất những mặt hàng có yêu cầu kỹ thuật cao, chất lượng, linh hoạt đáp ứng đơn hàng quy mô nhỏ và vừa, thời gian giao gấp để hình thành những đặc thù thị trường ngách.

Việt Nam đang tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do với một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP); với Liên minh Hải quan Nga - Belarus -Kazashtan và dự kiến sẽ khởi động đàm phán hiệp định tự do thương mại song phương với Hàn Quốc…

Nếu được ký kết, các hiệp định này sẽ tạo cơ hội mở rộng thị phần và tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong thời gian tới. Một số DN đã từng bước đổi mới công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị, nhất là trong các lĩnh vực dệt, nhuộm, hoàn tất và thiết kế; xây dựng lộ trình, phương án sản xuất để chuẩn bị đáp ứng yêu cầu khi tham gia TPP.

Bên cạnh đó, nhiều DN đã tích cực cải thiện chất lượng kênh phân phối hiện có, tăng cường khai thác thị trường nội địa để cung cấp hàng dệt may Việt Nam chất lượng cao với mức giá hợp lý cho người tiêu dùng, nhằm duy trì sản xuất, dần chiếm lĩnh lại "sân nhà".

Tuy nhiên, ngành dệt may đang bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng năm 2013, ngành mới nội địa hóa được khoảng 48% nguồn nguyên phụ liệu (riêng Tập đoàn dệt may Việt Nam chủ động được khoảng 54%), đáp ứng 2% nhu cầu bông và 12,5% nhu cầu vải, sản xuất được 140.000 tấn sợi mỗi năm nhưng chưa phải là sợi chất lượng cao. Đây thực sự là khó khăn lớn của ngành, nhất là khi thời điểm Hiệp định TPP được ký kết đã gần kề, vì khi đó các DN phải bảo đảm quy định về xuất xứ của sợi, vải mới được hưởng các ưu đãi về thuế.

Vì vậy, các DN dệt may trong nước không thể chỉ tiếp tục sản xuất gia công mà phải sản xuất được cả nguyên phụ liệu. Trước tình hình đó, Tập đoàn dệt may Việt Nam đã kêu gọi các DN trong ngành tập trung phát triển sản xuất nguyên phụ liệu, vải, sợi để hình thành nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Tập đoàn đã triển khai hàng loạt dự án sản xuất nguyên phụ liệu với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án sợi đã được đưa vào hoạt động, tổng sản lượng tăng thêm của ba nhà máy này đạt 1.270 tấn sợi Ne30.

Ngoài ra, Tập đoàn đã đưa dự án Nhà máy Dệt Yên Mỹ với sản lượng tăng thêm đạt 180.000m vải vào hoạt động. Tập đoàn Texhong (Hồng Công - Trung Quốc) đưa Nhà máy Sợi tại Quảng Ninh vào hoạt động giai đoạn 1, với 3 nhà xưởng và một số công trình phụ trợ phục vụ sản xuất sợi. Tập đoàn đang triển khai dự án Khu Liên hợp Sợi - dệt - nhuộm - may An Lão tại Hải Phòng.

Mục tiêu của việc tăng tốc đầu tư là nhằm hình thành và nâng cao chuỗi liên kết giữa các DN, khép kín quy trình sản xuất từ sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may, chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và Odệt may (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm), góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm đáng kể tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu.