Thay đổi chính mình để hội nhập

Theo daibieunhandan.vn

Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt: Kết nối và Hội nhập trong Kỷ nguyên FTA thế hệ mới diễn ra sáng ngày 23/6, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải vươn tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành, tận dụng tốt các lợi thế trong tiến trình hội nhập, nỗ lực hơn nữa để biến thách thức thành cơ hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khi hội nhập, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng. Người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa tốt và rẻ hơn. Dòng vốn ngoại đầu tư vào nước ta sẽ tăng. Khi đó, các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng tiêu thụ sản phẩm đến tất cả các nước đối tác. Thủ tục xuất nhập khẩu bớt rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất hàng hóa ra thị trường thế giới…

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho rằng, kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng không ít khó khăn, thách thức khi mở cửa và hội nhập sâu. Trong bối cảnh hàng loạt các FTA song phương và đa phương được ký kết, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập và đặc biệt là việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), để không bị lùi lại phía sau, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư phát triển, nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội.

Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký 15,58 tỷ USD của năm 2015 cũng đã cho thấy sự quan tâm không hề suy giảm của các nhà đầu tư vào Việt Nam, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn này. Một lần nữa, tinh thần doanh nhân, bản lĩnh vượt khó cũng như khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp Việt lại bừng dậy và các doanh nghiệp, doanh nhân đã có những nỗ lực phi thường, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Thực tế đối với Hiệp định lớn như TPP, các quy định về thuế tương đối phức tạp. Theo quy định, trong vòng 2 năm kể từ ngày ký, 12 nước phải thông qua hết mới có hiệu lực. Đến nay chưa có nước nào thông qua sẽ phải tính tiếp phương án trong vòng 2 năm không có nước nào thông qua thì sau đó phải có ít nhất 6 nước thông qua mới có hiệu lực. Nếu Quốc hội nước ta thông qua TPP, chúng ta vẫn phải chờ 11 nước còn lại, nếu không phải chờ 6 nước trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản. Do đó, dự kiến đến khoảng đầu năm 2018 Hiệp định mới có hiệu lực.

Vậy làm thế nào để thực sự khai thác được cơ hội từ các cam kết này? Trả lời câu hỏi trên, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bùi Huy Sơn cho rằng, chúng ta đang bước vào giai đoạn mới để hội nhập quốc tế, đây là giai đoạn mới về chất. Chúng ta có hiệp định thương mại tự do với 55 nền kinh tế trên thế giới và bất cứ hàng hóa nào của Việt Nam đang xuất khẩu, nhập khẩu đều được điều chỉnh bởi các hiệp định này. Nhà nước đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước một vé đi cửa riêng với nhiều ưu đãi. Vì vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam hợp tác với nước nào trên thế giới đều được hưởng ưu đãi từ nước đó. Thực tế, trên thế giới gần 160 nước cùng cạnh tranh với nhau nhưng hiếm có nước nào có phần thuế thấp như ở Việt Nam.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi nhưng cũng phải mở cửa nhiều. Đây cũng là sức ép cho các doanh nghiệp trong nước. Rõ ràng, trong xã hội hội nhập sâu và cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, nếu cứ ngồi chờ đợi thì không ai biết đến. Các doanh nghiệp phải đổi mới, phải ra ngoài. Hiện các doanh nghiệp Việt vẫn nghĩ chi phí cho xúc tiến thương mại lớn nhưng hiệu quả chưa cao. Nhưng thực tiễn lại cho thấy, tất cả các nền kinh tế đặc biệt là các nước giàu có vẫn đầu tư nhiều cho xúc tiến, bởi vì họ nhìn thấy lợi ích to lớn và lâu dài từ nó.

Trên thực tế, thời gian qua, Nhà nước đã huy động và dẫn dắt, bên cạnh đó có sự đồng hành của các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại. Xúc tiến thương mại là công cụ hết sức hữu hiệu không những hiệu quả mà còn là bền vững cho cả cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng để có thể tồn tại và phát triển, chỉ có một con đường đó là các doanh nghiệp phải thay đổi chính mình để nâng cao năng lực cạnh tranh.